DN xuất khẩu lao động đua nhau xin… “chết”
Các thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) hiện đang “đóng băng”, nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh chết lâm sàng; ông chủ nợ nần đầm đìa... Đó là thực trạng buồn của “làng” XKLĐ hiện nay.
Bán nhà, mất cả người thân
Giữa lúc nhiều giám đốc các Cty XKLĐ đang ngồi trên lửa vì thị trường đầu ra gặp khó, một số lãnh đạo công ty khác hiện đang đối mặt với khiếu kiện và có thể bị truy tố về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Thực tế, cảnh NLĐ đến đòi tiền xảy ra tại các Cty XKLĐ diễn ra thường xuyên. Nhiều ông chủ chỉ biết ngồi thở dài. “Tôi vừa bán nốt cái xe ô tô. Giờ nếu không gỡ được cục nợ với NLĐ, có khi đến nhà đang ở cũng bán nốt”, ông T., giám đốc một thời lừng lẫy trong làng XKLĐ, nói. Theo vị này, vào những năm 2007-2008, Nhật Bản là thị trường tâm điểm, thu hút đông đảo NLĐ.
Thời điểm đó, để đi Nhật Bản, dù phí cao 8.000-1.200 USD (chưa tính đặt cọc), nhưng NLĐ vẫn ồ ạt đăng ký tham gia. Trước khi xuất cảnh, các công ty còn thu khoản tiền đặt cọc khoảng 6.500-7.000 USD/người, với cam kết khi về nước, NLĐ sẽ được trả gốc và lãi (theo lãi suất của ngân hàng - PV).
“Đây chính là mấu chốt khiến nhiều Cty XKLĐ sụp đổ, trong đó có Cty của anh”, ông T. chua chát.
Cũng theo vị giám đốc trên, trong khi Nhật Bản hiện đang tiếp nhận lao động nhỏ giọt. Trong năm qua, lượng NLĐ về nước quá nhiều. Do đó, công ty không xoay kịp tiền để trả khoản tiền đặt cọc. “Mỗi lao động nếu trả cả gốc và lãi cũng phải từ 140-150 triệu đồng, trong khi công ty đang cạn tiền vì lỡ đầu tư vào chỗ khác”, ông T. nói.
Người lao động tụ tập đòi nợ tại một Cty XKLĐ ở Hà Nội. Ảnh: Phong Cầm
cảnh ngộ, giám đốc chi nhánh một Cty XKLĐ có tiếng tại TP HCM đã phải bán nhà, bán xe để trả nợ cho NLĐ. Theo vị này, vì giữ tiền đặt cọc quá nhiều, đem đầu tư vào bất động sản bị... bể nên mất khả năng trả nợ.
Vị này còn kể: “Làm XKLĐ mà mất nhà, mất xe, nhưng đau nhất còn mất thêm cả người thân. Nếu không trả hết cho NLĐ đúng thời hạn như phía công an yêu cầu, chắc chắn tôi sẽ nhập kho”.
Trả giấy phép, dừng hoạt động
Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, theo số liệu từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc nước ngoài trong 5 tháng đầu năm là 45.458 người. Đây là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Cụ thể, thị trường Đài Loan là 28.265 lao động; Nhật Bản 6.659 lao động; Hàn Quốc 2.595 lao động; Malaysia 2.678 lao động...
Trước việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài tụt giảm thê thảm từ cuối năm 2009 đến nay, hàng loạt doanh nghiệp XKLĐ đã nộp đơn xin trả giấy phép XKLĐ lên Bộ LĐ-TB&XH. Bên cạnh những “ông lớn” như: Songda Corp, SSC, Vigecam, Vinaconex 6 JSC, Agimeco, Forexco...; một loạt các công ty khác cũng đang có ý định xin trả giấy phép. Gần đây nhất là Cty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Quảng Ninh (Qunimex).
Đại diện Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (xin giấu tên) cho biết, đa số các doanh nghiệp đưa ra lý do không tiếp tục hoạt động để xin trả giấy phép XKLĐ.
Trong khi đó, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, việc các doanh nghiệp xin trả giấy phép XKLĐ là do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu từ năm 2009. Các nước tiếp nhận lao động Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng nên nhu cầu giảm. Thậm chí, nhiều nước áp dụng chính sách bảo hộ lao động trong nước, hạn chế nhận lao động nước ngoài. Một số nước tạm dừng tiếp nhận lao động Việt Nam như Hàn Quốc nên số lượng lao động ra nước ngoài làm việc giảm đáng kể.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, việc doanh nghiệp trả giấy phép XKLĐ là “một hiện tượng ngược”. Hiện tượng này, ông Lợi nói sẽ kiểm tra nguyên nhân do đâu. Trong khi đó, theo một số chuyên gia XKLĐ, doanh nghiệp muốn có giấy phép XKLĐ không đơn giản. Ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện về vốn điều lệ, cơ sở đào tạo..., doanh nghiệp còn phải gặp ông này bà kia...
“Tới đây, chúng tôi sẽ đề xuất để Chính phủ có các chính sách hỗ trợ cần thiết, nhất là trong lúc XKLĐ đang trầm lắng như hiện nay”. Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội Quốc hội |
Hiện, một số doanh nghiệp XKLĐ đang trong tình trạng “chết lâm sàng”. Lý do họ vẫn giao dịch là để cố gắng tìm giải pháp trả nợ cho NLĐ và tìm kiếm cơ hội thoát ra khỏi tình trạng hiện nay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, điều doanh nghiệp cần nhất lúc này là Bộ LĐ-TB&XH nên có chính sách hỗ trợ với những đơn vị khó khăn.
“Ngành nào, doanh nghiệp gặp khó khăn cũng được hỗ trợ. Riêng XKLĐ, doanh nghiệp sai một chút là họ đè ra phạt, dọa rút giấy phép”, ông C., giám đốc một Cty XKLĐ tại Hà Nội, nói.