Đồ chơi Tết Trung thu ảm đạm từ làng nghề đến thị trường online

Do dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội nên việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng đồ chơi Trung Thu cũng rơi vào cảnh ảm đạm.

Phố đồ chơi Tết Trung thu vắng lặng, làng nghề ngưng sản xuất

Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng đồ chơi trẻ em trong dịp Tết Trung thu từ đồ chơi truyền thống như: đèn ông sao, đầu sư tử, trống, mặt nạ… đến những đồ chơi hiện đại chạy pin nhập khẩu được rao bán trên các sàn thương mại điện tử.

Nếu như trước đây chưa có dịch bệnh thì đây là thời điểm mặt hàng đồ chơi trẻ em trong dịp Tết Trung thu được bày bán rất nhiều trên các tuyến phố, cửa hàng… Đặc biệt tại phố Hàng Mã, Lương Văn Can là nơi nổi tiếng bán những mặt hàng đồ chơi Tết Trung thu nhộn nhịp nhất tại Hà Nội.

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và Hà Nội đang trong những ngày giãn cách xã hội nên khác với vẻ nhộn nhịp người mua kẻ bán như những năm trước, phố Hàng Mã hiện rơi vào cảnh vắng vẻ, ảm đạm chưa từng có. Các cửa hàng trên phố Hàng Mã, Lương Văn Can đều phải đóng cửa để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Những năm trước đây, thì thời điểm này tại làng Ông Hảo, xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên là một trong những nơi sản xuất các loại đồ chơi Tết Trung thu truyền thống như trống, mặt nạ, đầu sư tử... Những món đồ chơi Trung thu hoàn toàn được làm thủ công từ các nguyên liệu thân thiện như tre, nứa rất nhộn nhịp, tất bật người làm hàng, thương lái đến thu mua thì nay tình hình sản xuất cũng rơi vào cảnh ảm đạm.

Các làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống cũng tạm ngưng sản xuất

Các làng nghề làm đồ chơi Trung thu truyền thống cũng tạm ngưng sản xuất

Anh Lưu Đức Thuận, lãnh đạo xã Liêu Xá cho biết năm nay do dịch bệnh phức tạp, nhiều địa phương trên cả nước phải giãn cách xã hội nên làng nghề sản xuất đồ chơi Trung Thu của xã cũng gặp nhiều khó khăn.

Các năm trước đây mặt hàng trống được sản xuất và chuyển vào các tỉnh phía Nam khá nhiều nhưng nay do dịch bệnh nên mặt hàng này cũng gần như không được làm. Hầu hết các gia đình tạm ngưng sản xuất các mặt hàng đồ chơi Trung thu truyền thống.

Chuyển hướng sang bán đồ chơi Tết Trung thu online

Do tình hình dịch bệnh COVID – 19 diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương khiến việc kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em nói chung và đồ chơi trong dịp Tết Trung thu gặp nhiều khó khăn, nhất là trong mua bán kiểu truyền thống.

Nhiều đơn vị, cửa hàng buôn bán mặt hàng đồ chơi đã chuyển sang hình thức bán online trên các trang mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

Rất nhiều sản phẩm đồ chơi từ truyền thống đến hiện đại được rao bán trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki… như đèn ông sao, trống, đầu sư tử... đang được rao bán rất phong phú.

Các loại đồ chơi truyền thống như đèn ông sao, trống, đầu sư tử… chiếm tỉ lệ không lớn trên các trang thương mại điện tử và giá thành rất rẻ như đèn ông sao chỉ chưa đến 10.000đ/chiếc, các loại trống chưa đến 100.000đ/cái. Tuy nhiên lượng đặt mua cũng rất ít, có mặt hàng mới chỉ bán được vài chiếc.

Các loại đồ chơi hiện đại của nước ngoài được rao bán trên các trang thương mại điện tử với số lượng nhiều hơn và cũng đa dạng chủng loại, mẫu mã nhưng lượng tương tác mua cũng rất ít.

Do việc giao hàng gặp nhiều khó khăn nên việc các mặt hàng đồ chơi được mua bán cũng không nhiều. Mặt khác các gia đình cũng đang tất bật chuẩn bị năm học mới cho con nên việc mua sắm đồ chơi cũng bị cắt giảm.

Đặc biệt năm nay nhiều hoạt động vui chơi Tết Trung thu không được tổ chức cũng khiến sức tiêu thụ các mặt hàng đồ chơi dịp Tết trung thu sụt giảm.

Nguồn: [Link nguồn]

Thu giữ hàng nghìn bánh trung thu, đồ chơi Trung Quốc nhập lậu

Lực lượng QLTT Thái Nguyên vừa phát hiện và thu giữ lô hàng bánh trung thu nhập về từ Trung Quốc không có hóa đơn, chứng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyên Khanh ([Tên nguồn])
Tết Trung thu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN