Dịch vụ giao đồ ăn Việt Nam tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Thị trường giao đồ ăn Việt Nam tăng trưởng 26% năm qua, mức cao nhất Đông Nam Á, theo Momentum Works.

Báo cáo "Nền tảng giao đồ ăn tại Đông Nam Á" do tổ chức đầu tư mạo hiểm Momentum Works (Singapore) ước tính quy mô thị trường giao đồ ăn trực tuyến Việt Nam mở rộng từ 1,4 tỷ USD vào 2023 lên 1,8 tỷ USD năm ngoái.

Trong đó, Grab Food và ShopeeFood tạo thành thế song cực, chiếm lần lượt 48% và 47% thị phần. Còn lại beFood giữ 4% và GoFood của Gojek chiếm 1% trước khi rút khỏi Việt Nam vào tháng 9/2024.

Sự phát triển của thị trường giao đồ ăn có động lực từ cả 3 phía gồm người dùng, quán ăn - nhà hàng và nền tảng. Theo đó, người Việt ngày càng ưu chuộng đặt đồ ăn nấu sẵn qua ứng dụng vì tính tiện lợi, nhiều ưu đãi.

Khảo sát năm ngoái của công ty nghiên cứu thị trường Q&Me cho biết 30% người được hỏi gọi đồ ăn giao tận nơi cho bữa trưa, chỉ ít hơn lựa chọn mang cơm nhà (46%) nhưng cao hơn thói quen đi ăn ngoài (12%).

Tài xế xếp hàng chờ nhập đồ ăn đi giao tại một tiệm bánh mì ở quận 1, TP HCM ngày 15/2. Ảnh: Viễn Thông

Tài xế xếp hàng chờ nhập đồ ăn đi giao tại một tiệm bánh mì ở quận 1, TP HCM ngày 15/2. Ảnh: Viễn Thông

Dịp Tết vừa rồi, khảo sát của GrabFood cho biết có 19% người được hỏi chọn đặt giao đồ ăn về nhà cho bữa tiệc cuối năm. Sở thích ăn uống vặt cũng góp phần giúp các nền tảng gọi món bận rộn, với món ăn phổ biến nhất được chọn là trà sữa (77%) và món tráng miệng - đồ ngọt (37%), theo Q&Me.

Cùng với đó, quán ăn - nhà hàng cũng tích cực gia nhập các nền tảng để tìm kiếm khách. Tính đến tháng 11/2024, GrabFood cho hay số lượng đối tác đã tăng gấp 5 lần so với năm đầu tiên mở dịch vụ vào tháng 6/2018.

Bà Bùi Thị Dung, chủ quán Phở Chào, cho biết kênh online mang về lượng khách ổn định. "Bán online giảm bớt áp lực tại quán, giúp có thêm doanh thu dù mặt bằng nhỏ hẹp và nhất là cơ hội tiếp cận khách ở xa", bà cho biết.

Với các nền tảng, cuộc đua giữa chân người dùng buộc họ phải liên tục duy trì các chương trình ưu đãi giảm giá, nâng cấp tính tăng dịch vụ và cả tính giải trí. Sau khi Beamin rút khỏi Việt Nam từ cuối 2023 và Gojek rời đi năm ngoái, mặt trận giao đồ ăn gần như chỉ còn lại GrabFood và ShopeeFood.

Nếu như GrabFood phát triển thêm các tính năng như đặt món theo nhóm và duy trì tung mã giảm giá kết hợp với nhà hàng và các bên thanh toán thì ShopeeFood gần đây mang chiến lược mua sắm kết hợp giải trí (shoppertainment) giúp Shopee làm mưa làm gió trên thị trường thương mại điện tử sang mảng giao đồ ăn.

Tháng trước, ShopeeFood công bố thuê 5 nghệ sĩ từ chương trình âm nhạc "Anh trai vượt ngàn chông gai" là Jun Phạm, S.T Sơn Thạch, BB Trần, Kay Trần và Bùi Công Nam làm đại sứ. Tết vừa qua, họ tổ chức phiên livestream kéo dài 9 tiếng để tung các gói ưu đãi đặt đồ ăn.

Theo báo cáo "e-Conomy SEA 2024" của Google, Temasek, Bain & Company, tính chung quy mô thị trường gọi xe và gọi đồ ăn ở Việt Nam năm qua ước đạt 4 tỷ USD, tăng 12% so với 2023 và dự kiến sẽ mở rộng lên 9 tỷ USD vào 2030, cho thấy tiềm năng tăng trưởng còn cao.

Dù tăng trưởng nhanh nhất khu vực, thị trường giao đồ ăn Việt Nam vẫn nhỏ nhất khi xét về quy mô trong 6 nước Đông Nam Á được thống kê, cùng với Indonesia, Thái Lan, Philippines, Singapore và Malaysia. Quốc gia vạn đảo dẫn đầu với thị trường 5,4 tỷ USD, tăng trưởng về nhì ở mức 18%.

Theo Momentum Works, Việt Nam và Indonesia là hai động lực giúp thị trường giao đồ ăn tại Đông Nam Á phục hồi năm qua, với mức tăng trưởng 13% đạt tổng giá trị giao dịch (GMV) 19,3 tỷ USD.

Tăng trưởng chung của ngành F&B khu vực vào 2024 chậm lại còn 4,6%, nhưng tỷ lệ thâm nhập của dịch vụ giao đồ ăn tiếp tục tăng nhờ vào các phân khúc khách hàng mới và chiến lược đổi mới từ các nền tảng.

Jianggan Li, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành Momentum Works cho biết sau nhiều năm ưu tiên lợi nhuận, các nền tảng giao đồ ăn hàng đầu tại Đông Nam Á đã lấy lại động lực để thúc đẩy giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

"Với khả năng phân khúc khách hàng tốt hơn và hiệu suất vận hành được nâng cao, các nền tảng này hiện đang có vị thế thuận lợi để thực hiện các bước đi chiến lược táo bạo nhằm mở rộng bền vững", ông dự báo.

Grab, FoodPanda, ShopeeFood và Gojek là 4 nền tảng giao đồ ăn lớn nhất khu vực. Tuy nhiên, thị trường sắp tới có khả năng xáo trộn với sự gia nhập của TikTok. Nền tảng này đã bắt đầu thử nghiệm bán voucher (phiếu mua sắm) ẩm thực và các dịch vụ khác tại Indonesia và Thái Lan.

Dù vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng sự gia nhập của TikTok có thể làm thay đổi thị trường giao đồ ăn, đặc biệt nếu nền tảng này hợp tác với các dịch vụ giao hàng để thực hiện đơn hàng, Momentum Works lưu ý.

Lượng đơn hàng những ngày sát Tết tăng đột biến khiến thời gian giao nhận lâu hơn ngày thường, nhà bán hàng sốt ruột chờ shipper.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Viễn Thông ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN