Doanh nghiệp nội nhập siêu 17 tỷ đô

Bộ Công thương vừa cho biết, nhập siêu tháng 10 ước 100 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 10 tháng 2015, nhập siêu khoảng 4,13 tỷ USD, bằng 3,1% kim ngạch xuất khẩu.

Trong khi khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu khoảng 17,1 tỷ USD thì khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 13 tỷ USD.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 ước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng 9 và tăng 2,7% so với tháng 10 năm 2014.

Doanh nghiệp nội nhập siêu 17 tỷ đô - 1

Riêng trong tháng 10, Việt Nam nhập siêu ước 100 triệu USD.

Theo số liệu, khu vực FDI tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng xuất khẩu. Kim ngạch xuất khẩu 10 tháng năm 2015 của cả nước tăng 13,4% so với cùng kỳ, tăng xấp xỉ 14,5 tỷ USD, trong đó kim ngạch của khu vực FDI (không kể dầu thô) tăng khoảng 9,5 tỷ USD (đóng góp khoảng 65,5% kim ngạch tăng thêm).

Các mặt hàng có kim ngạch lớn và có tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu do sự đóng góp chủ yếu của các doanh nghiệp FDI gồm điện thoại các loại và linh kiện.

Bộ Công thương cho biết, mục tiêu kế hoạch kim ngạch xuất khẩu năm 2015 là tăng 10% so với năm 2014 (đạt 165 tỷ USD). Trong 10 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 134,62 tỷ USD, bằng 81,6% kế hoạch năm, như vậy bình quân hai tháng cuối năm phải đạt gần 15,2 tỷ USD/tháng (tháng 10 ước đạt 14,4 tỷ USD).

Theo đánh giá của Bộ Công thương, đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Do vậy, các cơ quan, Bộ ngành cần có các giải pháp quyết liệt hơn nữa nhằm hỗ trợ và thúc đẩy xuất khẩu để đạt được mục tiêu kế hoạch về kim ngạch xuất khẩu.

Về kim ngạch nhập khẩu, báo cáo cho biết kim ngạch nhập khẩu hàng hoá tháng 10 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng 9. Tính chung 10 tháng năm 2015, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 138,7 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 82,1 tỷ USD, tăng 19,3%; các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 56,6 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của khối doanh nghiệp FDI là điện thoại các loại và linh kiện, nguyên, phụ liệu dệt may, da giầy…

Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng khá, chiếm tỷ trọng 88,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Bên cạnh đó, một số mặt hàng như nông sản, quặng và khoáng sản, khí đốt hóa lỏng, nguyên liệu dược phẩm, gỗ và sản phẩm có mức tăng tương đối lớn, do nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu để phục vụ sản xuất của các doanh nghiệp vào thời điểm gần cuối năm tăng cao.

Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu một số nhóm hàng như điện thoại di động, ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ vẫn có mức tăng khá cao so với cùng kỳ. Cụ thể, ô tô nguyên chiếc các loại (trừ xe dưới 9 chỗ) tăng 101,9%; ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 58,5%...

Về thị trường nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu từ Châu Á vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các thị trường nhập khẩu của cả nước chiếm 80,3%. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu từ ASEAN chiếm 14,1%, các nước Đông Á chiếm 62,6%, riêng Trung Quốc chiếm gần 29,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN