Doanh nghiệp gas lãi lớn
Trong khi người tiêu dùng, doanh nghiệp bức xúc vì phải gánh thêm một khoản chi phí lớn, thì các doanh nghiệp kinh doanh gas hoan hỉ báo cáo lãi cao.
Chi phí lưu thông bất hợp lý
Theo tính toán của chuyên gia giá cả Ngô Trí Long, kinh doanh gas có mức lợi nhuận rất cao. Theo đó, mỗi bình gas, từ khâu nhập khẩu tới tay người tiêu dùng mang lại khoản lãi từ 140.000 – 155.000 đồng (xấp xỉ 30%). Trong đó, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu thu lời khoảng 40.000 đồng/bình; tổng đại lý thu lời 50.000 – 60.000 đồng/bình, và doanh nghiệp bán lẻ thu lời 50.000 – 60.000 đồng/bình. “Chính khâu tổ chức phân phối chưa hợp lý làm chi phí lưu thông quá lớn, khiến giá gas đến tay người tiêu dùng bị đẩy lên quá cao”, ông Long nhận xét.
Trong khi người tiêu dùng, doanh nghiệp bức xúc vì phải gánh thêm một khoản chi phí lớn, thì các doanh nghiệp kinh doanh gas hoan hỉ báo cáo lãi cao
Mặc dù không nằm trong danh mục định giá, song giá gas vẫn nằm trong nhóm các mặt hàng Nhà nước kiểm soát giá. Tại buổi họp báo thường kỳ của bộ Công thương ngày 2/12, đại diện lãnh đạo bộ Công thương cho biết sẽ phối hợp với bộ Tài chính kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh gas, nếu phát hiện các hành vi lợi dụng, thao túng giá sẽ xử lý nghiêm.
Doanh nghiệp kinh doanh gas thắng lớn
Trong khi đó, một số doanh nghiệp đầu mối trong sản xuất, nhập khẩu, phân phối gas vừa đồng loạt hoan hỉ báo lãi với mức lợi nhuận ngất ngưởng. Điển hình là tổng công ty Khí Việt Nam (GAS – niêm yết tại sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM) đang dẫn đầu những doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán về mức lợi nhuận chín tháng đầu năm 2013. Lợi nhuận trước thuế trong quý 3 và ba quý của GAS đạt 3.743 tỉ đồng và 12.825 tỉ đồng, tăng lần lượt 17% và 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong bối cảnh khó khăn chung, chín tháng đầu năm, PV GAS đã vượt hơn 30% kế hoạch lợi nhuận của cả năm, mà một trong những nguyên nhân quan trọng là giá vốn giảm đến 16%.
Một doanh nghiệp khác, là công ty cổ phần Khí hoá lỏng miền Nam (PGS), chín tháng đầu năm cũng thu lợi nhuận sau thuế hơn 198 tỉ đồng, vượt 10% chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Báo cáo hợp nhất của PGS cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 3 và ba quý tăng lần lượt 25% và 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí doanh nghiệp đều tăng lên, song lợi nhuận gộp bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng vẫn tăng lần lượt 5% và 26% so với cùng kỳ.
Tương tự, tổng công ty Gas Petrolimex, quý 3 và ba quý năm nay có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm 16% và 3% so với cùng kỳ năm ngoái, song lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh vẫn tăng lần lượt 14% và 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết thúc quý 3, doanh nghiệp này thu lợi nhuận trước thuế lần lượt hơn 28 tỉ đồng và hơn 87 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ là hơn 24 tỉ đồng và hơn 67 tỉ đồng…
Một loạt các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực gas khác niêm yết trên thị trường chứng khoán, như công ty cổ phần Vận tải sản phẩm khí quốc tế cũng thu lợi nhuận trước thuế hơn 14,9 tỉ đồng và hơn 47 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 14 tỉ đồng và hơn 41 tỉ đồng; công ty cổ phần Kinh doanh khí hoá lỏng miền Bắc, lợi nhuận thấp hơn năm ngoái, song chủ yếu do doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh, còn doanh thu, lợi nhuận thuần dao động không đáng kể…
Để kiểm soát giá gas, ông Ngô Trí Long cho rằng, cơ quan quản lý nên xem xét điều chỉnh thuế nhập khẩu gas đang từ mức 5% hiện nay xuống còn 0%, góp phần giảm giá thành. Đồng thời, liên bộ Tài chính, Công thương cần kiểm tra xem cơ cấu giá thành, lợi nhuận của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đã hợp lý chưa, làm căn cứ điều hành giá.