DN xăng dầu sai phạm sẽ bị xử lý?
Trong báo cáo kết quả thực hiện lời hứa gửi QH, Bộ trưởng Tài chính cho hay, đang tổng hợp kết quả thanh tra tại các DN kinh doanh xăng dầu, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý.
Thông tin với các ĐBQH về thực hiện lời hứa sẽ công khai trong quản lý giá xăng dầu, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho hay, cuối năm ngoái Bộ đã lập 3 tổ kiểm tra tình hình kinh doanh tại 4 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối chiếm thị phần lớn. Ngay sau đó đã tổ chức họp báo công bố công khai kết quả.
Từ tháng 5 đến tháng 7/2012, Bộ Tài chính tiếp tục thanh tra, kiểm tra tại 6 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc chấp hành các quy định của nhà nước trong việc thực hiện đăng ký giá và các yếu tố hình thành giá bán xăng dầu; kiểm tra việc chấp hành thuế và chi trả thù lao đại lý.
“Hiện Bộ Tài chính đang tổng hợp kết quả thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện sai phạm thì sẽ xử lý theo quy định”, ông Huệ cho biết.
Liên quan đến vấn đề giá xăng dầu lên xuống không theo giá thế giới, Bộ trưởng Tài chính cho hay, từ cuối tháng 4/2012, giá xăng, dầu thành phẩm thế giới giảm, liên Bộ Tài chính - Công thương đã xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và thực hiện 5 lần liên tiếp giảm giá trong 2 tháng.
Kể từ sau ngày giảm giá đợt 2/7 cho đến cuối tháng 8/2012, giá xăng dầu thành phẩm thế giới biến động theo xu hướng tăng. Trên cơ sở diễn biến giá xăng dầu thế giới kết hợp với việc sử dụng Quỹ bình ổn các doanh nghiệp đã đăng ký và được phép điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu trong nước 4 lần nữa.
Theo ông Huệ, từ đầu tháng 9 đến nay, giá xăng dầu tiếp tục dao động ở mức cao. Để giữ ổn định giá bán trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng, ngày 11/9, liên Bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp không tăng giá, sử dụng các công cụ để bình ổn giá đồng thời không tính lợi nhuận định mức của doanh nghiệp xăng dầu trong giá cơ sở.
Truy thu hàng trăm tỷ nợ thuế của các 'ông lớn'
Bộ trưởng Tài chính cũng báo cáo về tình hình quản lý chống thất thu và nợ đọng thuế. Theo đó, với khối các ngân hàng thương mại và tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đã thanh tra, kiểm tra và đôn đốc nợ thuế tại 56 đơn vị hội sở và chi nhánh ngân hàng, xử lý truy thu và phạt 105 tỷ đồng, đôn đốc nộp vào ngân sách 1.431 tỷ đồng số thuế nợ đọng.
Kiểm tra tại 88 tập đoàn, tổng công ty, đã xử lý truy thu 576,7 tỷ đồng nợ đọng, đã đôn đốc nộp vào ngân sách 546,8 tỷ đồng (bao gồm cả số thuế nợ đọng).
Thông qua việc triển khai các biện pháp quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, tính đến 31/8 toàn ngành đã thu hồi được 17.149 tỷ đồng (đạt 48,6%) tổng số nợ thuế của năm 2011.
Liên quan đến các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ông Huệ cho biết đã gia hạn khoảng 11.124 tỷ đồng tiền thuế giá trị gia tăng quý 2 cho gần 190.000 doanh nghiệp.
Giải quyết giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 cho khoảng 3.609 doanh nghiệp, với số tiền giảm là 445,2 tỷ đồng. Miễn và hoàn thuế môn bài cho 44.897 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối, với số tiền khoảng 12,4 tỷ đồng.
Thực hiện Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ cũng đã miễn giảm thuế cho DN với tổng số giảm là 6.488 tỷ đồng (năm 2012 giảm 4.150 tỷ và năm tới dự kiến giảm 2.338 tỷ đồng).
Bộ trưởng Vương Đình Huệ sẽ không trực tiếp đăng đàn trả lời chất vấn tuần tới nhưng theo dự kiến, ông sẽ “chia lửa” với các vị trưởng ngành khác.