Dở khóc dở cười đặt hàng trên Temu: Mua đèn hình bánh sừng bò, thành mồi ăn cho kiến
Không chỉ ở Việt Nam, trang thương mại điện tử Temu còn gây "sốt" ở nhiều nước trên thế giới theo nhiều cách...
Đôi khi mua sắm online sẽ mang đến những sản phẩm không như mong đợi: bạn có thể nhận được một chiếc váy sai màu hoặc kích cỡ lớn hơn dự kiến. Tuy nhiên, câu chuyện của Neta Murphy ở Mỹ còn bất ngờ hơn khi cô đặt mua trên Temu một chiếc đèn hình bánh sừng bò làm quà cho chị gái nhưng "hết hồn" khi biết mình nhận được thứ gì.
Một chiếc đèn hình bánh sừng bò
Sau một ngày làm việc dưới tiết trời nóng nực, Neta về nhà và phát hiện kiến bu kín chiếc đèn hình bánh sừng bò. Trong video TikTok của mình, cô thắc mắc: "Tại sao kiến lại bâu kín một chiếc bánh sừng bò giả?" Video này của cô đã thu hút 1,3 triệu lượt xem.
Neta giải thích rằng những con kiến chui vào các khe hở, vì vậy cô quyết định chọc một lỗ lớn hơn để xem bên trong có gì. Khi cô bẻ đôi chiếc đèn ra, phần ruột bên trong bong ra và phủ đầy vụn bánh mì, giống như một chiếc bánh sừng bò thật sự.
Để kiểm tra giả thuyết rằng chiếc đèn thực sự là bánh ngọt phủ nhựa thông, Neta quyết định... nếm thử. Cô nói: "Tôi nghĩ đây là cách duy nhất để biết chính xác nó là gì" rồi cắn một miếng từ chiếc đèn. Và cô thốt lên: "Đây thực sự là món ăn tệ nhất".
Khám phá bất ngờ của Neta khiến cả Tiktok sửng sốt, nhiều người yêu cầu Temu đưa ra lời giải thích.
Neta quyết định cắn thử một miếng và phát hiện chiếc đèn là bánh thật
Một người bình luận: "Không, không thể nào họ lại dùng bánh sừng bò thật làm đèn rồi phủ nhựa thông lên. Tôi không thể tin được".
Người khác đùa: "Có lẽ tôi nên kiểm tra lại chiếc đèn hình con mèo mà tôi mua từ Temu". Một người thứ ba nói thêm: "Cô ấy vừa ăn chiếc đèn bánh sừng bò của Temu thật sao?"...
Giữa muôn vàn bình luận mỉa mai, kinh ngạc, một người dùng TikTok lên tiếng giải thích tại sao Temu lại bán chiếc đèn bánh sừng thật có phủ nhựa thông: "Tôi nghĩ đây là bánh sừng bò thật, vì nó là bản sao của chiếc đèn do Yukiko Morita làm. Bà ấy dùng bánh mì và bánh ngọt thật để làm đèn, nhưng đã được khoét rỗng và bảo quản bằng lớp phủ chống nấm".
Yukiko Morita, nghệ sĩ người Nhật Bản kiêm thợ làm bánh, đã bắt đầu làm đèn từ bánh mì thừa sau khi cảm thấy quá lãng phí những chiếc bánh không bán được. Cuối cùng, cô thành lập doanh nghiệp Pampshade để bán các tác phẩm nghệ thuật của mình trực tuyến, trong đó có những chiếc đèn bánh croissant. Tuy nhiên, các tác phẩm đèn từ bánh thật do Yukiko Morita làm có giá 92 bảng Anh, trong khi chiếc đèn bán trên Temu chỉ có giá 8,99 bảng Anh.
Một người khác mua sao biển trang trí thì nhận được sao biển thật đang phân hủy
Đây không phải là lần đầu tiên người mua hàng gặp phải những tình huống dở khóc dở cười khi mua sắm từ Temu.
Kelly Kaye, đến từ New Zealand, đã đặt mua các dây buộc rèm cửa theo chủ đề hàng hải, nhưng kinh hoàng khi phát hiện sản phẩm từ Temu có mùi hôi của hải sản thật.
Khi cô cắt một con sao biển nhựa mà cô nghĩ là vật trang trí, Kelly nhận ra mình đang chạm vào xác của một con sao biển đang phân hủy. Mặc dù mùi hôi rất khó chịu, Kelly vẫn quay video bên trong của con sao biển thật và đăng lên TikTok để cảnh báo người khác về việc mua hàng từ Temu. Đoạn video đã thu hút hơn 9,8 triệu lượt xem.
Một người dùng bình luận: "Tôi không biết bạn mong đợi gì, đây là Temu mà!".
Người khác lại cho rằng Kelly nên cảm thấy may mắn vì đó là một con sao biển thật: "Sao bạn lại nghĩ nó là giả nhỉ? Sao biển khô là một món đồ trang trí rất phổ biến. Ở đất nước ven biển của tôi, họ bán sao biển khô khắp nơi".
Người dùng thứ ba thì bình luận: "Temu thật sự quá liều lĩnh với chuyện này," Kelly trả lời: "Liều lĩnh là đúng. Một chiếc bánh sừng bò thì đã đủ bất ngờ rồi, nhưng một con sao biển thật thì..."
Đúng là chương trình khuyến mãi mà không một người mua hàng nào mong muốn được trải nghiệm.
Nguồn: [Link nguồn]