Doanh nghiệp đang đuối sức

Có một nghịch lý là hiện nay, tăng trưởng kinh tế đang phục hồi, lạm phát giảm mạnh, thủ tục hành chính được cải cách nhưng tỉ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động, đóng cửa lại tăng lên rất nhanh

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng số lượng doanh nghiệp (DN) đóng cửa nhiều đến mức đáng lo ngại.

Không bình thường

Ông Cung phân tích năm 2007, chỉ có khoảng 15%-20% DN đóng cửa trong tổng số DN được thành lập. Quý I năm nay có 22.000 DN tạm ngừng hoạt động dưới mọi hình thức, trong khi số thành lập mới là hơn 24.000. DN chết và DN mới sinh ra gần bằng nhau chứng tỏ số DN chết là rất cao và số lượng DN của cả nước không tăng.

Doanh nghiệp đang đuối sức - 1

Nhiều loại chi phí tăng cao đẩy doanh nghiệp xuống bờ vực phá sản. Ảnh: TẤN THẠNH

Theo TS Nguyễn Đình Cung, áp lực tăng thu để giảm bội chi ngân sách cho thấy xu hướng tận thu và đây là nguyên nhân gốc rễ khiến DN giải thể nhiều đến thế. Cả giai đoạn 2007-2008 và 2012-2013, năng lực tài chính của DN bị xói mòn vì kinh tế vĩ mô bất ổn. Lẽ ra, giai đoạn này phải là thời kỳ hỗ trợ DN, hỗ trợ khởi sự kinh doanh để khu vực DN tư nhân nâng cao năng lực, đủ sức tận dụng các cơ hội của hội nhập nhưng đáng tiếc gánh nặng chi phí cho cộng đồng DN lại tăng.

Chuyên gia kinh tế cao cấp, TS Lê Đăng Doanh nhận định chưa bao giờ DN Việt phải đối mặt nhiều khó khăn như hiện nay, do chi phí trong nước không giảm trong khi áp lực cạnh tranh từ hội nhập ngày càng gia tăng. Hiện tượng DN đóng cửa đang tăng lên rất nhanh cần được xem xét để có giải pháp hỗ trợ vì họ thực sự khó khăn, không nên xem là hiện tượng bình thường của nền kinh tế thị trường. “Các DN chưa đóng cửa cũng nói với tôi họ đang khó khăn lắm, chưa đóng cửa là do cố gắng duy trì việc làm cho người lao động, đóng cửa thì không biết công nhân của họ về đâu, sinh sống thế nào. Cả chủ và người lao động cùng cố gắng duy trì công việc, khó khăn lắm rồi, không cạnh tranh được với hàng Thái Lan, Trung Quốc…” - ông Doanh nói.

Áp lực về chi phí

TS Nguyễn Đình Cung khẳng định chi phí đầu vào tăng, lợi nhuận giảm đến mức thua lỗ buộc DN vào tình thế phải bỏ đi, không ai đang làm ăn có lợi mà đóng cửa. Chi phí tăng đáng kể, nhất là lãi suất, chi phí lao động, bảo hiểm… Đặc biệt, chi phí thuế có khả năng tăng do ngân sách thất thu và bội chi lớn, gây áp lực tăng theo kiểu tận thu. “Có những khoản trước đây cho là không phải thu, nay lại thu. Hay có khoản trước đây cho là chi phí hợp lý, hợp lệ nay nhà nước lại không cho là như vậy, như việc tranh cãi thu thuế môi trường đối với xăng dầu hay phí môn bài. Trong thực tế, chi phí đầu vào đối với DN chỉ có tăng, tăng và tăng, không nhìn thấy tinh thần giảm ở đâu cả nên những cải cách về thủ tục hành chính đạt được cũng chỉ là rất nhỏ so với áp lực tăng chi phí này” - TS Cung nhận định.

Theo TS Lê Đăng Doanh, gánh nặng thấy rõ nhất là lãi suất. Vừa qua, nhiều thông tin nói mặt bằng lãi suất giảm mạnh nhưng thực chất là chưa giảm. Trước đây, lạm phát 2 con số thì lãi suất trên 10%, nay lạm phát chỉ còn 0,63%/năm thì thông lệ quốc tế lãi suất chỉ cộng thêm 3% cho các khoản phí, tức là lãi suất khoảng 4,2% là hợp lý nhưng mặt bằng lãi suất cho vay vẫn ở mức 8%-9%/năm. Như thế, DN Việt Nam không cạnh tranh được vì giá đầu vào cao; trong khi các DN của Thái Lan, Trung Quốc chỉ phải trả lãi vay 3,4%-3,6%/năm.

Bên cạnh đó, chi phí ngoài pháp luật lại tăng lên. Người bán hàng rong ở vỉa hè phải lót tay để có chỗ bán buôn, người thành lập DN cũng phải có chi phí bôi trơn thì sản xuất, kinh doanh mới được. “Tôi rất hy vọng cuộc đối thoại giữa Thủ tướng với DN diễn ra vào tháng 5 tới sẽ nhìn thẳng vào sự thật và làm rõ sự thật để có biện pháp tháo gỡ” - TS Lê Đăng Doanh bày tỏ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tô Hà (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN