Doanh nghiệp hết ỷ vào “quan hệ”

Thị trường mở trong Cộng đồng Kinh tế ASEAN có thể trở thành vô nghĩa nếu không biết tận dụng cơ hội và chấp nhận cạnh tranh lành mạnh

Với việc ký kết Tuyên bố hình thành Cộng đồng ASEAN ngày 22-11, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), 1 trong 3 trụ cột chính cùng với Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội, sẽ chính thức vận hành vào ngày 31-12 tới.

625 triệu dân chung một thị trường

Theo ông Trần Đức Minh - Phó Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam, nguyên Phó Tổng Thư ký ASEAN-AEC là sáng kiến của các nhà lãnh đạo ASEAN với tham vọng biến ASEAN có 625 triệu dân thành một thị trường chung, một cơ sở sản xuất nhất thể hóa. Trong đó, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề cao được di chuyển tự do. Một biện pháp táo bạo như vậy sẽ giúp đẩy mạnh sự gắn kết khu vực và tăng cường sức cạnh tranh...

“Bản chất của AEC là thị trường mang lại cho chúng ta 2 lợi ích cơ bản. Đó là mở rộng thị trường cho buôn bán, giao thương và tập hợp lực lượng để bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tuy nhiên, có tận dụng được những cơ hội này không và tận dụng được đến đâu là do sức cạnh tranh, thế và lực của chính chúng ta quyết định” - ông Minh nói.

Doanh nghiệp hết ỷ vào “quan hệ” - 1

Nhiều tập đoàn nước ngoài đã nhanh chân vào thị trường bán lẻ của Việt Nam. Trong ảnh: Berli Jucker Plc (Thái Lan) đã mua lại hệ thống siêu thị Metro Việt Nam. Ảnh: TẤN THẠNH

Phân tích thêm, Phó Vụ trưởng Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế (Bộ Công Thương) Nguyễn Sơn cho rằng thách thức lớn nhất của cộng đồng chính là khoảng cách chênh lệch lớn về trình độ phát triển giữa các nước ASEAN. Mức chênh lệch về thu nhập bình quân đầu người giữa nước cao nhất là Singapore gấp 58 lần so với nước thấp nhất khu vực là Myanmar. Theo ông Trần Đức Minh, đây là một “thực tế nghiệt ngã” biến những khác biệt này thành cơ hội phát triển và thịnh vượng đồng đều không dễ.

ThS Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Ngoại giao), cho rằng thách thức lớn nhất của AEC đối với doanh nghiệp (DN) vàngười lao động là sự cạnh tranh trên sân nhà sẽ rất cao. Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng, nhiều DN Thái Lan, Malaysia đã sang "đánh chặn" trước. Chẳng hạn hệ thống siêu thị Metro Việt Nam bị DN Thái Lan Berli Jucker Plc. mua đứt. Sức ép cạnh tranh đối với DN nhỏ và vừa sẽ rất lớn, không chỉ trong phân khúc thị trường béo bở như bán lẻ mà cả trong ngành giấy, thép, mía đường, chăn nuôi…

Theo phân tích, khi Việt Nam gia nhập AEC, mức độ cạnh tranh về hàng tiêu dùng, dịch vụ, thu hút đầu tư sẽ ngày càng tăng, lợi thế cạnh tranh về sản xuất giá rẻ sẽ giảm đi, một số sản phẩm phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường. Thuế quan nhiều mặt hàng cắt giảm nhưng rào cản thương mại có thể siết chặt hơn. Chẳng hạn quy tắc xuất xứ yêu cầu ít nhất 40% hàm lượng sản phẩm làm ra phải xuất xứ từ khu vực ASEAN mới được hưởng thuế suất 0%, trong khi hiện chỉ khoảng 20% hàng hóa Việt Nam đạt tiêu chuẩn về nguyên tắc xuất xứ. Với các nước khác, tỉ lệ này ở mức 90% trở lên.

Chấp nhận cạnh tranh để phát triển

Theo ThS Trần Việt Thái, DN Việt Nam chưa được chuẩn bị kỹ cho quá trình gia nhập AEC, nhất là các DN nhỏ và vừa sức cạnh tranh còn yếu và cả cácDN nhà nước sau nhiều năm nhận “bầu sữa mẹ”.

Để không thua trên sân nhà, sự trợ giúp ban đầu của Chính phủ để lấy đà cực kỳ quan trọng như trợ giúp bằng chính sách, môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, sự tiếp cận không bình đẳng về vốn, trình độ quản lý, các nguồn lực cho phát triển giữa DN nhà nước và DN tư nhân rất khác nhau. Do đó, nhà nước cần “cởi trói” hơn nữa cho DN - đặc biệt là các DN nhỏ và vừa, DN tư nhân - có thể vươn lên cạnh tranh.

“DN Việt Nam rất năng động nhưng nhiều DN, đặc biệt ở các địa phương, phát triển nhờ quan hệ sân sau, nhờ các nguồn ưu đãi hoặc các mối quan hệ nhất định. Tới đây, nếu không đổi mới cách làm ăn, quản lý sẽ rất khó. Dần dần trong quá trình hội nhập, kiểu làm ăn dựa vào quan hệ, sân sau sẽ mất đi. Thay vào đó, các DN sẽ phải cạnh tranh trực tiếp bằng nội lực. Điều quan trọng là phải ném anh xuống nước, phải chấp nhận cạnh tranh mới vươn lên được” - ông Thái chia sẻ.

Ngoài ra, khi thành lập AEC, lao động có tay nghề sẽ được di chuyển tự do hơn, vấn đề công nhận bằng cấp lẫn nhau, công nhận các tiêu chuẩn về môi trường, bảo hiểm xã hội… dần sẽ chuẩn hóa trong cả khu vực, thuận lợi hơn cho việc bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Lao động có tay nghề cũng như không có tay nghề sẽ tràn vào khi Việt Nam nới lỏng các quy định về thị thực, tạo ra vấn đề với công ăn việc làm và quản lý xã hội. Hiện đang có xu hướng dịch chuyển lao động rất rõ, lao động các nước bắt đầu tràn sang Việt Nam, như lao động từ Indonesia, Philippines đã đổ sang TP HCM.

Khi mở cửa, không chỉ 8 ngành nghề được ưu tiên (kế toán, kiến trúc sư, nha sĩ, bác sĩ, kỹ sư, y tá, vận chuyển và nhân viên ngành du lịch) mà cả các ngành nghề khác cũng sẽ dịch chuyển nhiều. Đối với DN, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức. Một mặt DN có thể tận dụng nguồn lực tốt hơn nhưng thách thức cạnh tranh rất lớn, có thể nguy cơ chảy máu chất xám rõ hơn.

Hàng không mở cửa bầu trời

Ngày 23-11, tại buổi giới thiệu cơ hội đầu tư cổ phiếu Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch ACV, cho biết: Theo dự báo của các tổ chức hàng không quốc tế, trong giai đoạn 2016-2030, tăng trưởng ngành hàng không của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ ở mức cao nhất thế giới. Riêng với ngành hàng không Việt Nam, việc AEC chính thức thành lập vào cuối năm nay sẽ tạo động lực, khi được tự do hóa thương quyền (mở cửa bầu trời) tạo điều kiện cho các hãng, nhất là hàng không giá rẻ, phát triển mạnh mẽ. Một thị trường thống nhất hơn 600 triệu dân với những nền kinh tế đang phát triển nên dư địa của hàng không rất lớn. Riêng Việt Nam, tỉ lệ người dân sử dụng máy bay làm phương tiện đi lại còn rất thấp và nền kinh tế đang tăng trưởng sẽ thúc đẩy ngành hàng không phát triển.

“Dù mở cửa bầu trời tạo ra sự cạnh tranh giữa hàng không các nước nhưng ACV tin tưởng với 7 cảng hàng không quốc tế đang được khai thác sẽ tạo điều kiện cho hãng hàng không trong nước và quốc tế mở rộng quy mô, phát triển” - ông Hùng nói.

T.Phương

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Ngọc (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN