Doanh nghiệp hết cớ “neo” giá sữa chót vót

Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 100 nghiêm cấm quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi; thức ăn bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi… được xem là “cú đánh” mạnh vào các khoản bất hợp lý về quảng cáo, khuyến mại sữa.

“Cái phao” của giá sữa

Tính từ tháng 6 đến nay, giá sữa nguyên liệu (nguyên kem, sữa gầy) trên thị trường thế giới đã giảm khoảng 15%. Tuy nhiên, tại thị trường trong nước, đến thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp (DN) nào đăng ký giảm giá sữa thành phẩm. Không giảm giá sữa song chi phí để quảng cáo tiếp thị sữa vẫn đang được các DN chi “vô tội vạ” với số tiền “khủng”. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, các chi phí quảng cáo, tiếp thị… được xem là cái “phao” để các DN vin vào đó mà tăng giá, neo cao giá sữa và hiện nay là không giảm giá sữa.

Doanh nghiệp hết cớ “neo” giá sữa chót vót - 1

Tại thị trường trong nước, đến thời điểm này vẫn chưa có DN nào đăng ký giảm giá sữa thành phẩm. Ảnh minh hoạ: Đ.D

Còn nhớ, kết luận thanh tra của Bộ Tài chính với 5 DN kinh doanh sữa lớn cho thấy, năm 2013 và 3 tháng đầu năm 2014, các DN đã chi vượt mức quy định đối với việc quảng cáo dành cho các mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. 4/5 công ty đã chi 386 tỷ đồng dành cho quảng cáo sữa. Điều này đã làm tăng giá bán sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, tương ứng từ 2,18-16,39%.

Theo ông Long, thực tế này đã lý giải vì sao giá sữa tại Việt Nam luôn cao ngất. Tất cả là do các DN và đại lý sữa đã chi quá nhiều cho quảng cáo, tiếp thị... và chi phí này luôn vượt khung quy định. Thông thường, các hãng sữa nước ngoài chi phí cho quảng cáo, bán hàng tới trên 30% chi phí kinh doanh; thậm chí có DN con số này lên tới 60-70%. Kết quả thanh tra của Bộ Tài chính cũng cho thấy, giá sữa thường được đẩy lên gấp 2-3 lần giá vốn. Nhiều sản phẩm sữa ngoại, nhất là những loại sữa dùng riêng cho trẻ nhỏ, người bệnh còn được đẩy giá cao tới gần 4 lần giá vốn. Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng nêu thực tế các nhãn sữa ngoại luôn mạnh tay chi hoa hồng để sản phẩm của họ lọt vào tầm mắt của người tiêu dùng. Ví dụ tại nhiều đại lý sữa, mỗi nhãn sữa ngoại có thể chi tiền trưng bày cho đại lý khoảng từ 1-2 triệu đồng/tháng, chưa kể các chi phí khác như chiết khấu % hay các chương trình khuyến mãi.

Có tránh được lách luật?

Với hàng loạt điều cấm, Nghị định 100 sẽ khiến các DN sữa không thể mạnh tay chi tiền quảng cáo, hoa hồng, tiếp thị như trước, buộc các DN phải giảm chi phí quảng cáo, giảm giá thành sản phẩm sữa một cách hợp lý.

Bộ Tài chính cũng đã có văn bản yêu cầu các DN sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh sữa tính toán, tiết giảm các khoản chi phí, bao gồm chi phí quảng cáo, tiếp thị để giảm giá bán và kịp thời giảm giá bán.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng-Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nói: “Nghị định 100 phải được thực hiện nghiêm túc, không được để DN sữa lách luật. Thực tế hiện nay, tất cả nhãn quảng cáo của các hãng sữa (nội và ngoại) đang có mặt trên thị trường đều vi phạm pháp luật, trong đó chủ yếu là sữa ngoại. Cụ thể như quy định không cho phép in ảnh em bé 0-12 tháng tuổi trên hộp sữa, nhưng nhiều mẫu hộp vẫn in. Thậm chí còn in ảnh em bé đằng sau cuốn sổ khám, chữa bệnh. “Những vấn đề này sẽ được xử lý, kiểm soát như thế nào sau khi NĐ 100 có hiệu lực cấm, làm sao để không bị lách?”-ông Hùng nói.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng, quy định quản lý hoạt động quảng cáo các sản phẩm sữa đã có nhưng các DN luôn tìm nhiều cách để lách, như chi mạnh hoa hồng cho bác sĩ, tiền hoa hồng giới thiệu sử dụng sữa cho nữ hộ sinh. Sữa phân phối theo ngạch trường học, bệnh viện thường chi hoa hồng “khủng” nhất. Các hãng sữa chi tiền cho bác sĩ để bác sĩ tư vấn, kê toa, chi tiền để họ tham gia các hội thảo tư vấn dinh dưỡng… Một số người làm trong ngành sữa cho biết ngay cả quy định của Bộ Y tế cấm quảng cáo sữa cho trẻ dưới 24 tháng tuổi như một nguồn thay thế sữa mẹ cũng vẫn bị “lách” bằng cách chi hoa hồng để các chuyên gia dinh dưỡng, bác sĩ nhi khoa giới thiệu...

Cơ quan quản lý hiện vẫn còn khó khăn khi không bóc tách và quản lý được các yếu tố cấu thành trong cơ cấu giá sữa như: Giá nhập, thuế, chiết khấu hoa hồng, chi phí quảng cáo… Câu chuyện tăng - giảm giá sữa đang khúc mắc chủ yếu nằm ở chỗ chi phí quảng cáo, chi phí đó sẽ được cộng vào giá thành sữa. Như vậy, chỉ với quy định cấm quảng cáo của Nghị định 100 mà không có giải pháp để chống “lách” thì bài toán tăng-giảm giá sữa vẫn là bài toán khó cho các cơ quan quản lý…

Nghị định 100 quy định cấm quảng cáo sản phẩm bình bú và vú ngậm nhân tạo dưới mọi hình thức; cấm sử dụng hình ảnh bào thai hoặc trẻ nhỏ trong quảng cáo sữa dùng cho phụ nữ mang thai. Nghị định cũng nêu rõ, cấm tài liệu thông tin, giáo dục, truyền thông về nuôi dưỡng trẻ nhỏ có tranh ảnh, lời văn hoặc các hình thức khác nhằm khuyến khích việc cho trẻ ăn sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN