Đi xem doanh nghiệp Trung Quốc bán máy

Theo chân một doanh nghiệp sang Trung Quốc mua máy, mới thấy cách doanh nghiệp Việt Nam vì sao không bán được máy: không phải chỉ vì khả năng sản xuất, mà vì kỹ năng bán hàng.

Cũng một cặp máy sấy tương tự của Trung Quốc nhưng công suất kém hơn 50 tấn, một công ty ở Việt Nam chào giá 200.000 USD. Thật ra, công nghệ không có gì khác biệt, nói đúng hơn là doanh nghiệp Việt Nam copy công nghệ Trung Quốc. Các chính sách hậu mãi cũng không bằng nên công ty ông M quyết định mua máy Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng biết cách làm vừa lòng đối tác. Sau khi lấy được hợp đồng, họ tiếp đón nồng hậu, sẵn sàng có nhã ý “bao” khách hàng đi Bắc Kinh, Thượng Hải… du lịch.

Từ Hà Nội, đoàn mất 11 giờ đồng hồ đi xe đò mới tới được nhà máy của MinHong ở khu công nghiệp TP Beihai, nhưng sau đó chỉ mất đúng ba giờ đàm phán với đối tác là đã mua được cặp máy với giá 285.000 USD. Điều này cho thấy tính chuyên nghiệp trong đàm phán thương mại của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Ông M nói một vài công ty Việt Nam đã gửi bản chào giá tới, nhưng phải mất một tuần sau mới có bản thiết kế và mất thêm nhiều tháng mới làm ra máy. Còn MinHong, họ cam kết thời gian làm máy 50 ngày, vận chuyển và lắp đặt 30 ngày. Không biết đến bao giờ ngành cơ khí Việt Nam mới đáp ứng được yêu cầu này.

Đi xem doanh nghiệp Trung Quốc bán máy - 1

Ông Nguyễn V.M, giám đốc công ty thức ăn chăn nuôi có trụ sở ở Đồng Nai tìm đến MinHong với mục đích mua hai chiếc máy sấy. Sau khi xem xong TVC quảng cáo, chừng 2 phút, ông M cầm hai túi nilông, một túi đựng nguyên liệu, một túi đựng thành phẩm yêu cầu: “Công ty của ông có làm được máy sấy ra sản phẩm này không?” Như đã chờ sẵn, vị chủ tịch He Go Xinh choàng người qua bàn, với tay “chộp” lấy hai túi hàng.

Săm soi hồi lâu, vị này gật đầu: “OK, chúng tôi làm được!” “Tôi cần hai máy sấy, công suất 300 tấn/ngày đêm”, ông M đề nghị, đồng thời yêu cầu thêm: “Sản phẩm sau khi sấy phải đạt độ ẩm 5 – 6%. Để chắc ăn hơn, He Go Xinh đổ hai túi sản phẩm ra bàn, lấy hai tay vân vê phần nguyên liệu và thành phẩm. Hồi lâu, ông này nói: loại nguyên liệu này có kết dính tinh bột, muốn sấy khô cần phải sử dụng hơi nước nóng, điều chỉnh nhiệt độ từ từ vì nếu đốt nhanh quá sẽ bị cháy… Biết đối tác am hiểu quy trình sấy, ông M gật đầu lia lịa: “Đúng, đúng, tôi muốn các ông thiết kế máy làm sao điều chỉnh nhiệt độ, nạp liệu không nhanh quá để tránh sản phẩm bị cháy hoặc bị khô quá”.

Phần yêu cầu chi tiết máy xem như xong. Giờ đến phần thiết kế tổng quan. Ông M yêu cầu MinHong thiết kế hai máy độc lập để đảm bảo công suất 150 tấn/máy/ngày đêm. Với 14 năm kinh nghiệm làm cơ khí, He Go Xinh hiểu ngay ý ông M còn muốn tiết kiệm nhiên liệu và để cho dễ vận hành. “Ông yên tâm, tôi sẽ thiết kế cho ông hai máy độc lập. Sẽ có một gàu tải nguyên liệu chung cho hai máy và một máy làm mát chung cho tiết kiệm”. “Ok” – ông M đồng ý. Trong lúc He Go Xinh đàm phán, đứng cạnh ông có thêm hai người kỹ sư, tuổi chừng 30 ghi chép tỉ mỉ nội dung vào tờ giấy A4. Hồi sau, He Go Xinh quay sang nói với họ: thiết kế ngay theo sơ đồ này rồi in ra mang sang đây.

Quá nhanh, đơn giản và yêu cầu nào của ông M phía MinHong đều có thể đáp ứng được hết. Làm trong nghề thức ăn hơn 20 năm, ông M đã mua nhiều máy móc của Trung Quốc nên ông biết họ có thể làm được mọi thứ.

Chúng tôi như những thượng khách, được vị chủ tịch He Go Xinh đích thân “dắt” từng người tới vựa hải sản tươi sống chọn món. Một phòng VIP rộng mênh mông chờ sẵn. Trước khi ra xe đến nhà hàng, He Go Xinh còn không quên “kẹp nách” hai chai rượu ngoại. Và, giá của hai chiếc máy được chốt ở mức 285.000 USD ngay trên bàn nhậu…      

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Khoa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN