Điêu đứng vì hải sản... “đóng băng”

Hàng ngàn tấn hải sản tồn đọng trong kho đông lạnh vì không tiêu thụ được khiến nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Sau thảm họa cá chết hồi tháng 4-2016, Chính phủ và 4 tỉnh bị thiệt hại (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế) đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tiêu thụ cá cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Trong đó có phương án kêu gọi các doanh nghiệp (DN) thu mua cá giúp ngư dân. Tuy nhiên, đã 4 tháng trôi qua, cá DN thu mua chỉ bán ra thị trường ít ỏi, trong khi lượng tồn đọng ở các kho chứa rất lớn, không biết phải xử lý thế nào.

Hàng nằm kho quá lớn

Gặp phóng viên tại cảng Sông Gianh (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) vào sáng 27-8, ông Nguyễn Văn Chung, Phó Giám đốc Công ty TNHH TMDV Chung Thảo, than thở: “Sau thảm họa cá chết, tỉnh kêu gọi chúng tôi thu mua cá giúp ngư dân với nhiều ưu đãi. Chúng tôi phải vay vốn để thu mua toàn bộ cá của bà con. Đến giờ, các kho đông lạnh đã chất đầy cá mà không thể bán được vì dân không dám ăn”.

Hiện kho của Công ty Chung Thảo đang chứa khoảng 300 tấn cá, chủ yếu là các loại bạc má, nục, man, ngừ… được công ty thu mua giúp ngư dân địa phương và các vùng lân cận mỗi khi tàu thuyền cập cảng Gianh từ tháng 4 đến nay. “Kho chứa không đủ, công ty phải chuyển gần 100 tấn cá ra kho lạnh của một DN khác ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) để gửi thuê với giá rất cao. Tiền thì vay ngân hàng, chưa kể chi phí nhân công và đủ loại thuế, phí. Cứ đà này kéo dài thì DN vỡ nợ” - ông Chung buồn rầu.

Điêu đứng vì hải sản... “đóng băng” - 1

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh hải sản ở 4 tỉnh miền Trung đứng trước nguy cơ vỡ nợ Ảnh: Minh Tuấn

Bà Lê Thị Thuộc, chủ kho đông lạnh Dũng Thuộc ở thị trấn Cửa Tùng (Quảng Trị), cho biết kho đông lạnh của bà đang tồn đọng 90 tấn cá các loại như nục, lẹp, ngừ…, trong đó có 21 tấn cá nục bị phát hiện nhiễm phenol, đang đợi tiêu hủy. “Địa phương nói sẽ hỗ trợ 70% sau khi hủy lô cá bị nhiễm phenol nhưng đến nay, tôi vẫn chưa nhận được thông tin khi nào hủy và lúc nào mới nhận được tiền hỗ trợ. Trong khi tôi phải vay mượn hàng chục triệu đồng để duy trì kho đông lạnh mỗi ngày. Hàng của tôi xuất đi đều bị trả lại vì tâm lý khách hàng vẫn chưa tin tưởng. Tôi mong cơ quan chức năng sớm có thông tin và xử lý kịp thời, chứ cứ giữ khư khư lô cá này thì không kinh doanh gì được” - bà Thuộc bức xúc.

Theo bà Trương Thị Mười - Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Hiếu, kho đông lạnh ở cảng cá Nhật Lệ (Quảng Bình) của công ty cũng tồn 640 tấn cá, trị giá khoảng 30 tỉ đồng. Sau thảm họa cá chết, công ty vay tới 18 tỉ đồng để thu mua cá hỗ trợ ngư dân nhưng lượng cá bán ra không đáng là bao nên công ty thực sự điêu đứng. “Để bảo quản số cá này, ngoài 300 triệu đồng trả cho chủ các kho lạnh, mỗi tháng chúng tôi phải bỏ ra gần 500 triệu đồng tiền lãi ngân hàng, nhân công… Vì vậy, sẽ không trụ nổi nếu nhà nước không sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn giúp chúng tôi” - bà Mười nói.

Lúng túng hướng xử lý

Tại hội nghị báo cáo tiến độ kê khai, thống kê thiệt hại do sự cố môi trường và bàn giải pháp chỉ đạo sản xuất thủy sản 4 tỉnh miền Trung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) chủ trì diễn ra ở Thừa Thiên - Huế ngày 27-8, đại diện các địa phương bị thiệt hại cho biết họ đang rất lúng túng trong xử lý số lượng hải sản được thu mua từ thời điểm xảy ra hiện tượng cá chết cho đến nay đang tồn trong các kho đông lạnh vì không rõ có an toàn hay không.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết địa phương này còn khoảng 300 tấn cá đông lạnh chưa có phương án xử lý. “Cần phải tiến hành kiểm nghiệm hết số lượng này, nếu lô hàng nào đạt an toàn thì cho phép lưu hành, còn không thì tiêu hủy và hỗ trợ như quy định” - ông Đồng nói.

Đại diện Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho rằng số cá tồn đọng phải được điều tra kỹ về thời điểm mua, vùng biển đánh bắt để có sự phân loại. “Nếu mua thời điểm từ tháng 6 trở về trước thì nên tiêu hủy để bảo đảm an toàn. Còn số cá mua sau này cần phải kiểm nghiệm rõ ràng để có phương án xử lý” - vị này đề xuất.

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, đến thời điểm này, tại 4 tỉnh miền Trung còn khoảng 3.900 tấn cá đông lạnh cần được kiểm nghiệm để có phương án xử lý. “Đây là số lượng lớn, việc lấy mẫu giám sát an toàn và công bố thuộc trách nhiệm Bộ Y tế” - ông Tám nêu rõ.

Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế đề nghị các địa phương phải có báo cáo thống kê chính xác về số liệu, số kho đông lạnh, lượng cá đang tồn đọng và phải phân loại số lô cá theo từng thời điểm mua, xuất xứ.

Trong lúc chờ lãnh đạo các tỉnh tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng”, nhiều DN đã tự cứu mình bằng cách “bắt mối” với các thị trường nước ngoài, chủ yếu là các công ty thủy sản của Hàn Quốc, bằng cách chế biến chả cá để xuất khẩu nhưng giá cả không cao, có khi lỗ vốn. Tuy nhiên, đó là cách duy nhất để xử lý số cá tồn đọng.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị:

Nên khoanh, giãn nợ cho doanh nghiệp

Chính phủ yêu cầu ngày 10-9 phải có báo cáo thống kê đánh giá thiệt hại nhưng tỉnh Quảng Trị xin lùi lại đến ngày 15-9 để bảo đảm sự chính xác và chắc chắn. Bên cạnh đó, tôi đề xuất nên bổ sung hỗ trợ cho đối tượng tàu cá trên 90 CV dù vùng biển đánh bắt của những tàu này không ảnh hưởng nhưng do giá cá giảm mạnh (30%-50%) nên cuộc sống khó khăn.

Ngoài ra, Bộ NN-PTNT cũng cần điều chỉnh việc thống kê đối với các đối tượng như cơ sở thu mua, tạm trữ thủy sản, dịch vụ ven biển và các bạn hàng, người hành nghề dịch vụ nhỏ ven biển.

Đối với các DN, phương án hỗ trợ đưa ra là giảm 20% thuế GTGT nhưng tôi cho rằng nên khoanh, giãn nợ vì thời điểm này họ có kinh doanh được đâu mà giảm. Trong khi đó, thời gian vay vốn đóng tàu chỉ quy định đến hết năm 2017 là quá ngắn, phải áp dụng đến tháng 12-2018 thì có hiệu quả hơn.

Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HTQT Công ty Thủy sản Thương mại Thuận Phước (TP Đà Nẵng):

Ngành thủy sản Đà Nẵng cũng ảnh hưởng

Dù Đà Nẵng không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự cố cá chết nhưng thời gian qua, ngành thủy sản của TP bị thiệt hại nặng nề. Thông thường, ngư dân đánh bắt về thì phân chia hải sản thu được bán cho DN xuất khẩu và nội địa. Tuy nhiên, sau sự cố cá chết, lượng hải sản đánh bắt về không bán được cho thị trường nội địa. Vì thế, ngư dân bỏ đi biển, dẫn đến các công ty hải sản không có nguồn nguyên liệu nên mọi hoạt động bị đình trệ.

Bà Lê Thị Huỳnh, chủ cơ sở chế biến nước mắm Huỳnh Kế ở thị trấn Cửa Tùng (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị):

Thất thu quá lớn!

Chúng tôi mất 20 năm để xây dựng thương hiệu nước mắm Huỳnh Kế. Trước đây, sản phẩm của chúng tôi đi khắp các tỉnh miền Trung. Trung bình mỗi năm, cơ sở sản xuất khoảng trên 15.000 lít nước mắm, cung cấp nhiều thị trường ở khu vực và các tỉnh, thành khác. Sau thời điểm cá chết, nhiều người dân đồn đoán rằng DN chúng tôi sử dụng cá chết để làm nước mắm nên họ không mua nữa. Từ thời điểm tháng 5 đến nay, mỗi ngày chúng tôi chỉ bán ra thị trường khoảng 10-15 lít nước mắm. Thất thu quá lớn!

Q.Nhật - H.Lợi - B.Vân ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Lan (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN