Đổ xô trồng "cây tiền tỷ" sầu riêng, nguy cơ dính “sầu chung”
Ở Tây Nguyên, thời gian gần đây, sầu riêng đã trở thành cây trồng được nhiều người quan tâm vì giá liên tục tăng cao. Cũng chính vì thế, không ít người đã tận dụng diện tích trồng xen trong vườn cà phê, điều, hoặc "nhắm mắt" phá bỏ diện tích cây trồng đang có để ăn theo phong trào trồng sầu riêng - được mệnh danh là "cây tiền tỷ".
Sầu riêng- cây “tiền tỷ”?
Niên vụ 2017 - 2018, nhiều nông dân tại Đăk Lăk đã bỏ túi hàng tỷ đồng nhờ giá bán trái sầu riêng liên tục tăng cao. Ở thời điểm cuối vụ, khi lượng hàng bắt đầu khan hiếm, mỗi kilogam sầu riêng có giá lên đến 80.000 đồng. Mặc dù đa số bà con chỉ trồng xen, nhưng với mức giá này, mỗi hecta sầu riêng nông dân đã có thể thu về hơn 1,5 tỷ đồng.
Vì có mức thu nhập quá hấp dẫn nên nhiều nông dân ở Đăk Lăk cũng như các địa phương khác ở Tây Nguyên đang dần hướng mục tiêu sang loại cây “tiền tỷ” mới này. Theo khảo sát của PV, ở thời điểm cuối năm 2017, giá giống sầu riêng cơm vàng hạt lép đã tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016, đạt từ 110.000 – 120.000 đồng/cây.
Các giống sầu riêng thường cũng tăng trung bình 20.000 đồng/cây lên đến 45.000 – 50.000 đồng/cây. Ngay cả cây sầu riêng thực sinh 1 năm tuổi cũng có giá đến 20.000 đồng, tăng gấp đôi so với năm 2016.
Mặc dù giá sầu riêng bắt đầu bớt "hấp dẫn" nhưng giá sầu riêng giống vẫn đang ở mức rất cao (trong ảnh: Một cơ sở bán sầu riêng giống tại TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk). Ảnh: D.H
Năm nay, mặc dù giá sầu riêng có chững lại song cây sầu riêng giống vẫn không hết “sốt”. Ông Trần Văn Điệp, xã Ea Tóh, huyện Krông Năng (Đăk Lăk) cho biết, so với năm ngoái, giá cây sầu riêng có phần bớt “nóng” nhưng vẫn đang ở mức rất cao. Các loại giống sầu riêng từ các tỉnh miền Tây chuyển lên vẫn có giá hơn 100.000 đồng/cây, các loại giống do dân tự ươm bán cũng ở mức hơn 60.000 đồng/cây.
"Do giá tiêu và giá cà phê liên tục xuống dốc nên năm nay, hầu hết người dân trên địa bàn huyện chọn cây sầu riêng để trồng. Trước đây, người dân còn có lựa chọn khác là cây bơ nhưng năm nay không thấy ai trồng bơ nữa"- ông Điệp nói.
Cũng theo ông Điệp, hiện hầu hết ở những vườn cà phê, tiêu già cỗi, hư hỏng, người dân đã chọn sầu riêng để trồng thay thế.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mặc dù giá sầu riêng đang chững lại nhưng vẫn cho lãi cao nên nông dân ở hầu hết các địa phương vẫn đang hết sức hào hứng với loại cây này. Ngoài lý do giá cà phê, tiêu giảm thì cây bơ - một trong những loại cây đã giúp hàng ngàn nông dân làm giàu trong những năm trước đây cũng đang có dấu hiệu xuống dốc. Cây bơ, đặc biệt là bơ Booth được trồng nhiều trước đây đang bắt đầu cho năng suất kém, trái thối hư hỏng nhiều.
Ông Đinh Văn An, thôn Ea Ksô, xã Ea Nam, huyện Ea H'Leo (Đăk Lăk) nói: "Nhà chỉ có hai cây sầu riêng mà sau khi hái cho con cháu ăn còn bán được hơn 5 triệu đồng. Thấy ham quá nên tôi mua thêm giống trồng vào mấy chỗ trống trong vườn cà phê".
Cũng như ông An, hầu hết nông dân ở Đăk Lăk đều đang tranh thủ tận dụng tất cả những khoảng đất trống để trồng sầu riêng. Tại những vườn cà phê tái canh, nông dân cũng trồng xen loại cây này vào. Ngoài những vườn cà phê, ở những vườn tiêu đang bị hư, hay xung quanh vườn nhà… nông dân đều tận dụng chỗ trống để trồng sầu riêng. Đây chính là lý do khiến thị trường giống sầu riêng trở nên sôi động.
Tại Đăk Nông, theo Hội Nông dân tỉnh này, chỉ trong vòng 5 năm, diện tích sầu riêng đã tăng lên hơn gấp 3 lần, từ khoảng hơn 300ha năm 2010 lên đến hơn 1.000ha năm 2016 và diện tích này vẫn đang tiếp tục tăng trong 2 năm trở lại đây.
Cũng theo đánh giá của Hội Nông dân tỉnh Đăk Nông, cây sầu riêng đang tỏ ra rất "ưa chuộng" vùng đất bazan. Đặc biệt tại huyện Đăk Mil của tỉnh này, cây sầu riêng đang cho trái thơm ngon, cơm vàng, dẻo, tỷ lệ cơm cao hơn so với các vùng trồng khác. Chính vì thế, ở những vùng có cà phê hoặc tiêu già cỗi, nông dân đã chọn loại cây này để thay thế dần.
Cẩn thận với giống, canh tác phù hợp
Những năm gần đây, do giống sầu riêng tại chỗ không thể đáp ứng được nhu cầu tăng nhanh của người dân nên các cơ sở sản xuất giống đã nhập thêm giống từ các tỉnh miền Tây về để bán.
Do tình trạng thâm canh quá mức mà đã có một thời gian hàng trăm ha sầu riêng tại huyện Krông Pắk, Đắk Lắk bị chết do dịch bệnh. Ảnh: Duy Hậu
Tuy nhiên, theo phân tích của một số chuyên gia, giống sầu riêng được sản xuất tại chỗ sẽ thích nghi tốt hơn so với giống nhập về từ nơi khác. Bởi ở mỗi vùng có đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. Nên nếu đưa giống sầu riêng từ vùng có khí hậu ôn hòa về Đăk Lăk để trồng thì cây rất dễ bị tổn thương, nhiễm sâu bệnh do một số hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán kéo dài, mưa dầm… thường xảy ra ở Tây Nguyên.
Ông Cao Bá Thành, một nông dân chuyên trồng sầu riêng ở xã Ea M'Nang, huyện Cư M'Gar (Đăk Lăk) cho biết, gia đình mua giống cùng một nơi, đem về trồng và chăm sóc như nhau nhưng có cây chỉ 5 năm sau ra trái ổn định, cây khác đến 10 năm mới cho trái nhưng lại rất èo uột.
"Do lợi nhuận nhiều cơ sở sẵn sàng trà trộn giống dỏm vào để bán cho nông dân. Người dân cần hết sức cẩn thận để tránh mua giống kém chất lượng"- ông Thành nói.
Ông Nguyễn Phú Cường-Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển sinh học Dona-Techno, cũng cho rằng, hiện trên thị trường có rất nhiều giống sầu riêng khác nhau. Riêng giống sầu riêng Dona, đơn vị đang sản xuất độc quyền. Tuy nhiên, hiện giống sầu riêng này đang bị làm nhái rất nhiều.
Do đó, nông dân cần phải lựa chọn những cơ sở có uy tín, có giống cây có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để mua. Đồng thời khi mua giống người dân nên yêu cầu cơ sở bán giống xuất hóa đơn để nếu xảy ra vấn đề gì thì lấy đó làm cơ sở. Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi, hiện có một nguồn giống khác cũng đang được bán rất chạy đó là các cơ sở sản xuất giống mua hạt sầu riêng về để ươm.
Ông Huỳnh Quốc Thích-Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đăk Lăk cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng hơn 4.000ha sầu riêng, được trồng nhiều nhất tại huyện Krông Păk và hầu hết là trồng xen. Hiện loại cây này vẫn đang cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, về lâu dài nông dân cần hết sức thận trọng khi mở rộng diện tích.
"Đất đai ở Tây Nguyên đều có thể trồng được sầu riêng trừ những vùng ngập úng. Tuy nhiên nếu mở rộng diện tích quá mức sẽ khiến cung vượt cầu, giá cả nhất định sẽ xuống thấp. Việc khai thác quá mức cũng sẽ khiến cây sầu riêng nhanh thoái hóa, xảy ra dịch bệnh. Ngoài ra, việc trồng xen sẽ nảy sinh ra tình trạng cạnh tranh thức ăn giữa các loại cây nên nông dân cần có tính toán phù hợp"- ông Thích nói.
Chỉ nên trồng ở vùng thực sự phù hợp Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Quốc Mạnh – Trưởng phòng Cây Công nghiệp – Cây ăn quả (Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT) cho biết, tính đến hết năm 2017, tổng diện tích cây sầu riêng trên cả nước là 36.145ha, diện tích cho thu hoạch khoảng 27.390ha, năng suất bình quân 14,6 tấn/ha, sản lượng 402.000 tấn. Trong khi năm 2016, tổng diện tích cây sầu riêng là 33.400ha, năng suất bình quân 15 tấn/ha, sản lượng 399.000 tấn.
Một cơ sở sản xuất giống sầu riêng "chui" tại xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Ảnh: D.H Mấy năm gần đây, đặc biệt là trong 2 năm qua, giá sầu riêng cao hơn nhiều so với trung bình các năm trước, dẫn tới việc tăng diện tích trồng sầu riêng trong dân đang khá lớn, trong khi đây là cây trồng lâu năm. “Nếu so với nhu cầu hiện nay, cơ bản tổng diện tích sầu riêng chưa phải là quá lớn, tuy nhiên việc tiêu thụ loại quả này đang phụ thuộc rất nhiều vào thị trường Trung Quốc; thị trường nội địa thì tăng trưởng không nhiều. Trong khi đó, chúng ta chưa nắm bắt được nhu cầu từ thị trường Trung Quốc, không biết họ sẽ thu mua bao nhiêu, giá cả thế nào... Không riêng gì sầu riêng mà đối với bất kỳ một loại trái cây nào, nếu phát triển quá nóng, khi thị trường có vấn đề thì việc tiêu thụ sẽ ngay lập tức gặp khó” – ông Mạnh nói. Để ổn định sản xuất, ông Mạnh cho rằng trước hết, chính quyền địa phương, người dân phải tính đến thị trường đầu ra của sản phẩm đó ở đâu để hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc hợp lý. “Quan điểm của Cục Trồng trọt đối với cây sầu riêng là không nên tăng diện tích quá nhanh, bởi quả sầu riêng hiện chủ yếu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Phía Bộ NNPTNT vẫn đang tiếp tục đàm phán ngành chức năng Trung Quốc để mở cửa xuất khẩu theo đường chính ngạch không riêng gì với sầu riêng mà với cả sản phẩm trái cây khác” – ông Mạnh nói. Trung Quốc đang áp dụng quy định truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm trái cây nhập từ Việt Nam, do đó các địa phương cũng cần tuyên truyền đến người dân để bà con sản xuất theo đúng tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn. “Bên cạnh đó, cần lưu ý bà con chỉ nên trồng sầu riêng ở những nơi có khí hậu, địa lý phù hợp. Đặc biệt cây sầu riêng không ưa mặn, nếu trồng trong những vùng dễ bị xâm nhập mặn thì rất nguy hiểm. Ngoài ra, khi diện tích trồng tăng nhanh, áp lực thâm canh cũng tăng lên, cần lưu ý bà con bón phân, dùng thuốc BVTV hợp lý, tránh lạm dụng các giải pháp thâm canh sẽ làm giảm sức chống chịu của cây, sâu bệnh dễ tấn công” – ông Mạnh lưu ý. Minh Huệ |