“Dở khóc dở cười” vì mua hải sản online
Sự nở rộ của mạng xã hội và các hình thức thương mại trực tuyến, người tiêu dùng chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể mua được nhiều loại hải sản tươi, ngon khắp mọi miền đất nước.
Tuy nhiên, có không ít người mua than thở vì mua phải hải sản đông lạnh giá cắt cổ hoặc hải sản ươn...
Có thể thấy, hoạt động buôn bán trên chợ mạng hiện khá nhộn nhịp, người mua kẻ bán liên tục không khác gì ở chợ dân sinh. Dù vậy, sự tiện lợi ấy cũng đem lại nhiều tình huống dở khóc dở cười.
Bán hàng xong… chặn tài khoản
Theo khảo sát của phóng viên, giá hải sản bán online có giá bằng hoặc cao hơn thị trường từ 10% - 20% do chi phí giao hàng tận nhà. Tôm sú sống 500.000 đồng/kg, ghẹ xanh sống loại 1 từ 690.000 đồng/kg, cua thịt cà mau không dây 849.000 đồng/kg, cá mú Trân Châu sống 515.000 đồng/kg, cá tầm sống 349.000 đồng/kg, cá bơn Hàn Quốc sống 996.000 đồng/kg…
Ngoài ra, cũng có những trang mới mở chào mức giá khá thấp với lý do mua tận gốc, bán tận ngọn để hút lượng khách ban đầu. Như ghẹ biển có giá từ 500.000 – 550.000 đồng/kg, cá chim sống 270.000 đồng/kg, cá bò da 240.000 đồng/kg, mực trứng 199.000 đồng/kg...
Theo chia sẻ của nhiều người kinh doanh hải sản online, việc buôn bán này rất lãi, vừa không mất nhiều vốn vì khách đặt trước thì mới lấy hàng.
Các mặt hàng hải sản bán trên mạng rất đa dạng
Tuy nhiên, không ít người mua than thở vì mua phải hải sản đông lạnh giá cắt cổ, hoặc hải sản ươn,... Điều này khiến nhiều người tiêu dùng tỏ ra khó chịu, không thiện chí với dịch vụ buôn bán online.
Anh Nguyễn Văn Linh (Quận Gò Vấp, TP HCM) cho biết, vừa qua để chuẩn bị sớm và tươm tất cho bữa tiệc họp mặt gia đình nhân dịp đầu năm mới, anh vào một trang Facebook chuyên bán hải sản ở Vũng Tàu để tìm hiểu. Anh thấy người bán hàng còn quay cả clip cua, ghẹ, cá bơi lội để khách tin tưởng.
“Nhìn thấy hải sản tươi, ngon và người bán khá thiện chí nên tôi mới đặt mua ghẹ tươi, cá mú để đãi khách”, anh Linh kể.
Sau khi chốt được đơn hàng và giá, người bán hàng yêu cầu anh chuyển khoản trước 500.000 đồng làm tin để đóng gói hàng và chuyển nhà xe. Ngày hôm sau khi “hàng vừa được gửi đi”, người bán yêu cầu chuyển số tiền còn lại gần 2 triệu đồng vì đây là hàng tươi sống.
Trả tiền xong cả gia đình háo hức đợi hàng, nhưng kết cục nhận được là thùng xốp bên trong chỉ có... vài con ghẹ chết và một con cá mú nhỏ đã bị ươn sình. Tức giận vì bị lừa, anh Linh và người nhà liên hệ lại địa chỉ trên Facebook thì chỉ nhận được những thách thức từ người bán. Sau đó anh cũng phát hiện nhiều người là nạn nhân giống mình và bị chặn Facebook ngay sau khi đăng phản hồi.
Anh Cao Thái Sơn (Thành phố Thủ Đức, TP HCM) cũng cho hay, nhân dịp gia đình có ngày kỷ niệm anh muốn tổ chức một bữa tiệc nhỏ nên định đặt về một ít hải sản. Cũng là người hay mua hàng online vì thấy rất tiện và không mất nhiều thời gian nên anh Sơn đã lên mạng gõ từ khóa “Chợ hải sản”.
Ngay lập tức hàng trăm “gian hàng” hải sản xuất hiện. Thu hút sự quan tâm của anh là hình ảnh những con tôm hùm bông vừa to vừa tươi rói đang bơi trong bể trên một shop bán hải sản online, giá cả lại hợp lý (từ 1 triệu – 1,5 triệu đồng/1kg tùy kích cỡ). Anh Sơn lập tức gọi điện cho chủ cửa hàng để đặt hàng.
Qua sự tư vấn nhiệt tình cùng những lời giới thiệu như rót mật vào tai, anh Sơn đã chuyển khoản 4,5 triệu đồng để đặt 3 ký tôm hùm sống loại lớn. Khi nhận hàng, bên trong thùng xốp chỉ có 3 con tôm hùm baby đông lạnh. Anh Sơn liền gọi lại cho chủ cửa hàng nhưng lúc này số điện thoại trên không liên lạc được nữa.
Người tiêu dùng cần biết rõ nguồn gốc
Theo TS Trần Thị Dung - Phó Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch (AFT), tiện ích từ bán hàng qua mạng là giúp người bán tiếp cận khách hàng nhanh chóng và người mua dễ tìm được mặt hàng như ý. Tuy nhiên, phần lớn các cửa hàng bán hải sản online đều không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, mọi thông tin về sản phẩm đều tự họ quảng cáo qua điện thoại hoặc tin nhắn chat Facebook với người mua.
Với cách thức này, hình ảnh mà người bán hàng đưa ra bao giờ cũng đẹp, là hàng tươi, hàng tốt, ngon. Còn khi hàng được giao đến cho khách hàng thì đôi khi chất lượng không như quảng cáo, người mua cũng khó có thể trả lại… Mặt khác, chất lượng của hàng còn phụ thuộc vào quá trình vận chuyển, bảo quản sản phẩm.
Người tiêu dùng nên lựa chọn những nơi bán uy tín để có được hải sản tươi sống, tránh hàng đông lạnh
Ông Nguyễn Trọng Tín, chủ một cửa hàng hải sản online cũng chia sẻ, để đảm bảo mua được sản phẩm hải sản chất lượng và an toàn, người tiêu dùng cần lưu ý một số điều quan trọng sau đây:
Chọn cửa hàng uy tín: Trước khi mua hàng, người tiêu dùng nên tìm hiểu về cửa hàng, đánh giá và nhận xét của khách hàng trên các trang web thương mại điện tử, các diễn đàn, trang mạng xã hội... để đảm bảo mua hàng từ một nguồn cung cấp đáng tin cậy, đảm bảo hải sản được nuôi trồng hoặc đánh bắt đúng quy trình, không sử dụng hóa chất độc hại.
Xem thông tin sản phẩm: Khi mua hàng online, người tiêu dùng cần đọc kỹ mô tả sản phẩm, đảm bảo sản phẩm được đóng gói và vận chuyển đúng cách, không bị hư hỏng hoặc mất chất lượng. Nên tìm hiểu đơn vị cung cấp và đọc về thông tin sản phẩm trước khi đặt mua.
Chọn phương thức thanh toán an toàn: nên chọn các phương thức thanh toán an toàn như thanh toán khi nhận hàng, thanh toán qua các cổng thanh toán trực tuyến an toàn.
Lưu ý đến thời gian giao hàng: Khi mua hải sản online, người tiêu dùng cần lưu ý thời gian giao hàng để đảm bảo nhận được sản phẩm tươi ngon và an toàn.
Nguồn: [Link nguồn]
Giá cà phê Robusta nội địa lên đến 92.000 đồng/kg là ngoài dự đoán của các chuyên gia.