DN xuất khẩu gạo vật vã cạnh tranh giá rẻ
“Do thiếu hợp đồng tập trung và giá thị trường sụt giảm nên giá gạo xuất khẩu của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam trong quý I năm 2013 giảm mạnh so cùng kỳ năm 2012”- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), ông Trương Thanh Phong nói tại hội nghị giao ban xuất khẩu gạo hôm qua (4/4) tại TP Hồ Chí Minh.
Thấp hơn thế giới 40-50USD/tấn
Ông Phong cho biết, giá gạo xuất khẩu trong tháng 1 năm nay giảm đáng kể, từ 20-30 USD/tấn so với tháng 12/2012, do nhu cầu yếu và cạnh tranh xuất khẩu.
Qua tháng 2, giá gạo cao cấp được củng cố lại do điều chỉnh giá sàn nhưng sang tháng 3, giá lại giảm đáng kể, trở về với mức của tháng 1 do nhu cầu thị trường yếu và phải điều chỉnh bỏ giá sàn gạo 5% tấm để tạo điều kiện cho các DN bán ra, nhất là gạo cấp cao, kịp thời tiêu thụ lúa gạo mua tạm trữ vụ Đông-Xuân, trong khi chưa có hợp đồng xuất khẩu tập trung.
Hiện nay, giá gạo Việt Nam xuất khẩu loại 5% tấm khoảng 395 USD/ tấn, thấp hơn gạo Ấn Độ và Pakistan 40-50 USD/tấn.
Thiếu đầu ra, DN phải cạnh tranh xuất khẩu gạo với giá rẻ.
Ảnh: Đại Dương .
Cũng theo ông Phong, các nước tiêu thụ gạo chính của Việt Nam là Trung Quốc, Indonesia, Philipines, các nước châu Phi... Trong đó, Trung Quốc là thị trường mua gạo Việt Nam lớn nhất kể từ năm 2012. Chỉ riêng quý I năm 2013, số lượng hợp đồng đã trên 1 triệu tấn.
Tuy nhiên, đặc điểm của thị trường này mua bán phần lớn do chênh lệch giá chứ không chỉ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, nên chỉ mua với giá thấp. “Các DN Việt Nam phải chấp nhận bán giá thấp vào thị trường này, vì thị trường khác không có nhu cầu” – ông Phong nói.
Thị trường châu Phi đang tồn kho nhiều do nhập khẩu mạnh từ cuối năm 2012. DN Việt Nam muốn bán vào thị trường này thì phải chấp nhận bán giá thấp.
Cạnh tranh giá rẻ
“Tôi không hiểu sao có DN lại xuất khẩu gạo thơm Jasmine với giá 510 – 520 USD/tấn, trong khi giá gạo này đang giao dịch trên thị trường là 530 USD/tấn”. Ông Nguyễn Văn Tiến |
VFA cho biết, hiện Việt Nam còn tồn kho trong DN trên 2 triệu tấn gạo. Ngoài ra, theo dự kiến, sản lượng hàng hóa vụ Đông-Xuân 2012-2013 khoảng 3,8 triệu tấn, cộng với tồn kho 2012, lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2013 khoảng 4,5 triệu tấn.
Riêng trong quý 2, dự kiến xuất 2,2 triệu tấn. Trong khi đó, dự báo tình hình gạo thế giới vẫn trong xu hướng giảm sút. Tuy nhiên, VFA khuyến cáo các doanh nghiệp không vội ký thêm hợp đồng với giá thấp và cần duy trì ổn định để chờ nhu cầu mới.
Theo VFA, DN Việt Nam đứng trước hai lựa chọn: cạnh tranh để bán ra hay giữ giá cao không bán được. Sản lượng lúa của Việt Nam trong vụ Đông -Xuân rất nhiều, cộng thêm áp lực lúa từ Campuchia vào qua các tỉnh có đường biên giới như An Giang, Đồng Tháp.
Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký VFA: “Mục tiêu trước nhất là tiêu thụ hết hàng hóa để bảo vệ người nông dân, mà muốn tiêu thụ được thì DN phải vật vã, cạnh tranh chứ không phải chúng ta một mình một chợ”- ông Huệ nói.
Và, theo ông, phải đẩy mạnh xuất khẩu để tiêu thụ hàng hóa. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu thì phải cạnh tranh. Mà cạnh tranh thì phải giảm giá, phải chấp nhận giá thấp mới bán được. “Chỉ cần nhích giá lên là khách hàng ngưng mua và chuyển sang nước khác ngay”-ông Huệ giải thích.
Tuy nhiên, VFA thừa nhận, ngoài những yếu tố khách quan, một số DN xuất khẩu gạo còn yếu kém, bị khách hàng ép giá và cũng có hiện tượng cạnh tranh phá giá đã tác động thêm vào sự sút giảm giá gạo xuất khẩu Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Tiến- Tổng giám đốc Công ty CP XNK An Giang (Angimex) tỏ thái độ bức xúc với tình trạng cạnh tranh bằng hình thức phá giá. “Tôi không hiểu sao có DN lại xuất khẩu gạo thơm Jasmine với giá 510 – 520 USD/tấn, trong khi giá gạo này đang giao dịch trên thị trường là 530 USD/tấn”- ông Tiến thắc mắc, đồng thời đề nghị cần quản lý giá sàn chặt chẽ hơn, đặc biệt là gạo thơm.
Đồng tình với quan điểm trên, Giám đốc Công ty CP Mê Kông (Cần Thơ), ông Lê Việt Hải nhấn mạnh: “Cần giữ giá sàn, không giảm nữa”. Nhiều doanh nghiệp cũng đồng tình quan điểm trên, bởi gạo thơm Jasmine chỉ Việt Nam và Thái Lan có, nhưng hiện giá gạo của Thái Lan quá cao nên Việt Nam có ưu thế rất lớn.
Doanh nghiệp ít đầu tư lại cho nông dân
Tại hội nghị triển vọng ngành hàng nông nghiệp năm 2013, do Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược Phát triển (nông nghiệp nông thôn) (IPSARD) tổ chức hôm qua 4/4, nhiều chuyên gia cho rằng, nông dân trồng lúa ít được hưởng lợi từ xuất khẩu lúa gạo, trong khi doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo lấy ngoại tệ về đầu tư bất động sản, xe máy. Theo TS Trần Công Thắng, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách phát triển (nông nghiệp nông thôn) (thuộc IPSARD), nông dân thu nhập từ trồng lúa thấp và không được lợi nhiều khi giá lúa tăng. Lợi nhuận thu về từ việc xuất khẩu gạo không bằng, nhiều DN đầu tư ngoài lĩnh vực như đầu tư bất động sản, kinh doanh xe máy, không tập trung đổi mới khoa học kỹ thuật, đầu tư trở lại cho nông dân. Ông Thắng cho biết, giá định hướng do Bộ Tài chính đưa ra để các DN mua tạm trữ không mang lại lợi ích cho nông dân, và rất khó để đảm bảo mức lợi nhuận 30% cho họ như chỉ đạo của Chính phủ. “Khi tính giá định hướng, nhiều yếu tố không được tính vào như chi phí lao động của hộ gia đình, phí thuê đất và lãi suất tiền vay. Nông dân không được hưởng lợi nhiều từ chính sách thu tạm trữ lúa gạo, do họ phải bán ngay tại ruộng cho thương lái”- ông Thắng nói. Còn TS Trần Hoàng Nhị, Nghiên cứu viên cao cấp-Đại học Monash (Úc) đề xuất: Trong giai đoạn 2011-2030, cần khuyến khích trợ giá mua lúa, tăng cường năng lực dự trữ gạo; ưu tiên cho các DN tư nhân trong kinh doanh, xuất khẩu gạo, để tăng hiệu quả xuất khẩu. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp (thuộc IPSARD) cho biết, sản xuất lúa gạo ở Việt Nam còn nhiều cản trở do đất manh mún, giống lẫn lộn… Nguyễn Thảo- P. Anh |