DN Việt và nguy cơ bị thôn tính
Trong khi nền kinh tế Việt Nam lao dốc với khủng hoảng toàn diện: tiền tệ, tín dụng, bất động sản, chứng khoán… thì trái lại, thị trường mua bán, sáp nhập giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước diễn ra sôi nổi.
Trong khi trên thế giới, câu chuyện Heineken (Hà Lan) mua lại hãng bia châu Á - Thái Bình Dương (APB) trong đó có nhãn hàng Tiger bia vốn rất được ưa chuộng tại thị trường châu Á đang gây xôn xao thì ở trong nước, các DN cũng giật mình nhìn lại khi Uni-President Việt Nam sở hữu 100% vốn nước ngoài đã “nhắm mắt làm ngơ” để doanh nghiệp giải khát Tribeco Sài Gòn phá sản, sau đó triển khai kế hoạch mua lại Tribeco. Ở một góc nhìn tương tự, tập đoàn Lotte Hàn Quốc cũng đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, khiến thị trường bánh kẹo, hệ thống bán lẻ… của các doanh nghiệp cùng ngành tại Việt Nam “chao đảo”, trong đó có cả doanh nghiệp “cứng cựa” Bibica.
“Hiệu ứng WTO”
Từ khi Việt Nam mới gia nhập WTO, không nhiều chuyên gia ngạc nhiên khi trong giai đoạn này nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam trở thành… “doanh nghiệp ngoại”. Giai đoạn đầu khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhiều khi “mắc cạn” bởi sự “phòng thủ” có chuẩn bị từ các DN nội địa. Những dự báo về “con dao hai lưỡi” WTO khiến các DN Việt ra sức liên kết, chuẩn bị tư thế lẫn sức mạnh “sân nhà” đối mặt DN ngoại.
Thêm vào đó, lộ trình hội nhập WTO giai đoạn đầu còn khá thuận lợi cho DN Việt khi chính sách thuế, hải quan… chưa được nới lỏng hết mức. Bên cạnh đó, sự dè dặt của DN ngoại do chính sách thu hút đầu tư của nhà nước chưa hấp dẫn, hạ tầng chưa phát triển cùng sự giao thoa chưa mạnh của văn hóa doanh nghiệp… đã tạo nên lợi thế nắm “đằng cán” cho doanh nghiệp Việt. Điển hình, năm 2007 chứng kiến sự “vấp đá” của Lotte Hàn Quốc trước Bibica Việt Nam khi tham vọng mua lại Bibica không thành công do sự gắn kết chiều dọc lẫn chiều ngang của doanh nghiệp nội địa Việt Nam.
Tuy nhiên, giai đoạn 2010 đến nay Việt Nam bắt đầu nhận lấy những “dư chấn” của khủng hoảng kinh tế thế giới, và bất ổn từ trong nước đã khiến không ít DN rơi vào khó khó khăn. Trong khi đó, với nguồn vốn mạnh và sự thân thuộc môi trường kinh doanh Việt Nam, cộng với những nghiên cứu định lượng nhằm “đo sức” các doanh nghiệp Việt đã giúp các doanh nghiệp nước ngoài “biết mình biết ta”. Thế nên làn sóng mua lại doanh nghiệp Việt ngày càng trở nên đáng lo ngại.
Thế nên, ngay khi manh múng cơ hội “bá chủ” thị trường bánh kẹo thì các đối tác Lotte Hàn Quốc không ngần ngại đề xuất đổi tên công ty CP Bibica thành công ty CP Lotte – Bibica. Hay thay vì bỏ tiền “giúp bạn” tái cấu trúc sản xuất trong giai đoạn khó khăn thì Uni-President chấp nhận cho đối tác phá sản, đường đường chính chính đề xuất mua lại Tribeco mà không can dự gì đến tất cả hệ lụy về vốn tái cơ cấu, tái đầu tư, chi phí sa thải công nhân để làm nhẹ bộ máy sản xuất cho công ty cũ.
Trong bối cảnh khủng hoảng leo thang và chưa có dấu hiệu phục hồi khiến các nhà đầu tư “chuyển hướng” sang các nước thuộc thế giới thứ 3 nhằm tìm kiếm lợi nhuận (Ảnh minh họa).
Như vậy, khi DN yếu kém khó có khả năng chóng chọi với kinh tế thị trường hoặc DN tuyên bố phá sản sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp cùng ngành mạnh vốn mua lại để khai thác tiếp những tiềm năng mà doanh nghiệp cũ không có khả năng chạm tới, hoặc mạnh tay hơn là triệt tiêu tên tuổi để bắt đầu cho một thương hiệu mới.
Câu chuyện về công ty bảo hiểm nhân thọ của Bảo Minh CMG bị mua lại bởi công ty Bảo hiểm Nhân thọ Dai-ichi của Nhật Bản rất lâu trước đây cũng là một “bài học có rồi” mà doanh nghiệp Việt nên “lục hồ sơ” xem lại.
Thương hiệu Việt đang lo lắng
Một nguyên nhân khác khiến các nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt tràn vào thị trường khu vực Châu Á trong đó có Việt Nam chính là cuộc khủng hoảng kinh tế ở Mỹ cùng khu vực Châu Âu. Trong bối cảnh khủng hoảng leo thang và chưa có dấu hiệu phục hồi khiến các nhà đầu tư “chuyển hướng” sang các nước thuộc thế giới thứ 3 nhằm tìm kiếm lợi nhuận. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều doanh nghiệp ngoại chọn Việt Nam làm điểm đến?
Thứ nhất, Việt Nam so với nhiều nước khác trong khối Asean, rộng hơn là khu vực Châu Á có tiềm năng kinh tế cao, chưa được khai thác. Thứ hai, các doanh nghiệp trong nước nhìn chung còn non yếu, chưa có nhiều kinh nghiệm trong thị trường hội nhập. Sau một thời gian không quá ngắn tư sau gia nhập WTO, hiện cấu trúc hệ thống kinh doanh, các chính sách chiến lược phát triển công ty, định hướng tầm nhìn của doanh nghiệp Việt bắt đầu bước vào giai đoạn tiền khủng hoảng. Thứ ba, nền kinh tế Việt Nam đang khó khăn và bước vào giai đoạn tái cơ cấu để thoát khỏi khó khăn.
Thế nhưng, rất nhiều các doanh nghiệp trong số hơn 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, tập trung chủ yếu là các doanh nghiệp hàng tiêu dùng và các ngân hàng thương mại, đang có tỷ lệ nợ rất cao. Điều đó đồng nghĩa các doanh nghiệp cần tiền không chỉ để thanh toán nợ mà còn cho cả khâu tái cơ cấu đầu tư trong bối cảnh nguồn vốn khá cao so với các nước khu vực khác. Một khi lạm phát tăng nhanh, giá cả đắt đỏ sẽ là liều thuốc độc giết chết sự chịu đựng của các doanh nghiệp. Trong khi đó, những “đại gia” nước ngoài có tiền, có chiến lược và tầm nhìn phát triển dài hạng, có kinh nghiệm trong việc xử lý những khó khăn khủng hoảng…
Thế nên thay vì tiếp tục “cá cược” với thị trường đồng Euro đang tuột hạng liên tục thì việc họ hướng mục tiêu sang thị trường Việt Nam được xem là một giải pháp cứu cánh hiệu quả. Ước tính, chỉ cần 5 đến 10 triệu USD thì doanh nghiệp nước ngoài có thể đầu tư vào phân khúc thị trường doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thế nên, trong khi nền kinh tế Việt Nam lao dốc với khủng hoảng toàn diện: tiền tệ, tín dụng, bất động sản, chứng khoán… thì trái lại, thị trường mua bán, sát nhập giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước diễn ra sôi nổi. Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành tập đoàn VinaCapital, dự báo: hoạt động mua bán sát nhập doanh nghiệp (gọi tắt là M&A) tại Việt Nam năm 2012 có thể tăng trưởng từ 20% đến 40% so với năm 2011. Còn theo thống kê của công ty KPMG, đã có ít nhất 35 vụ mua bán sát nhập doanh nghiệp diễn ra trong 4 tháng đầu năm 2012.
Song song đó, nhờ vào nguồn lực lao động trẻ và chính sách nhà nước trong việc thu hút đầu tư vốn nước ngoài như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, các nghị định hướng dẫn đầu tư… đang đà thuận lợi và hoàn chỉnh nhất là về lĩnh vực M&A, Việt Nam là nơi lý tưởng hơn cả Malaysia, Indonesia để doanh nghiệp nước ngoài triển khai hoạt động M&A. Cộng với ưu điểm “huy động vốn” hiệu quả, M&A trở nên sôi động và tỏ ra thịnh vượng bất chấp những khó khăn khác của nền kinh tế.
Nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ cho việc mua lại và sát nhập công ty, bởi đó là cứu cánh cho doanh nghiệp thời khủng hoảng mà trước hết là giải quyết 3 vấn đề lớn: vốn, công nghệ và kinh nghiệm quản lý khủng hoảng. Tuy nhiên, đằng sau đó là những hạn chế mà xét về lâu dài, Việt Nam nhất thiết không được bỏ qua.
Đầu tiên, như lo ngại của Phó Tổng giám đốc Sở giao dịch chứng khoán TP. HCM, Lê Hải Trà: “Thực tế thời gian qua có những thương vụ mua bán sáp nhập khá đình đám nhưng hiệu quả như thế nào chưa ai biết được. Tất cả dường như còn quá mới mẻ và phải chờ xem hiệu quả ra sao”, điều này đặt ra sự so sánh giữa “làm” và “hiệu quả”. Chưa có những phân xét, mổ xẻ cụ thể lợi hại phía sau những vụ mua bán doanh nghiệp để từ đó định hướng phát triển chung cho nền kinh tế.
Thứ hai, với cổ phần đa số hoặc tuyệt đối, các doanh nghiệp nước ngoài tỏ ra lấn lướt và ảnh hưởng mạnh đến các công ty nội địa, trong đó có cả những yếu tố mang tính văn hóa công ty. Trong dài hạn, các doanh nghiệp liên doanh nước ngoài khó có thể tạo nên bản sắc riêng cho doanh nghiệp, trái lại phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp ngoại.
Thứ ba, chính vì những quy định pháp lý về mua bán doanh nghiệp đang trong quá trình hoàn thiện, vẫn còn nhiều khe hở, nên những hoạt động mua bán không minh bạch cùng tâm lý “cả tin” của nhiều doanh nhân Việt sẽ khiến nhiều DN Việt mất trắng.