Dịch covid-19 khiến CPI tăng cao nhất trong 7 năm

Những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã khiến số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.

“Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 2 tháng đầu năm 2020 tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; CPI tháng 2/2020 tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây”, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 02 năm 2020, Tổng cục thống kê cho biết.

Dịch Covid-19 đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao nhất trong 7 năm gần đây - Ảnh Tổng cục Thống kê

Dịch Covid-19 đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng cao nhất trong 7 năm gần đây - Ảnh Tổng cục Thống kê

Theo cơ quan này, những ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đã làm cho giá dịch vụ du lịch, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí giảm và giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng. Tuy nhiên, nhóm ăn uống, dịch vụ y tế, đồ dùng gia đình, các loại xà phòng, chất tẩy,… lại tăng mạnh.

Riêng trong tháng 2/2020, chỉ số giá tiêu dùng giảm 0,17% so với tháng trước. Trong đó có 6/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm gồm nhóm giao thông giảm nhiều nhất với 2,5%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,43% do nhu cầu đi lại, du lịch, lễ chùa đầu xuân giảm mạnh; nhóm đồ uống và thuốc lá giảm 0,28%; may mặc, mũ nón và giầy dép giảm 0,13%; nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,03% (giá gas giảm 4,27% do giá gas trong nước điều chỉnh giảm làm CPI chung giảm 0,05% và giá dầu hỏa giảm 6,83%); bưu chính viễn thông giảm 0,05%.

Các nhóm hàng hóa và dịch vụ khác có chỉ số giá tăng gồm: hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,26%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,13%, nhóm thuốc các loại tăng 0,18%; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%, các loại xà phòng và chất tẩy rửa tăng 0,11% và giá dịch vụ giúp việc gia đình tăng 0,16%; nhóm giáo dục tăng 0,04% và nhóm hàng hóa, dịch vụ khác tăng 0,17%.

Những tác động của dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến ngành vận tải trong tháng 2/2020. Theo đó, vận tải hành khách trong tháng ước tính đạt 400,1 triệu lượt hành khách vận chuyển, giảm 15,8% so với tháng trước và luân chuyển 19,8 tỷ lượt hành khách.km, giảm 14,4%. Vận tải hàng hóa tháng ước tính đạt 143,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 6,9% so với tháng trước và luân chuyển 27,3 tỷ tấn.km, giảm 6,8%.

Bên cạnh đó, dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến lĩnh vực du lịch làm khách quốc tế đến nước ta trong tháng 2/2020 giảm mạnh so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt khách đến từ một số nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc giảm sâu do lo ngại lây lan của dịch bệnh.

Lạm phát cơ bản tháng 2/2020 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 2 tháng đầu năm nay tăng 3,1% so với bình quân cùng kỳ năm 2019.

Tác động của dịch Covid-19 đã khiến giá vàng thế giới tăng mạnh. Theo Tổng cục thống kê, bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/2/2020 tăng 2,15% so với tháng 1/2020.

Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 2/2020 tăng 2,74% so với tháng trước; tăng 7,23% so với tháng 12/2019 và tăng 20,06% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, chỉ số giá đô la Mỹ tháng 2/2020 tăng 0,32% so với tháng trước; tăng 0,34% so với tháng 12/2019 và tăng 0,06% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 01/3: Tuần giao dịch sóng gió, vàng được dự báo đặc biệt tuần tới

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng tiếp tục giảm ở cả 2 chiều. Đây là mức giảm trong tuần mạnh nhất trong vòng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN