Đi lại Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024: Đường sắt đắt khách, hàng không đắt đỏ

Sự kiện: Tết Giáp Thìn 2024

Vé tàu của những chuyến chạy vào ngày cao điểm đã được bán hết. Giá vé máy bay neo ở mức cao. Trước nhu cầu đi lại tăng cao dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các hãng hàng không, công ty đường sắt khuyến cáo hành khách cẩn trọng trước các mánh khóe lừa đảo.

Nhiều đoàn tàu hết chỗ

Tính đến ngày 4/1/2024, ngành đường sắt đã bán được trên 152.000 vé tàu dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, giai đoạn trước Tết, từ ngày 2 đến 7/2/2024 (tức từ 23 - 28 tháng Chạp năm Quý Mão) hầu hết chỗ đã được khách đặt, số chỗ còn lại chủ yếu là ghế phụ.

Tương tự, giai đoạn sau Tết, từ ngày 15 - 17/2 (tức từ ngày mồng 6 - 8 tháng Giêng năm Giáp Thìn) vé cơ bản được bán hết, số chỗ còn lại chủ yếu ghế phụ. Do nhu cầu khách tăng cao, đặt vé sớm, đường sắt đã công bố chạy thêm tàu, tăng cường 3 lần và mở bán thêm vé cho khách đi lại dịp Tết. Các tàu tăng cường Tết tập trung vào ngày cao điểm, với các chặng Hà Nội - TPHCM, TPHCM - Quảng Ngãi, TPHCM - Quy Nhơn, Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Quảng Bình, Hà Nội - Đà Nẵng…

Giá vé máy bay dịp Tết Nguyên đán vẫn neo ở mức cao Ảnh: H.Việt

Giá vé máy bay dịp Tết Nguyên đán vẫn neo ở mức cao Ảnh: H.Việt

Về hàng không, theo tìm hiểu, Cục Hàng không đang làm việc với các hãng để điều phối giờ cất/hạ cánh (slot) tăng cường dịp cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới. Trên cơ sở điều phối slot của Cục Hàng không, các hãng sẽ sớm công bố và mở bán vé các chuyến tăng cường. Dự kiến, các chuyến bay tăng cường dịp cao điểm Tết sắp tới sẽ chủ yếu vào khung giờ bay ban đêm.

Hiện tại, giá vé máy bay dịp cao điểm Tết vẫn duy trì mức tương đối cao. Mức giá này gần như không đổi từ khi các hãng chính thức mở bán vé Tết. Ngày 5/1/2024, khảo sát trang bán vé trực tuyến của các hãng hàng không nội địa, cho thấy, chặng TPHCM đi Hà Nội các ngày từ 2-8/2/2024 (tức từ ngày 22-29 tháng Chạp), nhiều chuyến bay giờ thuận lợi đã hết vé phổ thông. Những chuyến bay trên chặng này còn vé phổ thông thì giá phải từ 3 triệu đồng/chiều trở lên đối với các hãng giá rẻ như Vietjet Air, Vietravel Airlines, Pacific Airlines. Nếu bay Bamboo Airways hoặc Vietnam Airlines khách sẽ phải bỏ thêm 500.000 - 1 triệu đồng/chiều (tùy giờ bay, tùy hãng).

Tương tự, chặng TPHCM đi Thanh Hóa/Vinh/Hải Phòng từ ngày 1-9/2/2024 (tức từ ngày 22-30 tháng Chạp), giá vé rẻ nhất là 3,5 triệu đồng/chiều; chặng TPHCM đi Đà Nẵng từ ngày 2-8/2 từ 2,5 triệu đồng/chiều trở lên…

Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) cho hay, dịp Tết Nguyên đán sắp tới (từ ngày 26/1 - 24/2/2024), dự kiến mỗi ngày sân bay có khoảng 860 - 900 chuyến bay, lượng khách trung bình khoảng 135.000 - 140.000 lượt/ngày.

Cẩn trọng bị lừa khi mua vé

Do nhu cầu đi lại của người dân dịp Tết Nguyên đán sắp tới tăng, trong khi giá vé máy bay duy trì mức cao, một số đối tượng đã lợi dụng tâm lý người dân muốn mua vé máy bay giá phải chăng để lừa đảo, chủ yếu qua mạng xã hội.

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa có văn bản yêu cầu các hãng hàng không, sân bay tăng cường bay đêm đảm bảo các giải pháp an toàn, giảm ùn tắc dịp cao điểm Tết Nguyên đán sắp tới. Cục yêu cầu các hãng hàng không chủ động xây dựng kế hoạch bay tăng cường đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách, đặc biệt những chuyến bay vào khung giờ đêm để giảm tải cho khung giờ ban ngày.

Mới đây, chị Nguyễn Thị Phương (TPHCM) đặt vé máy bay chặng TPHCM - Hà Nội qua Cty P.Anh (được giới thiệu là đại lý chính thức của Vietnam Airlines). Sau khi được gửi mã đặt chỗ, chị Phương chuyển tiền thanh toán. Tuy nhiên, khi tới sân bay làm thủ tục lên máy bay (check-in), chị Phương mới biết mã mình nhận được chỉ là mã đặt chỗ, đại lý chưa chuyển tiền xuất vé.

Một trường hợp khác, anh Phạm Minh Nhật (Bình Phước) cho biết, mới đây anh đặt vé 1 đi từ TPHCM tới Đài Loan (Trung Quốc) qua Cty Du lịch H.Gia. Anh đã chuyển tiền vé sau khi nhận được mã đặt chỗ. Tuy nhiên, khi anh Nhật ra sân bay làm thủ tục lại không có vé, chuyến đi phải lùi lại. Khi anh Nhật khiếu nại với nhân viên hãng mới biết Cty H.Gia chỉ đặt chỗ, không thanh toán xuất vé nên hệ thống tự động hủy đặt chỗ.

Bà T.T.T (Hà Nội) mới đây đã gửi đơn tố cáo tới các cơ quan chức năng về việc bị một công ty du lịch có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền mua vé máy bay. Bà T mua vé Vietnam Airlines cho 1 đoàn khách từ Hà Nội đi Úc du lịch; tổng tiền vé đã thanh toán hơn 146 triệu đồng. Gần ngày bay, bà T. liên hệ với hãng để xác nhận lại việc đặt chỗ mới biết vé đã được công ty trên làm thủ tục hoàn tiền, hủy vé. Do sát ngày bay không có vé máy bay nên chuyến đi du lịch phải hủy. Bà T đã liên hệ nhiều nơi tìm cách đòi lại tiền nhưng chưa được giải quyết.

Ngoài các trường hợp như trên, thời gian qua còn tình trạng lợi dụng dịp cao điểm, giá vé máy bay cao, một số cá nhân, tổ chức tự nhận là đại lý bán vé của các hãng hàng không, quảng cáo có vé máy bay giá rẻ hơn mua trên cổng bán vé của hãng. Khi khách chuyển tiền đặt vé, lập tức các đối tượng chặn liên lạc.

Đại diện Vietnam Airlines khẳng định, trường hợp trên đều mua vé qua các bên không phải đại lý chính thức của hãng. Hãng đã nhận được không ít phản ánh của hành khách liên quan tới những trường hợp như vậy, đặc biệt vào dịp cao điểm như lễ, Tết, hè.

Đại diện các hãng hàng không, công ty đường sắt khuyến cáo, khách có nhu cầu đặt vé máy bay, mua vé tàu cần tìm đến đại lý bán vé chính thức, hoặc đặt mua trên trang bán vé, ứng dụng di động của hãng. Khi chuyển tiền cần lấy hóa đơn. Trước ngày bay cần kiểm tra lại thông tin về chuyến bay, số vé của mình.

Bỏ nghề cầm lái, người đàn ông ở Vĩnh Long “trúng đậm“ với đam mê mới

Với 6 trại nuôi chồn, dúi, don, mỗi năm ông Bùi Công Mạnh thu về hàng tỉ đồng từ việc bán con giống và bán thương phẩm cho nhà hàng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LÊ HỮU VIỆT ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN