Dịch vụ Uber: Không đi xe vẫn bị trừ tiền

Sau một thời gian lùm xùm với các thông tin trái chiều, ứng dụng gọi taxi Uber lại tiếp tục là tâm điểm dư luận khi nhiều hành khách liên tục phản ánh về cách trừ tiền, khóa tài khoản vô tội vạ.

Trừ tiền cả khi không có xe

Anh Trịnh Tuấn Minh (Hàng Đậu, Hoàn Kiếm, Hà Nội) phản ánh, dùng Uber được một thời gian, anh bắt đầu nhận thấy tài khoản bỗng dưng bị trừ tiền không rõ lý do.

Dịch vụ Uber: Không đi xe vẫn bị trừ tiền - 1

Một tài xế uber.

Ngày 20/1, vào khoảng 5 giờ sáng, anh Minh dùng phần mềm Uber gọi xe, sau 5 phút không gọi được xe từ Uber, anh chuyển sang gọi hãng taxi khác. Tuy vậy, thẻ tín dụng của anh Minh vẫn bị trừ 5.000 đồng.

Tương tự, anh Mã Thành Lương (phố Hồ Giám, Đống Đa, Hà Nội) thông tin, sáng 10/1, anh gọi xe Uber để đi tới Nhổn. Tài xế tới nơi từ chối chở khách và nói: “Xe Uber chỉ đi trong 4 quận nội thành” tuy vậy anh Lương vẫn phải trả 30.000 đồng cho “phí mở cửa”.

Trong 1 tháng, Tiền Phong nhận được khá nhiều phản ánh của độc giả về cách trừ tiền của Uber, đa số đều bị trừ khoản tiền nhỏ: 5.000, 7.000 đồng. Cá biệt có trường hợp của anh Vũ Quốc Thanh (Thanh Xuân, Hà Nội) bị trừ 142.000 đồng, mặc dù không đi.

Mất tiền không biết hỏi ai

Là đơn vị dịch vụ nhưng Uber không có số điện thoại đường dây nóng để giải quyết thắc mắc cho khách hàng. Về trường hợp của khách hàng Vũ Quốc Thanh, anh đã phải email khiếu nại với Uber 3 lần. Sau hơn 1 tháng, anh Thanh mới được hoàn tiền.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng, để người tiêu dùng có được sự minh bạch, công bằng khi sử dụng dịch vụ Uber, trước tiên cần có sự vào cuộc sớm của các cơ quan quản lý nhà nước. Khi có chính sách quản lý hiệu quả, Hiệp hội mới đưa ra được các biện pháp cụ thể.

 Trong một cuộc họp gần đây, Bộ GTVT đề nghị Uber cung cấp danh sách các đối tác tại Việt Nam để đối chiếu xem có hợp lệ với các điều kiện kinh doanh vận tải hay không. Đại diện Uber đã từ chối và khẳng định chỉ ký hợp đồng với doanh nghiệp vận tải thương mại có giấy phép kinh doanh.

Trong văn bản góp ý về quản lý dịch vụ “taxi Uber”, gọi Uber là “dịch vụ taxi không biển hiệu”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết,  Cty Uber chỉ cung cấp giải pháp công nghệ, nên Uber phải tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh, thương mại và thương mại điện tử của Chính phủ.

Việc Uber áp dụng phương thức thanh toán qua thẻ mà không cần chữ ký xác nhận của chủ thẻ khi ghi nhận giao dịch thanh toán sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho người tiêu dùng. 

Mới đây, Bộ Công Thương đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần có quy định về những giao dịch thanh toán thẻ không cần xác nhận như trên; đồng thời có biện pháp quản lý, theo dõi luồng tiền trong trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ không hiện diện tại Việt Nam, nhưng vẫn thu tiền khách hàng qua thẻ thanh toán quốc tế.

Phóng viên Tiền Phong từng trải nghiệm dịch vụ taxi Uber, tuy nhiên, ngay sau đó tài khoản của phóng viên đã bị Uber khóa. Sau nhiều lần liên lạc qua email, Uber cho rằng, phóng viên đã “xâm phạm đời tư lái xe” do chụp ảnh trên xe mà không được phép và kiên quyết không mở lại tài khoản này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trần Hoàng (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN