Dịch tả lợn châu Phi: Xứ Nghệ "chuồng không, lợn trống", giá lợn giống giảm mạnh

Dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến khó lường, do đó, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang thực hiện phương châm "chuồng không, lợn trống", nói không với việc nhập lợn từ ngoài vào để hạn chế tối đa dịch bệnh.

Không tái đàn tại vùng dịch

Những ngày này, ông Nguyễn Văn Nhàn ở xã Nam Xuân (Nam Đàn) đang tập trung dọn vệ sinh khu vực chuồng trại nuôi lợn để đề phòng dịch bệnh. Thời điểm đầu tháng 3, khi dịch tả lợn chưa xuất hiện tại Nghệ An, ông đã xuất bán lứa lợn 7 con.

Dịch tả lợn châu Phi: Xứ Nghệ "chuồng không, lợn trống", giá lợn giống giảm mạnh - 1

Ông Nguyễn Văn Nhàn ở xã Nam Xuân (Nam Đàn) quét dọn chuồng trại không tái đàn trong thời điểm dịch. Ảnh: Quang An

Kể từ đó đến nay, chuồng chăn nuôi lợn của ông vẫn trống, chưa có lứa mới bổ sung. Ông Nhàn chia sẻ: "Theo dõi báo, đài thấy dịch tả lợn đang diễn biến phức tạp, dù tôi đã nuôi liên tục suốt 20 năm nay, nhưng thời điểm này tôi không nhập lợn về vì lo ngại lợn giống tiềm ẩn nhiễm dịch bệnh".

Đó cũng là tâm lý chung của bà con chăn nuôi trên địa bàn xã Nam Xuân - một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn của huyện Nam Đàn.

Còn tại địa bàn huyện Nghi Lộc, sau khi có dịch xảy ra ở xã Nghi Mỹ vào ngày 30/4, các hộ chăn nuôi đã thực hiện phương châm “cửa đóng, then cài”, kiên quyết không nhập lợn từ ngoài về, nhất là tại những địa phương gần với xã Nghi Mỹ.

Là địa phương có tổng đàn chăn nuôi lớn, lại nằm gần với xã Nghi Mỹ đã xảy ra dịch nên hiện chính quyền và người dân xã Nghi Văn (Nghi Lộc) đang nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng chống dịch lên hàng đầu.

Ông Nguyễn Văn Khánh - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Văn cho biết: Theo khảo sát, thời gian qua, nhiều hộ chăn nuôi trên địa bàn xã không nhập lợn giống về vì lo ngại dịch bệnh; nhiều hộ bỏ trống chuồng trại hoặc chuyển sang chăn nuôi những gia súc, gia cầm khác như gà, vịt, bò, dê... Điều này vừa hạn chế được dịch bệnh, vừa có thể duy trì thu nhập từ chăn nuôi.

Dịch tả lợn châu Phi: Xứ Nghệ "chuồng không, lợn trống", giá lợn giống giảm mạnh - 2

Người dân xã Nghi Văn (Nghi Lộc) chăm sóc lợn với phương châm cửa đóng then cài. Ảnh: Quang An

Do người dân đang hạn chế tái đàn nên giá lợn giống hiện đang giảm mạnh. Anh Cao Văn Hoàng - Chủ trang trại lợn với quy mô 1.200 con tại xóm 1, xã Nghi Văn (Nghi Lộc) cho biết: Thời điểm chưa xảy ra dịch, mỗi con lợn giống có trọng lượng 7 kg có giá từ 1,2 - 1,3 triệu đồng, nay chỉ dao động từ 900.000 -  1 triệu đồng vẫn khó bán.

Thận trọng tại nơi đã công bố hết dịch

Sau khi UBND huyện Quỳnh Lưu công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại 2 xã Quỳnh Mỹ và Quỳnh Hưng, công việc thu mua, giết mổ, sử dụng thịt lợn được trở lại bình thường tại địa phương này. Tuy nhiên, huyện cũng khuyến cáo các hộ có lợn bị dịch tả lợn châu Phi chưa vội tái đàn và tiếp tục các biện pháp phòng bệnh.

Dịch tả lợn châu Phi: Xứ Nghệ "chuồng không, lợn trống", giá lợn giống giảm mạnh - 3

Người chăn nuôi xã Quỳnh Hưng huyện Quỳnh Lưu xử lý vệ sinh chuồng trại chưa vội tái đàn dù đã hết dịch. Ảnh: Việt Hùng

Gia đình ông Hoàng Văn Lan ở xóm 7, xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu) là hộ đầu tiên ở Nghệ An xuất hiện dịch tả lợn châu Phi với tổng đàn lợn phải tiêu hủy là 22 con (trong đó 2 lợn nái và 20 con theo mẹ). Sau hơn 1 tháng công bố hết dịch, gia đình chưa vội tái đàn mà vẫn đang tập trung vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng hàng ngày.

Toàn huyện có khoảng 40.000 con lợn, bên cạnh việc cấm buôn bán, vận chuyển lợn ra vào vùng dịch thì việc khuyến cáo người dân không tái đàn dịp này cũng là biện pháp an toàn để dịch tả không lây lan sang các địa phương khác.

Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng Nông nghiệp &PTNT huyện Nghi Lộc

Ông Lan cho biết, dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và có thể xuất hiện lại bất cứ lúc nào. Mặc dù đã công bố hết dịch nhưng gia đình vẫn chưa tái đàn, cán bộ thú y xã, huyện khuyến cáo, hướng dẫn cách vệ sinh chuồng nuôi, rắc vôi bột và phun tiêu độc khử trùng. Dự kiến, gia đình sẽ chăn nuôi trở lại sau khoảng 2 tháng nữa.

Qua trao đổi, ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Đối với những địa phương đang xảy ra dịch tả lợn châu Phi, tỉnh không khuyến khích việc tái đàn bởi tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch, nhất là trong điều kiện thời tiết diễn biến thất thường.

Đối với những địa phương đã công bố hết dịch hoặc chưa từng có lợn dịch thì căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mà bà con có thể tái đàn, tuy nhiên phải kiểm tra rõ nguồn lợn, khi tái đàn cần tiêm phòng đầy đủ.

Mặc dù vậy, nếu tình trạng không tái đàn kéo dài thì khả năng sau khi hết dịch nguồn cung thịt lợn sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng, giá thành bị đẩy lên cao, người chăn nuôi và người tiêu dùng sẽ gặp khó khăn. Do đó, việc tái đàn phải được chính quyền các địa phương, cơ quan chức năng và người dân giám sát, tính toán hợp lý.

Trong đợt phòng chống dịch vừa qua, xã sử dụng hết 30 lít hóa chất và 4 tấn vôi bột để phun tiêu độc khử trùng tại các điểm ra vào xã và các hộ chăn nuôi. Mặc dù đã hết dịch nhưng địa phương tiếp tục mua thêm 1 tấn vôi bột, cấp phát cho các hộ chăn nuôi rải đều khắp chuồng trại. Đồng thời khuyến cáo hộ chăn nuôi có dịch chưa vội tái đàn mà tiếp tục các phương án phòng bệnh, sát khuẩn chuồng trại chờ 2 – 3 tháng sau mới được chăn nuôi trở lại.

Ông Phan Trung Thiên – Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng.

Nơi khỉ ho cò gáy, ăn nên làm ra nhờ loài lợn lông như chổi xể

Với ý tưởng cung cấp nguồn thịt lợn sạch cho khách hàng, lão nông Đặng Văn San, dân tộc Dao, thôn Tả Ngảo (xã Bản Qua,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang An-Việt Hùng ([Tên nguồn])
Biến động giá thịt lợn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN