Doanh nghiệp Trung Quốc mua từ khi ra hoa, "ăn ngủ" tại vựa sầu riêng
Nhiều nhà nhập khẩu Trung Quốc ngỏ ý muốn mua sầu riêng của Việt Nam từ khi ra hoa. Đến thời điểm thu hoạch, khách tới tận vựa, xưởng sơ chế để thu mua.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, bà Đoàn Thùy Giang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vĩnh Khang, cho biết giá sầu riêng tại vựa hiện dao động trung bình 140 ngàn đồng/kg. Thời gian gần đây, giá biến động mạnh do các nhà nhập khẩu Trung Quốc đợi vào chính vụ tại Bình Phước, trong khi miền Tây gần hết hàng.
Sầu riêng Việt Nam chủ yếu xuất khẩu tới thị trường trung Quốc
Với Vĩnh Khang, doanh nghiệp này tham gia xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc từ năm 2022. Bà Giang cho hay từ khi ký Nghị định thư, sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng mạnh.
Trong năm, Việt Nam có nhiều vụ thu hoạch sầu riêng ở Tây Nguyên, Bình Phước, miền Tây. "Mỗi một vụ, doanh nghiệp xuất khẩu hơn 60 container, mỗi công hàng khoảng 18 tấn sầu riêng tươi" - bà Giang cho biết.
Theo nhận định của bà Giang, giá sầu riêng của Việt Nam cạnh tranh hơn Thái Lan nên hấp dẫn các nhà nhập khẩu Trung Quốc. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô về Việt Nam mua hàng, đặc biệt có cả người Trung Quốc ở tại vựa sầu riêng của Việt Nam để đóng hàng và xuất khẩu.
Đến hết tháng 2-2024, Việt Nam đã xuất được hơn 41 ngàn tấn sầu riêng, xấp xỉ sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong năm 2022
"Họ đến ngỏ ý mua hàng từ khi trái sầu riêng ra hoa, khi tới vụ thu hoạch, doanh nghiệp Trung Quốc đến tận xưởng để mua"- bà Giang nói.
Trong khi đó, ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch HĐQT Công ty Cánh Đồng Vàng (Lạng Sơn), cho biết Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Về lượng, năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 1,4 triệu tấn sầu riêng, trị giá 6,7 tỉ USD.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), với diện tích đạt trên 112 ngàn ha (chiếm 9% diện tích trồng cây ăn quả) và sản lượng sầu riêng đạt 863 ngàn tấn mang lại giá trị kim ngạch xuất khẩu cao. Các thị trường tiêu thụ chính sầu riêng của Việt Nam là Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc), Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản và Mỹ.
Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 603 ngàn tấn sầu riêng, trong đó xuất sang thị trường Trung Quốc hơn 595 ngàn tấn (chiếm 98,6%). Đến hết tháng 2-2024, Việt Nam đã xuất được hơn 41 ngàn tấn, xấp xỉ sản lượng sầu riêng xuất khẩu trong năm 2022.
Thời gian tới, việc mở cửa thành công cho sản phẩm sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc sẽ tạo ra một bước tiến quan trọng cho ngành hàng sầu riêng Việt Nam.
Do đó, Cục Bảo vệ thực vật khuyến nghị, nếu tận dụng tốt cơ hội, lợi thế và tổ chức sản xuất chuyên nghiệp, đồng thời không ngừng cải tiến kỹ thuật, nâng cao chất lượng, ngành hàng sầu riêng của Việt Nam sẽ không cần phải lo về chỗ đứng, thị phần mà có thể vượt qua sầu riêng của Thái Lan, chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo các chuyên gia, câu trả lời về các khả năng dẫn tới sầu riêng nhiễm cadimi của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất có vấn đề. Ngay lúc này, Cục cần thông tin trước dư luận về kết quả kiểm tra các lô hàng phân bón đã được cảnh báo vượt dư lượng cadimi vào năm ngoái.