Doanh nghiệp lo trữ cả trăm tỷ hàng Tết

Mặc dù còn gần 3 tháng nữa mới đến Tết Ất Mùi nhưng nhiều doanh nghiệp, đơn vị bán lẻ đã chuẩn bị hàng hóa rất sớm với lượng hàng tăng từ 10 - 20%.

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội và TPHCM, các doanh nghiệp (DN) làm hàng phục vụ thị trường Tết Ất Mùi đã lập xong kế hoạch sản xuất, trữ hàng, phương thức phân phối, định giá bán và chương trình khuyến mại.

Lượng hàng các DN đầu tư so với mùa Tết Giáp Ngọ 2014 tăng từ 10% đến 20%. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết, DN đã chuẩn bị hàng hóa tết đạt hơn 80% kế hoạch và tăng 10% so với năm ngoái. “Giá cả năm nay sẽ ổn định và không tăng giá do chi phí đầu vào. Để kích cầu tiêu dùng, không còn cách nào khác là các DN tìm mọi cách để kéo giảm giá xuống mức thấp nhất”, ông Mười nói.

Doanh nghiệp lo trữ cả trăm tỷ hàng Tết - 1

Lượng hàng các DN đầu tư so với mùa Tết Giáp Ngọ 2014 tăng từ 10% đến 20%. 

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc siêu thị Co.opmart, nhận định, tết năm nay người tiêu dùng sẽ dè sẻn trong chi tiêu hơn vì kinh tế khó khăn. Hệ thống Co.opmart chuẩn bị nguồn hàng từ sớm và tăng 15% so với năm ngoái. Ông Dũng khẳng định, siêu thị cam kết không tăng giá các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết 2015 trước và sau Tết.

Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết: Chương trình bình ổn giá phục vụ nhân dân trong dịp Tết gồm 7 mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt lợn, thịt gà, vịt, trứng gia cầm, thủy - hải sản đông lạnh, dầu ăn, rau củ, với tổng trị giá tiền hàng khoảng 276,75 tỷ đồng. Ngoài ra, có 600 điểm bán hàng bình ổn giá, 1.600 điểm bán hàng là các đại lý, cửa hàng, các bếp ăn khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, công ty tham gia bán hàng bình ổn giá cho người tiêu dùng Thủ đô.

Theo bà Lê Ngọc Đào - Phó giám đốc Sở Công Thương TPHCM, chuẩn bị cho dịp Tết Ất Mùi 2015 nhiều mặt hàng bình ổn được chuẩn bị với số lượng lớn. Các mặt hàng dự báo nguồn cung có thể thiếu như thịt lợn, thịt gà, rau củ đã được Sở Công Thương giao các doanh nghiệp tập trung ký kết hợp đồng để đảm bảo nguồn cung góp phần ổn định giá cả trong dịp Tết. 

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, thói quen mua sắm tết của người tiêu dùng đang thay đổi. Thay vì mua dự trữ hàng, họ nghĩ tới đi du lịch trong dịp tết hoặc mua thức ăn trong ngày. Chính vì vậy, DN nên thận trọng, theo dõi sát sao hơn những chuyển động từ thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN