Điều tra 7.800 DN có hành vi chuyển giá
Theo kế hoạch, trong tháng 10 tới, các quy định về Cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá thị trường (APA) - một giải pháp hiệu quả trong chống chuyển giá, sẽ được ban hành.
Kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, APA đang là giải pháp hiệu quả nhất trong hoạt động chống chuyển giá. Tuy nhiên, theo báo cáo “Kết quả khảo sát năm 2012 về công tác quản lý chuyển giá của các cơ quan thuế trên phạm vi toàn cầu” của Ersnt & Young, nếu như hầu hết các nước đều đã xây dựng quy định về APA, thì ở Việt Nam vẫn chưa. Chính vì thế mà chuyển giá hiện vẫn là câu chuyện “đau đầu” đối với các cơ quan quản lý Việt Nam.
Vấn nạn chuyển giá
Theo Bộ Tài chính, những năm qua, một lượng lớn DN đã tìm cách để gian lận, trốn thuế. Một trong những cách phổ biến là DN tìm cách chuyển giá. Chỉ riêng năm 2011, sau khi thanh tra, kiểm tra lại ở hơn 900 DN báo lỗ và DN có dấu hiệu chuyển giá, Tổng cục Thuế đã xử lý giảm lỗ hơn 4.400 tỷ đồng, truy thu thuế và phạt hơn 1.650 tỷ đồng (tăng hơn 4 lần so với năm 2010).
Đối với các thông tin giao dịch liên kết, ngành thuế cũng đã thống kê được 3.144 DN có giao dịch liên kết phải kê khai, nhưng chỉ có 2.070 DN (65,8%) thực hiện nghĩa vụ này. Vẫn còn 34,2% DN chưa tuân thủ quy định về kê khai các giao dịch liên kết.
Thực tế, DN dùng rất nhiều chiêu thức để chuyển giá. Đó có thể là chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình (như máy móc, thiết bị, công nghệ) hoặc vô hình (định giá thương hiệu) giữa các bên liên kết; hay chuyển giá thông qua các chuyển giao dịch vụ, chi phí giữa các bên liên kết. Ngoài ra, một trong những hình thức được các DN sử dụng phổ biến là xác định giá chuyển nhượng hàng hóa, nguyên vật liệu sai lệch và không hợp lý.
Theo các cơ quan quản lý, hiện nay hành vi chuyển giá không chỉ xảy ra ở những DN có vốn nước ngoài, mà còn diễn ra ở DN tư nhân nội địa có nhiều mối liên kết hay trong khối DNNN. Việc chuyển giá không chỉ đơn thuần là điều chuyển lợi nhuận từ nơi có thuế suất cao sang nơi có thuế suất thấp để tránh thuế, mà còn bao gồm cả chiều ngược lại. Đặc biệt, chuyển giá được dùng như một thủ thuật để thôn tính đối tác trong liên doanh.
Ngoài gây thất thu ngân sách, vấn nạn chuyển giá còn gây nên những cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, cũng như tạo ra những bất ổn xã hội do các DN này thường lấy lý do thua lỗ để né tránh giải quyết quyền lợi cho người lao động.
Tổng cục Thuế đã đề xuất đưa cơ chế APA vào Luật Quản lý thuế.
Động thái mới trong chống chuyển giá
Từ kết quả nghiên cứu mới nhất, ông Nitin Jain, Trưởng bộ phận Xác định giá thị trường, Phó tổng giám đốc Công ty Ernst & Young Việt Nam cho biết, cơ quan thuế ở Việt Nam đã có những bước đi mạnh mẽ trong việc quản lý và chống chuyển giá.
Ở cấp Trung ương, Tổng cục Thuế đã thành lập Tổ quản lý chuyên trách gồm 10 người để thực hiện thanh tra, xử lý các DN có dấu hiệu chuyển giá, đồng thời áp dụng các biện pháp đa dạng chống chuyển giá. Ở cấp địa phương như tại TP. HCM, một tổ quản lý về chuyển giá cũng được lập ra với 12 thành viên.
So với các nước như Trung Quốc thì số nhân sự trong Tổ quản lý chuyên trách chuyển giá của Việt Nam chỉ bằng 1/10. Tuy nhiên, cơ quan thuế xác định, khi cần thiết, nhân sự cho quản lý chống chuyển giá sẽ được huy động thêm từ các cán bộ phòng, ban khác. Về lâu dài, khi có những quy định riêng cho quản lý chuyển giá, số lượng cán bộ chuyên trách chuyển giá sẽ tăng lên. Năng lực của các cán bộ này sẽ được nâng lên thông qua các khóa đào tạo do Ủy ban châu Âu tổ chức.
Đầu tư và xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ cũng là một trong những giải pháp được ưu tiên trong chống chuyển giá. Bởi từ dữ liệu này, việc quản lý sẽ bao quát, thuận lợi hơn.
Giải pháp được tập trung nhất là hoàn thiện khung pháp lý cho quản lý và chống chuyển giá. Dự kiến, trong tháng 10/2012, quy định về APA sẽ được ban hành. APA cho phép DN và cơ quan thuế được thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá thị trường. Trên cơ sở giá do DN đưa ra trước khi nộp thuế, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các DN, cơ quan có thẩm quyền ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần và đưa ra phương pháp tính giá hợp lý.
Đáng chú ý, Tổng cục Thuế đã chính thức đề xuất đưa cơ chế APA vào Luật Quản lý thuế. Nếu không có gì thay đổi thì cơ chế này sẽ được áp dụng vào đầu năm 2014.
Tổng cục Thuế xác định, khối lượng công việc liên quan đến chống chuyển giá sẽ chiếm 20% tổng công việc của cơ quan thuế. Riêng mục tiêu trong năm 2012 của Tổng cục Thuế là tập trung thanh tra, kiểm tra việc chuyển giá ở khoảng 7.800 DN thuộc nhiều lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, bất động sản, điện lực, dầu khí, khoáng sản, DN FDI, DN kinh doanh lỗ, DN có số nợ thuế lớn… Tính ra, số DN bị cơ quan thuế “hỏi thăm” trong năm nay dự kiến tăng hơn 8 lần năm 2011.