Doanh nghiệp tố bị “ép” bằng chính sách
Đại diện 44 doanh nghiệp (DN) kinh doanh gas cùng đại diện một số DN nhập khẩu ô tô, dệt may cho rằng, nhiều quy định trong các thông tư, nghị định của Bộ Công Thương đang giết chết các DN vừa và nhỏ. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, Bộ Công Thương sẽ lắng nghe nghiêm túc và tìm cách gỡ khó cho DN.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh
Đẻ thêm nhiều điều kiện
Tại Hội nghị “Lấy ý kiến tổ chức, cá nhân về quy định, thủ tục hành chính ngành Công Thương” ngày 26/9, bà Nguyễn Thị Thùy Trang, đại diện các DN kinh doanh gas ở Khánh Hòa cho rằng, Nghị định 19 về kinh doanh gas đang có những điều khoản vi phạm Luật Doanh nghiệp. Cụ thể, Nghị định 19 quy định muốn được cấp phép, DN phải có 10 tổng đại lý hay 7 đại lý. Đây là quy định vi phạm Luật Doanh nghiệp với việc tạo ra các điều kiện kinh doanh mới. Cùng đó, Bộ Công Thương cần bỏ quy định đại lý chỉ được ký hợp đồng với 1 tổng đại lý hoặc 3 DN kinh doanh gas.
Khẳng định Nghị định 19 của Bộ Công Thương đang làm khổ DN nhỏ và vừa, ông Trần Trung Nhật, chủ DN kinh doanh gas ở Tây Ninh cho biết, DN của ông có trạm sang chiết gas, hoạt động 15 năm nay với lượng khách hàng ổn định với 16-17 nghìn vỏ bình. Theo Nghị định 19, DN phải có 100 nghìn vỏ bình, có 300m3 khí và 20 đại lý mới được cấp giấy phép làm thương nhân phân phối khí. Nếu không đáp ứng được sẽ phải đóng cửa. “Với quy định này, để có giấy phép DN sẽ phải ra làm việc với Bộ Công Thương. Trước nay, không có quy định về giấy phép này. Nay đẻ thêm ra giấy phép con khiến DN rất khổ. Nghị định 19 còn những điều khoản can thiệp rất sâu vào hoạt động của DN. Chính sách làm sao phải ổn định, thông thoáng lâu dài để người dân, DN thực hiện theo đúng tinh thần Nhà nước kiến tạo”, ông Nhật nói.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty luật Basico cho rằng, Luật Doanh nghiệp quy định DN được phép lựa chọn quy mô hoạt động nhưng đến nay lại quy định phải có điều kiện đáp ứng các quy định về kho chứa, trạm sang chiết. Điều này không khỏi làm dấy lên nghi ngờ phải chăng các ông lớn muốn tiêu diệt DN nhỏ và vừa?
Tiếp tục phản ánh những vấn đề liên quan đến Thông tư 20 của Bộ Công Thương về nhập khẩu xe dưới 9 chỗ, ông Nguyễn Tuấn, Giám đốc Công ty Thiên An Phúc cho rằng, Thông tư 20 từ 1/7/2016 đã hết hiệu lực nhưng đến nay DN chưa nhập khẩu được do vướng giấy phép nhập khẩu.
“Chúng tôi muốn hỏi bao giờ Thông tư 20 được bãi bỏ để DN còn có kế hoạch kinh doanh. Thời gian áp dụng Thông tư 20 là sau 45 ngày, vậy mà Thông tư đến nay đã quá hạn gần 90 ngày trong khi DN không thể nhập khẩu được ô tô nữa”, ông Tuấn đặt câu hỏi và kiến nghị xây dựng luật làm sao để DN lớn và nhỏ cùng được tham gia. Nếu cấm thì cần cấm hết, cơ quan quản lý không nên dẫn yếu tố an toàn giao thông, bảo vệ người tiêu dùng để đưa ra các quy định cấm DN nhập khẩu. “Những gì pháp luật không cấm thì cơ quan quản lý cần để cho DN làm”, ông Tuấn nói.
Sẽ bỏ Thông tư 20
Liên quan đến những ý kiến của DN về Nghị định 19, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, bà Lê Thị Nga cho biết, hiện trên thị trường có 10 nghìn DN kinh doanh gas. Nghị định ra đời từ những văn bản từ các thành viên của Hiệp hội kinh doanh gas yêu cầu lấp những lỗ hổng về mặt pháp lý trong kinh doanh gas. Với những phản ánh của DN, cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu để đề xuất sửa đổi cho phù hợp.
Chia sẻ thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định không ai xây dựng chính sách nhằm giết DN nhỏ và vừa. Phải thừa nhận thực tế bản thân Bộ Công Thương cũng lúng túng khi xây dựng các dự thảo quy định pháp luật. Ngay như Nghị định 42 về kinh doanh đa cấp, với những diễn biến của thị trường và các biến tướng trong kinh doanh đa cấp, hiện nay cũng cần phải xem xét sửa đổi. Với nghị định kinh doanh khí, những người soạn thảo cũng hết sức lắng nghe.
Về Thông tư 20, ông Khánh cho rằng hiện thông tư đã hết hiệu lực và đến nay đang có vùng trũng về hiệu lực quản lý do có liên quan đến Thông tư 19 của Bộ GTVT. Quan điểm của Bộ là sẽ nhất định bãi bỏ Thông tư 20. Còn tại thời điểm hiện nay, khi chưa có văn bản thay thế thì vẫn tạm thời duy trì.