Đồ chơi trẻ em: Nhường cho Trung Quốc

Dù các thông tin về sản phẩm đồ chơi Trung Quốc nhiễm độc tố liên tục xuất hiện nhưng hơn 90% sản phẩm đồ chơi trên thị trường Việt Nam đều xuất xứ từ Trung Quốc

Chị Lê Thị Loan (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, có con trai 2 tuổi) cho biết dù nghe nhiều cảnh báo về đồ chơi trẻ em xuất xứ từ Trung Quốc độc hại, nguy hiểm và gần đây nhất là vụ nổ “bom vui” ở tỉnh Đắk Nông làm nhiều học sinh bị thương nhưng tìm đồ chơi Việt để mua quá khó.

Hàng Trung Quốc tràn ngập

Ghi nhận tại các chợ, cửa hàng bán đồ chơi trẻ em trên địa bàn TP HCM, Đồng Nai... hàng Trung Quốc chiếm hơn 90% với đủ loại, mẫu mã từ các con thú bằng nhựa, đàn đến ô tô chạy bằng pin, xe điều khiển, máy bay điều khiển, búp bê, bong bóng, bộ đồ xếp hình… Chợ Bình Tây (quận 6, TP HCM) là nơi phân phối đồ chơi trẻ em số lượng lớn về các chợ lẻ trong thành phố và các tỉnh lân cận có nguồn gốc từ Trung Quốc. Giá sản phẩm từ vài ngàn đồng đến vài trăm ngàn đồng/món. Chỉ một vài cửa hàng có trưng đồ chơi thương hiệu Việt nhưng số lượng rất ít.

Đồ chơi trẻ em: Nhường cho Trung Quốc - 1

Đồ chơi trẻ em do Trung Quốc sản xuất được bày bán rất nhiều ở chợ Bình Tây, TP HCM
Ảnh: Tấn Thạnh

Chủ cơ sở Bích Ngọc (chợ Bình Tây) cho biết hàng Việt Nam thỉnh thoảng mới có đợt công ty bỏ sỉ nhưng bán rất chậm, có khi cả tháng không bán được và giá khá cao. Ngược lại, hàng Trung Quốc đẹp, bắt mắt, liên tục có mẫu mới, giá nào cũng có. Quan trọng là họ chạy theo thị hiếu rất nhanh, thị trường cần gì họ đều làm được, đặt hàng nào có hàng đó.

Ghé vào một số nhà sách, cửa hàng mẹ và bé trên đường Bùi Văn Hòa (TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) hỏi mua đồ chơi trẻ em trong nước, các chủ cửa hàng đều lắc đầu “không có!”. Tại TP HCM, nhiều cửa hàng mẹ và bé cũng không có đồ chơi Việt. Nhân viên cửa hàng mẹ và bé trên đường Cống Quỳnh (quận 1) cho biết cửa hàng chỉ bán đồ chơi nhập từ Đức, Đài Loan, Hồng Kông, hàng thương hiệu Mỹ gia công ở Trung Quốc với giá từ 200.000 đồng/bộ đến cả triệu đồng/sản phẩm. “Chọn đồ chơi cho con rất đau đầu, hàng Việt mẫu mã ít, giá lại cao trong khi hàng Trung Quốc có vô số, giá rẻ, màu sắc sặc sỡ thu hút trẻ em. Còn hàng nhập khẩu chất lượng cao thì giá lại quá đắt” - anh Nguyễn Đình Vương (ngụ quận 8, TP HCM) nói.

Chị Nguyễn Thị Hồng, bán tạp hóa trên đường Lê Văn Lương (huyện Nhà Bè, TP HCM), cho biết vẫn còn sợ sau vụ đồ chơi phát nổ ở tỉnh Đắk Nông vì trước đó, chị có bán mặt hàng tương tự. “Ở đây, khách hàng chủ yếu là trẻ em, chúng không có nhiều tiền nên chỉ chơi đồ chơi Trung Quốc. Hàng được giao tận cửa, không phải đi xa lấy mà giá lại rẻ. Mình không bán, người khác cũng bán” - chị Hồng thành thật.

Em bé và người khổng lồ

Một chuyên gia trong lĩnh vực đồ chơi cho biết hàng Trung Quốc không chỉ thống lĩnh thị trường Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do sản xuất số lượng lớn, dù lãi ít trên một sản phẩm vẫn có lời nên giá hàng của họ luôn rẻ. Hơn nữa, doanh nghiệp (DN) Trung Quốc sớm quan tâm đến thị trường này nên đã có những nền tảng vững chắc. Đội ngũ thiết kế mẫu mã hùng hậu, họ có thể “biến tấu” thành nhiều sản phẩm đa dạng, sáng tạo ra những vật liệu mới cho ngành đồ chơi thu hút trẻ em.

Thực tế, đồ chơi Trung Quốc có nhiều phân khúc, trong đó hàng xuất khẩu đi các nước châu Âu, Mỹ chất lượng rất tốt và có thương hiệu do các DN lớn sản xuất. Ngược lại, hàng do các cơ sở nhỏ lẻ ở địa phương sản xuất, chất lượng kém bởi dùng nhựa phế phẩm, tái sinh, nhựa trôi nổi… “đổ” vào Việt Nam và một số nước lân cận. “Tùy thị trường mà họ sản xuất đồ chơi, giá nào cũng có và người dân càng ham rẻ càng độc hại nên dễ “chết” - một DN nhận xét.

Ngành đồ chơi Việt Nam đối với Trung Quốc như “trứng chọi đá”, không phải là đối thủ. Công ty Nhựa Chợ Lớn có hơn 20 năm trong ngành đồ chơi và là thương hiệu hàng Việt uy tín trong nước nhưng chỉ cạnh tranh tốt với hàng Trung Quốc ở phân khúc các loại xe 2-3-4 bánh, xe tập đi… “ So với Trung Quốc, DN sản xuất đồ chơi của chúng ta như “em bé và người khổng lồ”, chúng tôi phải cạnh tranh rất khốc liệt và đau đầu. Trong khi mình có vài DN thì họ có hàng trăm, cả ngàn cơ sở sản xuất với khối lượng lớn” - ông Võ Văn Đức Bảy, Phó Giám đốc Công ty Nhựa Chợ Lớn, nhận xét.

Trong khi đó, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP HCM, cho biết vẫn thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trường đồ chơi trẻ em. Nhưng việc kiểm tra chủ yếu về mặt hóa đơn chứng từ; còn về chất lượng phải phối hợp, gửi mẫu đến cơ quan kiểm định để thực hiện. Do phải kiểm soát tất cả mặt hàng trên thị trường nên QLTT chủ yếu kiểm tra tại các điểm kinh doanh đồ chơi lớn, kho chứa hàng, cơ sở sản xuất... Với các điểm bán hàng tự phát tại vỉa hè, hàng rong tuy QLTT vẫn có trách nhiệm nhưng cơ quan chịu trách nhiệm chính là chính quyền cơ sở (xã, phường). 

Cảnh giác với đồ chơi lạ

Ông Trần Văn Xiêm - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa miền Nam - khuyến cáo khi chọn đồ chơi cho trẻ, phụ huynh nên cảnh giác với các mặt hàng lạ vì nguy cơ mất an toàn cao. Người tiêu dùng có thể xem xét đồ chơi trẻ em thông qua nhãn hàng hóa như có nhãn tiếng Việt, có tên cơ quan chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ, thành phần, thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo, tem CR... “Nếu là sản phẩm mới, an toàn, đã qua kiểm tra thì người bán không dại gì không khoe ra để tăng niềm tin cho khách hàng. Còn hàng lậu, hàng trốn thuế sẽ không có các thông tin này” - ông Xiêm nói.

Kỳ tới: Chống đỡ yếu ớt

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương- Ngọc Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN