Doanh nghiệp FDI bỏ trốn: Luật phủ được tới đâu?

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bỏ trốn để lại gánh nặng cho cơ quan quản lý, người lao động, các đối tác người Việt Nam… Có luật sư cho rằng, do “mình đang quản lý theo kiểu nắm dao đằng lưỡi nên phần thiệt thuộc về mình”.

Cầm đuôi… giữ chuột

Ông Lê Việt Dũng, phó giám đốc sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Bình Dương kể, mới đây một doanh nghiệp FDI bỏ trốn, giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp chỉ khoảng 300 triệu đồng, trong khi chỉ tính nợ lương công nhân đã lên đến 900 triệu đồng, nợ các nhà cung cấp 12 tỉ đồng. Hội đồng định giá của sở Tư pháp tổ chức đấu giá để lấy tiền chi trả, nhưng không ai quan tâm do tình hình kinh doanh nói chung đang bị đình đốn.

Theo luật sư Trần Đức Phượng, công ty Luật Hợp Việt, trong trường hợp này, tuỳ từng trường hợp các chủ nợ có thể khởi kiện để đòi nợ hoặc nộp đơn yêu cầu mở thủ tục tuyên bố doanh nghiệp phá sản. Theo luật pháp Việt Nam, đối với doanh nghiệp có người đại diện theo pháp luật bỏ trốn thì vẫn xác định doanh nghiệp đó vẫn đang tồn tại ở địa chỉ cuối cùng trong hồ sơ đăng ký đầu tư, kinh doanh. Vì vậy, toà án vẫn thụ lý giải quyết vụ án và tiến hành các thủ tục tống đạt để xét xử vắng mặt theo quy định của bộ luật Tố tụng dân sự cho dù không tìm thấy người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế khi khởi kiện những doanh nghiệp này tại toà án cho thấy có nhiều vụ án phức tạp, đương sự bất hợp tác nên cơ quan tố tụng thường vi phạm thời gian chuẩn bị xét xử hoặc tìm cách tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án. Đây là nguyên nhân chính của việc khó xử lý hiện nay.

Bên cạnh đó, khi đầu tư vào Việt Nam, nhà đầu tư phải thực hiện việc góp vốn đầy đủ theo quy định và nhà đầu tư chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi phần vốn góp. Trách nhiệm cá nhân nhà đầu tư chỉ được đặt ra như trường hợp việc góp vốn điều lệ không đầy đủ. Tuy nhiên, việc góp vốn của nhà đầu tư do cơ quan quản lý nhà nước quản lý. Mặt khác, pháp luật Việt Nam (đặc biệt là pháp luật Tố tụng dân sự) còn thiếu các quy định để thực hiện xác định trách nhiệm cá nhân của nhà đầu tư đối với bên thứ ba (như chủ nợ) trong trường hợp này. Do vậy, trên thực tế việc xử lý các doanh nghiệp có vốn ảo chưa có giải pháp hữu hiệu.

Do những quy định nêu trên nên đối với các khoản nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp thì rất khó khăn để thu hồi. Nguyên nhân chính là cơ quan bảo hiểm nhà nước thiếu trách nhiệm, năng lực yếu trong việc thu các khoản tiền nợ và một phần do pháp luật còn bất cập, thiếu các quy định cho người lao động bảo vệ quyền lợi của mình.

Doanh nghiệp FDI bỏ trốn: Luật phủ được tới đâu? - 1

Chủ Hàn Quốc bỏ trốn, để lại nhà xưởng tại Cụm công nghiệp Đồng Lạng (Phú Thọ) và món nợ hơn 12 triệu USD. Ảnh: Phong Cầm.

Vẫn kiến nghị và chờ đợi

Theo thống kê, đến nay tỉnh Đồng Nai đã có 17 doanh nghiệp mất liên lạc. Trong đó có năm doanh nghiệp ngưng hoạt động. Tỉnh Bình Dương, tính ba năm gần nhất cũng có tới 16 doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, may mặc, thực phẩm, đồ gỗ, xây dựng, bất động sản… khi bỏ trốn không để tài sản gì. Tỉnh Long An cũng có hàng chục doanh nghiệp FDI đã bỏ trốn, trong đó riêng huyện Bến Lức đã có tới bốn doanh nghiệp mất tích.

Sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Đồng Nai cho rằng, Nhà nước chưa quy định chặt chẽ nên công tác xử lý doanh nghiệp FDI vắng chủ gặp nhiều khó khăn. Tỉnh Đồng Nai đã kiến nghị bộ Kế hoạch và đầu tư hướng dẫn xử lý. Tuy nhiên đến nay bộ mới có hướng dẫn việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư các trường hợp vắng chủ đối với dự án chưa triển khai thực hiện hoặc dự án vắng chủ đã có các phán quyết của toà án, còn những các trường hợp khác thì chưa có hướng dẫn xử lý cụ thể.

Còn hướng xử lý của sở Kế hoạch và đầu tư tỉnh Long An là thông báo đề nghị người đại diện theo pháp luật hoặc chủ sở hữu, thành viên sáng lập công ty liên hệ với sở để báo cáo tình hình hoạt động của doanh nghiệp mình. Nếu người đại diện không đến làm việc, sở sẽ tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo quy định. 

Pháp luật doanh nghiệp, pháp luật dân sự hiện nay quy định về trách nhiệm của người quản lý doanh nghiệp cũng mới chỉ nhìn nhận và xác định trong phạm vi nội bộ doanh nghiệp; chưa có các quy định để xác định trách nhiệm dân sự của người quản lý doanh nghiệp đối với bên thứ ba, nên các chủ nợ luôn luôn bị thiệt hại và chưa được đảm bảo quyền lợi. Bộ Luật hình sự có một số quy định về các tội danh đối với người quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên đối với các vụ án này rất phức tạp nên trên thực tế việc xử lý hình sự rất ít được thực hiện.

Hiện tượng doanh nghiệp có người đại diện vắng mặt hay bỏ trốn, doanh nghiệp mất tích không phải là vấn đề mới, đã xảy ra nhiều hơn mười năm nay nhưng vẫn chưa được các cơ quan nhà nước đưa ra các giải pháp xử lý hiệu quả.

LUẬT SƯ TRẦN ĐỨC PHƯỢNG

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Quang (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN