Điểm tên những vụ “Treo đầu dê bán thịt chó” đình đám
Hàng loạt các vụ vi phạm nghiêm trọng trong kinh doanh đã được phát hiện. Vì lợi nhuận, nhiều đơn vị đua nhau “buôn gian bán lận”, “treo đầu dê bán thịt chó” đánh mất niềm tin của người tiêu dùng.
Khaisilk hô biến khăn Tàu giá 30.000 thành khăn lụa 600.000
Một chiếc khăn lụa xuất xứ từ Trung Quốc có giá 25-30.000 bán sỉ. Về tới chuỗi cửa hàng KhaiSilk, qua bàn tay “ma thuật” đổi nhãn mác, giá được thổi lên cao gấp 20-30 lần, thấp từ 600.000 đồng, nhiều lên tới cả triệu đồng/chiếc. Và đại gia Hoàng Khải trở thành kẻ lừa đảo người tiêu dùng suốt 30 năm qua.
Bê bối Khaisilk biến 1 đại gia thành kẻ lừa đảo
Đến tận cuối năm 2017, một khách hàng phát hiện khăn Khaisilk có hai nhãn mác, một Việt Nam, một Trung Quốc thì vụ việc mới vỡ lở. Tất cả các cửa hàng của thương hiệu này tại Hà Nội và TP HCM đều phải đóng cửa, hàng hóa bị niêm phong và thu giữ. Các luật sư khẳng định, ông Hoàng Khải có thể phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ việc này.
99,3% sản phẩm của Mumuso là hàng Trung Quốc gắn mác Hàn Quốc
Kinh doanh 2.273 loại hàng hóa gắn mác Hàn Quốc nhưng trong đó có tới 2.257 (99,3%) loại được nhập khẩu từ Trung Quốc, đó là bê bối của thương hiệu Mumuso thời gian gần đây. Thương hiệu này có đến 300 cửa hàng ở Trung Quốc và có mặt trên 20 quốc gia khác như Thái Lan, Philippines, Việt Nam… Nhưng kỳ lạ là chính tại “quê hương” Hàn Quốc lại không hề thấy bóng dáng bất kỳ cửa hàng nào.
99,3% hàng hóa Trung Quốc đội lốt “made in Korea”
Không phải bây giờ Mumuso mới bị tố giác. Trước đó, tháng 3/2018 Mumuso đã bị UBND TP.HCM xử phạt trên 320 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa vi phạm. Còn với vi phạm gần đây, tổng tiền phạt UBND TP.HCM áp dụng đối với Mumuso là 322,5 triệu đồng. Ngoài ra toàn bộ hàng hóa nhập lậu gồm 38.384 sản phẩm bị tịch thu và tiêu hủy.
2000 sản phẩm dược phẩm “dởm” Trung Quốc gắn mác Đông Y Việt Nam
Khoảng 2.000 sản phẩm chăm sóc sức khỏe như sữa, tinh dầu gấc, trị mụn, trị sỏi thận… dán nhãn “Đông Y gia truyền dân tộc Dao” với giá trị lên tới 400 triệu đồng đã bị lực lượng chức năng thu giữ thời gian gần đây. Thương hiệu này do ông Phạm Văn Hiệp làm chủ tại ngõ 125 Nguyễn Đức Cảnh quận Hoàng Mai.
2000 sản phẩm trót lọt đến tay người dân, đồng nghĩa với việc hàng nghìn người bị ảnh hưởng đến sức khỏe, đe dọa đến tính mạng. Bởi theo ông Hiệp khai nhận, số hàng dược phẩm trên được nhậu lậu không rõ nguồn gốc từ nhiều cơ sở khác nhau, sau đó dán nhãn “Đông y gia truyền” để lấy niềm tin của người mua.
Sau khi kiểm tra, tất cả số hàng đã bị đội Quản lý thị trường tịch thu và tiêu hủy. Bên cạnh đó, mức phạt sẽ gấp đôi tổng giá trị hàng hóa cộng với việc không có giấy phép kinh doanh, ước tính trên 700 triệu đồng
Hàng nghìn Spa nhập mỹ phẩm dởm gắn mác hàng ngoại
Hàng nghìn lọ mỹ phẩm được sang chiết thủ công, mất vệ sinh và không rõ nguồn gốc. Đó là những gì ghi nhận được từ cơ sở sản xuất của công ty TNHH TMDV Hoàng Bảo An do ông Lê Vũ Hoàng làm Giám đốc. Lực lượng chức năng đã thu giữ: 1305 hộp mặt nạ ngủ; 30 gói Collagen; 360 lọ mặt nạ gel vàng Nano trắng da; 15 hộp bột sữa rửa mặt thảo dược. Với hành động lừa đảo tinh vi: đặt mua nguyên liệu, lọ thủy tinh có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng lại in tem, dán nhãn hàng ngoại, công ty này đã qua mặt các đại lý phân phối để xâm nhập vào hàng nghìn spa ở các tỉnh trên cả nước.
Toàn bộ lô mỹ phẩm sau đó đã bị tạm giữ và niêm phong. Theo ông Nguyễn Văn Sang, Đội QLTT số 9 đang chờ kết quả kiểm tra mức độ độc hại đối với người dùng để có hướng xử lý. Nếu các chất trên có chì và thủy ngân vượt mức cho phép thì hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển qua cơ quan công an và không dừng lại ở xử lý hành chính.
Lãi tiền triệu 1 đôi giày nhờ hô biến hàng Tàu thành hàng ngoại cao cấp
Cuối năm 2017, lực lượng chức năng phát hiện trên 25 xe của Công ty Hiếu Nghĩa có số lượng lớn các mặt hàng giày các loại giả mạo nhãn hiệu FILA, VANS, JEEP giả mạo xuất xứ “Made in Vietnam”... với tổng trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 8 tỷ đồng. Theo ông Vũ Quang Toàn, Đội trưởng đội 1, Cục Điều tra chống buôn lậu: “số hàng mà đối tượng buôn hàng giả buôn bán sẽ là siêu "lãi" bởi một chiếc giày hàng hiệu được khai giá nhập chỉ vài chục nghìn, nhưng nếu tiêu thụ trót lọt có thể bán được cả triệu đồng ở các cửa hàng trên phố. Mức lợi nhuận khủng đã khiến các đối tượng hàng giả tham lam và cực kỳ manh động khi bị kiểm tra, bắt giữ”.
Những vụ việc này không những tạo lên "làn sóng" phẫn nộ từ những người tiêu dùng, ảnh hưởng vật chất mà còn làm sụt giảm niềm tin người tiêu dùng vào thương hiệu Việt.