Doanh nghiệp giảm giá cước vận tải chưa “xứng” sẽ phải kê khai lại

Bộ Tài chính hôm nay 16.1 cho biết, đã có 38/63 địa phương báo cáo Bộ Tài chính về kết quả giảm giá cước vận tải. Giá cước vận tải hành khách bằng xe taxi giảm trung bình từ 0,92%-26,32% (phổ biến giảm từ 3-10%). Giá cước vận tải hành khách tuyến cố định giảm trung bình từ 3-21,7% (phổ biến giảm từ 5-10%).

Tỷ lệ giảm giá của các doanh nghiệp có sự chênh lệch. Các đơn vị giữ ổn định giá cước đã kê khai từ năm 2011-2012 thì không điều chỉnh giá hoặc tỷ lệ điều chỉnh trên dưới 1%. Các đơn vị kê khai giá từ năm 2013 thì tỷ lệ giảm trên dưới 10%. Các đơn vị đã điều chỉnh tăng giá trong năm 2014 (giai đoạn giá xăng dầu tăng) thì tỷ lệ giảm giá sâu hơn, trên dưới 20%.

Doanh nghiệp giảm giá cước vận tải chưa “xứng” sẽ phải kê khai lại - 1

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) nhìn nhận: Doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã thực hiện điều chỉnh giảm giá cước tương đối phù hợp với mức điều chỉnh giảm giá của xăng dầu.

Cụ thể: Đối với vận tải bằng ô tô: Tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-35% giá thành vận tải đối với xe chạy xăng (chủ yếu là taxi), 35-45% đối với xe chạy dầu (chủ yếu là vận tải hành khách và hàng hóa). Với mức giảm giá xăng dầu thời điểm hiện tại khoảng 27% so với mức giá tại ngày 01.01.2014 thì giá cước vận tải giảm trung bình từ 3-10% là tương đối phù hợp. Đối với vận tải hàng không nội địa: Tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 39,5%, mức giảm giá trần 15%. Đối với vận tải đường sắt: Tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 30% giá thành, giá cước đường sắt đã điều chỉnh giảm trung bình khoảng 10%.

Riêng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã điều chỉnh giảm 10% giá vé tất cả các loại chỗ.

Bộ Tài chính cho biết, một số địa phương như Hải Phòng, Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ sẽ đưa vào “tầm ngắm” kiểm tra giá cước vận tải thời gian tới.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai thực hiện công tác quản lý và bình ổn giá tại địa phương vào dịp tết nguyên đán Ất Mùi 2015, trong đó có tình hình triển khai quản lý giá cước vận tải hành khách bằng ôtô.

Hiện tại, các địa phương vẫn đang tiếp tục triển khai thanh tra, kiểm tra, rà soát yêu cầu doanh nghiệp vận tải tiếp tục kê khai giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm của giá xăng dầu, tình hình thị trường và điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp và cập nhật báo cáo gửi về Bộ Tài chính.

Đối với các đơn vị chưa thực hiện kê khai giá, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, cơ quan chủ trì tiếp nhận kê khai giá cước có văn bản yêu cầu các đơn vị phải tính toán chi phí nhiên liệu trong giá thành để kê khai giảm giá cước vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu.

Đối với các đơn vị đã kê khai giảm giá cước, yêu cầu các đơn vị này tiếp tục tính toán lại giá thành vận tải theo xu hướng giảm giá nhiên liệu để kê khai lại theo đúng quy định.

Trường hợp quá thời hạn quy định mà các đơn vị này không thực hiện kê khai giảm giá cước theo xu hướng giảm giá nhiên liệu, xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 11 Nghị định số 109 (cụ thể: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi không kê khai giá với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN