“Điện là mặt hàng kỳ lạ, chỉ biết tăng giá và tăng giá”
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chiều nay (11/6), đã thẳng thắn nhận định như vậy.
ĐB Cương đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: “Điện là mặt hàng rất kỳ lạ, chỉ biết tăng giá, tăng giá, rồi tăng giá. Việc tăng giá đáng lẽ ra người dân được hưởng lợi, nhưng bao giờ lý thuyết này mới đúng, thưa Bộ trưởng?".
Bộ trưởng Hoàng khẳng định "điện và xăng dầu là hai loại hàng hóa hết sức đặc biệt và liên quan đến phần lớn đời sống người dân, doanh nghiệp”. Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng Hoàng, việc thực hiện về cơ chế giá vừa có theo cơ chế giá thị trường và có sự quản lý của nhà nước.
Theo giải trình của Bộ trưởng Hoàng, tháng 8.2013 điều chỉnh giá thì đến tháng 3.2015, Bộ mới điều chỉnh lại. Việc điều chỉnh giá điện là nằm trong chủ trương của Chính phủ đưa giá điện về theo đúng giá thị trường và dựa vào nhiều yếu tố tỷ giá, nguyên liệu hay kết cấu nguyên liệu thay đổi… Giải trình về việc tăng giá điện, Bộ trưởng cho biết: "Chính phủ cho phép nếu mức điều chỉnh dưới 10% thì giao cho bộ Công Thương phối hợp bộ Tài chính xem xét". Theo đó, ngành điện có 3 phương án tăng giá điện: 7,5%, 8,5% và 9,5 % và các cơ quan liên quan đã nghe ngành điện báo cáo.
Bộ trưởng Hoàng cũng khẳng định "chúng ta làm điều chỉnh tương đối tốt" sau khi đã thừa nhận "mỗi khi đứng trước lần điều chỉnh giá điện, chúng tôi hết sức băn khoăn. Việc tính toán đều phải rất cẩn trọng để đảm bảo điều chỉnh giá điện theo đúng lộ trình của thị trường đồng thời giảm ảnh hưởng tác động đến người dân”.
"Lần điều chỉnh vừa rồi rất đặc biệt là có ý kiến của cả 4 bộ cùng đồng tình. Việc điều chỉnh là cần thiết vì từ năm 2014 giá bán điện mới bắt đầu cao hơn giá thành, nhưng vẫn chưa theo kịp được giá thị trường. Nguyên nhân là do trước đây ngành điện được bảo hộ nên giá bán còn thấp. Nhưng từ năm 2016 trở đi, giá bán điện sẽ theo cơ chế thị trường", Bộ trưởng Hoàng nói.
Về cơ chế điều hành giá xăng dầu, Bộ trưởng Hoàng khẳng định mặc dù có nhiều ý kiến về việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83, nhưng giá xăng dầu đang đi đúng hướng. “Với cách điều hành này, giá xăng dầu sẽ điều chỉnh theo giá bình quân 15 ngày từ thị trường Singapore", Bộ trưởng Bộ Công Thương nói.
Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết bên cạnh cơ chế thị trường, Nhà nước cũng sử dụng công cụ thuế và Quỹ bình ổn để đảm bảo không tăng giá quá mạnh. “Tôi đồng tình ý kiến của đại biểu, sự biến động của hai mặt hàng này tác động đến đời sống doanh nghiệp, người dân”, Bộ trưởng Hoàng chia sẻ.