Đồ chơi Trung Quốc: Biết nguy hiểm vẫn phải mua

Mặc dù đồ chơi Trung Quốc có chứa nhiều chất độc gây hại cho trẻ em nhưng thực tế hiện nay, người tiêu dùng có muốn lựa chọn đồ chơi khác cũng không có mà chọn.

Đồ chơi Trung Quốc chiếm… 95% thị trường

Mấy ngày qua, sau khi có thông tin nhiều loại đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc nhiễm độc, sức mua tại các cửa hàng đồ chơi trên địa bàn TP.HCM yếu hẳn. Sáng ngày 3/1, dạo quanh các cửa hàng đồ chơi trên các đường Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình), Huỳnh Văn Bánh, Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận), Hai Bà Trưng (quận 1)… không có một bóng người mua. Vài cửa hàng còn treo biển giảm giá 30%, thậm chí thanh lý.

Ghé vào một cửa hàng đồ chơi ở Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận, TP.HCM), chị Ngọc Chi, chủ cửa hàng cho biết 3- 4 ngày nay, lượng khách vào mua giảm hẳn, chỉ bằng khoảng 50% những ngày trước khi báo chí đưa tin. “Khách vào ai cũng hỏi cái này xuất xứ từ đâu? Nghe từ Trung Quốc là họ lắc đầu bỏ đi. Chúng tôi cũng muốn bán đồ chơi Việt Nam và các nước nhưng có đâu mà bán?” – chị than.

Chị Chi cho biết, hiện cửa hàng chị có hơn 1.000 loại đồ chơi các loại nhưng trên 95% là đồ chơi Trung Quốc. Cực kỳ phong phú về chủng loại, mặt hàng (chỉ riêng đồ chơi xe hơi đã có tới trên 100 kiểu khác nhau), hấp dẫn về kiểu dáng, màu sắc và rẻ hơn các sản phẩm cùng loại là những lợi thế không thể chối cãi của đồ chơi Trung Quốc. Còn đồ chơi Việt Nam tại cửa hàng chị Chi, chúng tôi đếm có chưa tới 5 loại với lèo tèo vài mặt hàng dụng cụ nhà bếp, nấu ăn, lắp ráp của Công ty Nhựa Chợ Lớn. Đã ít kiểu, đồ chơi Việt Nam lại xấu và đắt.

Đồ chơi Trung Quốc: Biết nguy hiểm vẫn phải mua - 1

Đồ chơi Trung Quốc chiếm 95% thị trường (Ảnh minh họa)

“Sản xuất trong nước nhưng đồ chơi Việt Nam đắt hơn đồ chơi Trung Quốc cùng loại từ 10.000 – 15.000 đồng/món, lại giòn, dễ vỡ hơn nên người tiêu dùng không ưa chuộng. Ngay cả loại đồ chơi bằng pin Tosi đang thịnh hành hiện nay thì giá bán tại Việt Nam còn đắt hơn giá xuất khẩu đi Úc tới 70.000 đồng/cái. Thử hỏi như vậy chúng tôi có muốn cổ súy bán đồ Việt Nam thì có bán được?” – ông Ba Hơn, chủ tiệm đồ chơi trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, lắc đầu với vẻ “chịu thua”.

Biết độc vẫn mua

Ông Ba Hơn cũng thẳng thắn cho rằng mặc dù mấy ngày nay bán hơi bị ế do báo chí đưa tin đồ chơi Trung Quốc nhiễm độc nhưng qua vài tuần chắc chắn khách sẽ đông trở lại. Bởi trẻ con đòi, không lẽ cha mẹ không mua. Mà khi đó, cũng chỉ có đồ chơi…Trung Quốc.

Ngày 2/1, các cơ quan về tiêu chuẩn chất lượng tại TP.HCM xác nhận đã phát hiện chất độc phthalate gây ung thư, gây hại cho phát triển trí não ở trẻ em có trong sản phẩm búp bê đầu trái cây, bong bóng bơm hơi có xuất xứ Trung Quốc với độc chất cao hơn 400 lần cho phép. Trước đó, các cơ quan chức năng cũng phát hiện chất này trong đồ chơi thú nhún, có xuất xứ từ Trung Quốc.

Dẫn chứng cho lời của ông là một phụ nữ bước vào cửa hàng và lựa mua một món đồ chơi Trung Quốc, một chiếc xe hơi chạy bằng pin với giá khoảng 70.000 đồng. Cô ngần ngừ giải thích: “Hứa mua cho cháu lâu rồi mà cả tuần nay báo chí đưa tin sợ quá nên chưa mua. Nay cháu đòi quá mà đi mấy cửa hàng rồi, đồ chơi bằng gỗ toàn 200.000 – 500.000 đồng/món, đắt quá. Thấy món này có tem nhập khẩu, kiểm định đàng hoàng chắc không sao”.

Dù có thông tin về đồ chơi Trung Quốc có chứa chất độc hại, nhưng với tâm lý ham của rẻ, chỉ cần cho trẻ chơi vài ngày là chán, rồi bỏ đi cũng không tiếc nên nhiều bậc phụ huynh vẫn chọn mua đồ chơi Trung Quốc cho con.

“Tôi có nghe thông tin về những đồ chơi Trung Quốc nhiễm độc. Nhưng làm sao phân biệt được loại nào có độc, loại nào không? Hơn nữa, trẻ con luôn thích đồ chơi mới, chúng chỉ chơi vài ngày là lại chán ngay. Thu nhập của vợ chồng tôi không đủ để mua đồ chơi đắt tiền cho con chơi thường xuyên được. Biết là độc đó nhưng nếu không cho con ngậm đồ chơi vào mồm thì chắc cũng chẳng sao đâu nhỉ” - chị Thanh Trúc (quận Phú Nhuận, TP.HCM) nói.

Một điểm không thể phủ nhận là bản thân người mua, dẫu có muốn tìm các sản phẩm đồ chơi do Việt Nam hoặc xuất xứ khác Trung Quốc cũng không hề có. Nhiều chuyên gia hóa chất đều khẳng định, về công nghệ, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có khả năng sản xuất đồ chơi an toàn, đạt chuẩn quy định. Tuy nhiên, để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh cần có chiến lược phát triển đồng bộ, đồng thời kiên quyết chống hàng nhập lậu. Như vậy, mới có thể kiểm soát được hàm lượng những hóa chất gây độc trong đồ chơi trẻ em.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Minh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN