Điều tra nghi vấn 3 nhà mạng bắt tay tăng giá cước
Đại diện cục Quản lý cạnh tranh cho biết, đơn vị này đã yêu cầu các nhà mạng cung cấp thông tin về việc tăng giá cước 3G lần này, nếu phát hiện vi phạm có thể thu hồi 10% tổng doanh thu.
Trong buổi giao lưu trực tuyến "Vì sao tăng cước 3G" vừa diễn ra tại văn phòng Bộ thông tin và truyền thông, hàng loạt câu hỏi đã được nêu ra với đại diện các nhà mạng cũng như Cục Viễn thông và Cục Quản lý cạnh tranh. Trọng tâm mà người dân đặt nghi vấn xoay xung quanh việc có hay không chuyện nhà mạng bắt tay nhau cùng đưa ra một mặt bằng giá mới trong cùng thời điểm, và mức tăng giá này vượt chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trả lời câu hỏi này, đại diện Cục phó Viễn thông - ông Nguyễn Đức Trung cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý, cục đã thực hiện đúng vai trò của mình. Khi các nhà mạng đưa ra đề nghị tăng giá cước, phía cục đã yêu cầu nhà mạng giải trình. Xét giải trình của nhà mạng là đúng với thực tiễn, cục đã ký văn bản chấp nhận đề nghi tăng giá cước này.
"Bộ thông tin và truyền thông không ấn định mức tăng giá và thời gian áp dụng. Tuy nhiên, do phía bộ ký văn bản chấp nhận yêu cầu của các doanh nghiệp trong cùng một thời gian (ngày 4/10), nên việc áp dụng trùng vào một thời điểm có thể xuất phát từ nguyên nhân này", ông Trung cho hay.
Tiêu chuẩn chất lượng 3G hiện vẫn chưa được Bộ Thông tin Truyền thông xây dựng hoàn chỉnh mà dựa trên những cam kết của nhà mạng về vùng phủ sóng, số lượng trạm BTS...
Về mức tăng cước, vị này cho biết, 20% là mức tăng trung bình trong đợt này, con số này không có ý nghĩa lắm, là ngưỡng đặt ra để quản lý. Việc tăng giá cước trong thời gian tới sẽ tiếp tục theo lộ trình, tiệm cận và tiến tới không dưới giá thành, theo xu hướng bỏ các gói cước không giới hạn. Đây cũng là lý do cả 3 nhà mạng có thị phần khống chế (97%) phải tăng giá, để tạo điều kiện cho các nhà mạng nhỏ được nhảy vào thị trường và giúp nâng cao chất lượng dịch vụ 3G.
Theo giải trình của các doanh nghiệp viễn thông, hiện dịch vụ 3G vẫn chưa có lãi, chưa thể tái đầu tư. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài có thể dẫn đến việc sụp đổ thị trường, không còn dịch vụ để người dân sử dụng, giống như bài học về dịch vụ điện thoại thẻ trước đây. Vì vậy, cần phải xem xét việc tăng giá cước lần này là mang lại lợi ích lâu dài cho người tiêu dùng, và việc tăng cũng có lộ trình. Thực tế, không phải gói cước nào cũng tăng và tỷ lệ tăng cũng rất khác nhau. Các nhà mạng hầu hết mới chỉ tăng giá trong gói, còn cước ngoài gói vẫn giữ nguyên, nếu tính bình quân giá, mức tăng của Viettel chỉ là 16%, của VinaPhone và MobiFone cũng thấp hơn 20%.
Ngoài ra, đại diện của cả MobiFone, VinaPhone và Viettel cùng cho biết, không phải do áp lực từ phía dịch vụ OTT mà các doanh nghiệp này tăng giá cước. "Với OTT, chúng tôi đang tìm một phương án phối hợp phát triển riêng, nhưng đây không phải là lý do để tăng giá cước 3G lần này".
Giải thích về mặt bằng giá 70.000 đồng khá trùng hợp, ông Nguyễn Đức Trung nhận định, đây là mức phí chi trả dịch vụ cơ bản của thị trường tại thời điểm này. "Mức giá này cũng không khác gì gói cước trả sau như dịch vụ di động. Hiện các nhà mạng đều đồng loạt có gói cước thuê bao giá 50.000 đồng/tháng, và gói cước 3G có mức giá 70.000 đồng/tháng cũng tương tự như vậy".
Đại diện cả 3 nhà mạng cũng khẳng định, việc quy định giá cước 70.000 đồng đều căn cứ vào thống kê, nghiên cứu thị trường và khả năng chi trả của khách hàng. Ngoài gói 70.000 đồng này, các nhà mạng cũng thiết kế các gói cước khác nhau cho khách hàng, từ 10.000 đồng đến trên 70.000 đồng, để phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng thuê bao.
Riêng về vấn đề bắt tay nhau để cùng tăng giá cước, phía Cục viễn thông cho biết, họ chỉ làm việc trên đề nghị của các nhà mạng, không thể chắc được các nhà mạng có liên kết vi phạm Luật Cạnh tranh hay không. Ông Trần Anh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh, Bộ Công thương khẳng định, đơn vị này đang yêu cầu các nhà mạng cung cấp thông tin, nếu phát hiện có vi phạm sẽ xử phạt. Mức phạt tối đa có thể lên tới 10% doanh thu của nhà mạng năm trước đó.