Điện máy Made in Vietnam sản xuất tại Trung Quốc
Nhiều sản phẩm điện máy thương hiệu Việt được sản xuất ở nước ngoài, một số khác được sản xuất, lắp ráp trong nước, song tỉ lệ linh kiện nội địa rất nhỏ.
Khảo sát các siêu thị, trung tâm điện máy tại TP HCM, chúng tôi ghi nhận một số mặt hàng như tủ đông, tủ mát, nồi cơm điện, bếp từ, bếp hồng ngoại, lò nướng, máy hút mùi... ghi xuất xứ khá mù mờ: "Nơi sản xuất: Chính hãng", "Sản xuất từ thương hiệu"...
Chủ yếu là hàng Trung Quốc
Ngoài ra, không ít sản phẩm điện máy thương hiệu Việt Nam nhưng ghi nhãn nơi sản xuất ở Trung Quốc hoặc nước khác. Cá biệt, có sản phẩm để trống thông tin nơi sản xuất trên nhãn.
Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều doanh nghiệp (DN) sở hữu nhãn hàng điện máy, điện gia dụng nội địa thường tìm đến các công xưởng sản xuất ở Trung Quốc để chọn một số mặt hàng có tiêu chuẩn, giá cả phù hợp rồi đóng gói và gửi về nước tiêu thụ. Những sản phẩm này được sản xuất hàng loạt với giá rất rẻ.
Phần lớn sản phẩm điện máy thương hiệu Việt sử dụng nguồn linh kiện nhập khẩu
Một số DN điện máy chọn cách tự thiết kế, lên mẫu sẵn và gửi mẫu sang công xưởng tại Trung Quốc để đặt hàng sản xuất theo yêu cầu. Vài DN khác nhập linh kiện theo cụm từ Trung Quốc về lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh và gắn mác "Made in Vietnam".
Ông Bùi Minh Hòa, phụ trách kinh doanh tại một siêu thị điện máy ở TP HCM, cho biết sản phẩm điện máy thương hiệu Việt được sản xuất tại Trung Quốc hiện khá phổ biến. "Thay vì để trống thông tin về nơi sản xuất thì hãng điện máy ghi rõ nơi sản xuất tại Trung Quốc, điều này phần nào tránh gây hiểu nhầm rằng đây là sản phẩm nhãn hiệu Việt được sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, cần làm rõ quy định cụ thể về thông tin trên nhãn sản phẩm để ngăn ngừa tình trạng DN ghi nhãn mập mờ, gây hiểu nhầm, đánh lừa người tiêu dùng" - ông Hòa đề xuất.
Theo ông Hòa, nhiều hãng điện tử như Toshiba, Panasonic, LG, Samsung, Media... đã đầu tư xây dựng nhà máy tại Việt Nam. Tuy nhiên, nguồn linh kiện trong nước không đủ cung ứng nên phần lớn các hãng này phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Không ít sản phẩm của các hãng này không đạt tiêu chí xuất xứ Việt Nam mà chỉ được ghi nhãn "lắp ráp tại Việt Nam".
Linh kiện nội khó cạnh tranh
Ông Phùng Đình Luật, Giám đốc Kỹ thuật Công ty TNHH Điện tử Sharp Việt Nam, cho rằng việc sản xuất sản phẩm điện tử, điện lạnh hiện nay khá dễ dàng. DN chỉ cần nhập các cụm linh kiện về lắp ráp, in ấn bao bì, đăng ký chất lượng là có thể bán ra thị trường.
Theo ông Vũ Dương Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Viettronics Tân Bình, giá thành sản xuất linh kiện của các nhà máy trong nước còn cao. Vì vậy, DN không đặt hàng nhiều mà chủ yếu nhập linh kiện giá rẻ từ các nước có quy mô sản xuất lớn.
Số liệu của Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho thấy đến năm 2021, nước ta chỉ có hơn 300 DN công nghiệp hỗ trợ thuần Việt là nhà cung cấp linh kiện cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam như Samsung, Canon, Sony... 300 nhà cung cấp này có tổng doanh thu trung bình chỉ khoảng 300 triệu USD/năm.
Theo VASI, ngành công nghiệp điện tử trong nước nhập khẩu đến gần 90% linh kiện. Trong đó, linh kiện cơ bản nhập khẩu tới 97%, linh kiện chuyên dụng 92%, linh kiện cơ khí 82%, linh kiện cao su 87%.
Nhiều chuyên gia nhận định việc liên kết giữa DN Việt Nam với các công ty đa quốc gia được cho là khả thi để DN nội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Cơ quan quản lý nhà nước đã không ngừng xúc tiến các hoạt động liên kết song tỉ lệ thành công rất thấp bởi nhà cung cấp Việt không đủ năng lực để đáp ứng đòi hỏi về chất lượng, giá, thời gian giao hàng...
"Giá thành linh kiện của DN Việt luôn cao hơn các nhà cung ứng quốc tế khoảng 20% nên không cạnh tranh được với nhà cung cấp hiện có trong chuỗi của các tập đoàn. Các tập đoàn đa quốc gia không có kế hoạch nội địa hóa rõ ràng nên DN Việt càng khó chen chân vào chuỗi. Trong khi đó, DN điện máy nội địa với nhu cầu đưa ra thị trường những sản phẩm giá cả phải chăng lại càng không lựa chọn linh kiện đắt tiền trong nước mà tìm đến các đầu mối nhập khẩu giá rẻ, nhất là công xưởng Trung Quốc" - một chuyên gia phân tích.
Hỗ trợ nhà cung ứng linh kiện
Theo VASI, để DN trong nước có thể tham gia chuỗi cung ứng, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ, các hiệp hội ngành nghề, tổ chức hỗ trợ, công ty tư vấn. Trong đó, DN cần nhất là được hỗ trợ giảm chi phí, tiếp cận tín dụng, giảm lãi vay ngân hàng. Tiếp đến, họ có nhu cầu hỗ trợ về mặt quản trị, mặt bằng sản xuất, người lao động...
Nguồn: [Link nguồn]
Có trọng lượng khủng lại được xếp vào dạng “hiếm” nên để thưởng thức loại cua biển khổng lồ này, người mua phải “xếp hàng” chờ cả tháng.