Đi lại dịp 30/4 - 1/5: Sân bay đã kín lịch, khó tăng chuyến
Dịp nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 năm nay trùng với nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương, nên người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục (từ ngày 29/4 tới hết 3/5). Với lịch nghỉ dài, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, tuy nhiên, tới nay, duy nhất Vietnam Airlines công bố sẽ tăng chuyến cho dịp 30/4 - 1/5 và hè sắp tới.
Hết dịch COVID-19, vé máy bay giá cao lại trở thành cản trở chính cho việc đi lại, nghỉ ngơi của người dân. Ảnh minh họa: Phạm Thanh
Đến nay, Vietnam Airlines cũng chưa công bố cụ thể sẽ tăng ra sao, số lượng chuyến bay cho dịp nghỉ lễ tới là bao nhiêu, cho đường bay nào. Cụ thể, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đinh Việt Sơn, Phó Cục trưởng Cục Hàng không (Bộ GTVT) cho biết, cục vừa họp với các hãng hàng không về kế hoạch khai thác tăng cường dịp lễ 30/4 - 1/5 và hè sắp tới.
Tuy nhiên, hiện chưa có phương án nào được thông qua do tình trạng quá tải hạ tầng sân bay, đặc biệt là tại sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Dự kiến, từ nay tới đầu tháng 4, Cục Hàng không sẽ tiếp tục làm việc thêm với các hãng hàng không để chốt phương án bay tăng cường dịp cao điểm lễ và hè sắp tới.
“Hiện, lịch bay tại sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài (Hà Nội) đã gần như kín. Số khung giờ còn trống để bay tăng cường không nhiều. Sân bay Tân Sơn Nhất cơ bản đã kín lịch bay ban ngày, chỉ còn bố trí được bay tăng cường vào đêm, nhưng mùa này phía Nam thường mưa nhiều về chiều và tối, ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động bay.
Dịp Tết vừa qua, với lịch bay tăng cường lớn, các đơn vị phải điều hành bay rất vất vả. Tình trạng chậm chuyến gia tăng ảnh hưởng tới lịch khai thác chung. Hành khách và dư luận cũng có nhiều ý kiến, nên giờ tăng chuyến ra sao cũng phải cân nhắc kỹ”, ông Sơn nói.
Trong giai đoạn cao điểm hè năm nay (từ tháng 4 tới hết tháng 8, gồm cả dịp lễ 30/4 - 1/5), mỗi ngày sân bay Tân Sơn Nhất được điều phối 948 chuyến bay cất/hạ cánh (slot), hiện các hãng đã xác nhận khai thác 843 slot/ngày, chỉ còn trống hơn 100 slot/ngày (chủ yếu vào khung giờ đêm). Tương tự, với sân bay Nội Bài (Hà Nội), hiện các hãng đã xác nhận khai thác 719 slot/ngày, chỉ còn trống hơn 120 slot/ngày. Đặc biệt, năm nay các đường bay quốc tế đã cơ bản khôi phục toàn bộ, thậm chí đường bay mới được mở thêm, các hãng phải giảm khai thác nội địa để bay quốc tế. Hai sân bay lớn đã gần như kín lịch.
Tại một hội thảo mới đây liên quan tới giải pháp gỡ khó cho ngành hàng không sau dịch COVID-19, đại diện các hãng hàng không của Việt Nam đều đề xuất tăng trần giá vé máy bay nội địa, thêm phụ thu phí nhiên liệu, tiến tới sửa luật để bỏ khung giá vé máy bay. Đại diện các hãng hàng không cho rằng, do có trần giá vé máy bay nội địa, nên mỗi dịp cao điểm như lễ, Tết, hè đều không thể tận dụng để bán vé giá cao hơn, đảm bảo bù cho các tháng thấp điểm, bù chi phí nhiên liệu tăng cao…
Với thực tế Việt Nam chưa có đường sắt đủ tiện lợi (đường sắt tốc độ cao), nếu muốn tiết kiệm thời gian cho các điểm đến xa (từ 400-500km trở lên), người dân chỉ có lựa chọn máy bay.
Một số chuyên gia cho rằng, vẫn cần trần giá vé máy bay để bảo vệ quyền lợi người dân đi lại vào những dịp cao điểm lễ, Tết, hè. Dù có nhiều hãng hàng không, nhưng với lợi thế của một loại hình vận tải, sẽ rất khó để tạo được môi trường đủ cạnh tranh để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nguồn: [Link nguồn]
Xác động vật chết thường chỉ bỏ đi nhưng có những người trẻ đã biết kiếm tiền từ đó, có tháng thu về hàng chục triệu đồng.