Dẹp chợ gây ách tắc giao thông
UBND TP HCM yêu cầu các quận, huyện rà soát lại quy hoạch chợ truyền thống, ra lộ trình giải tỏa chợ tự phát, không bảo đảm được an ninh trật tự, an toàn giao thông
Mới đây, các công ty quản lý và kinh doanh chợ đầu mối trên địa bàn TP HCM tiếp tục kiến nghị TP HCM quyết liệt di dời các chợ sỉ trong nội thành. Cụ thể là chợ hoa Hồ Thị Kỷ (quận 10) và chợ hoa Đầm Sen (quận 11) dời về chợ đầu mối và dẹp chợ tạm, chợ lấn chiếm lòng lề đường.
Xin duy trì chợ hoa nội thành
Trước kiến nghị của ban quản lý các chợ đầu mối, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết hiện tồn tại nhiều vấn đề cần xem xét. Chợ hoa Hồ Thị Kỷ được xem là khu vực chuyên doanh hoa lớn nhất TP HCM, là nơi buôn bán hoa tươi của 97 hộ kinh doanh cá thể và 2 HTX. Các hộ này buôn bán trong nhà và có tận dụng lấn chiếm mặt tiền đường để bày hàng. Tuy nhiên, việc vận động, di dời rất khó khăn, do các tiểu thương cho rằng kinh doanh tại đây thuận lợi hơn. Sở Công Thương đã nhiều lần tổ chức vận động, kết nối cho thương nhân ở đây và chợ Bình Điền nhưng 2 bên chưa gặp nhau. Đại diện UBND quận 10 cho biết thêm, các hộ kinh doanh hoa ở đây chủ yếu buôn bán trong ngày, bố trí bán lẻ và có phân phối sỉ nên khó kết luận chợ hoa Hồ Thị Kỷ là chợ sỉ, việc giải tỏa di dời ra chợ đầu mối vì thế rất khó khăn. Các hộ kinh doanh hoa ở đây cũng đã đến chợ Bình Điền khảo sát nhưng chưa có ý định di dời do nhận thấy không thuận lợi.
Ông Trương Quốc Cương, Phó Chủ tịch UBND quận 11 xin TP HCM cho giữ lại chợ hoa tươi Đầm Sen. Chợ hoa Đầm Sen thực chất là HTX dịch vụ hoa tươi Đầm Sen do 55 tiểu thương hùn tiền mua đất xây dựng thành khu nhà lồng với 55 sạp. Chợ được thành lập từ năm 2003, khi có chủ trương di dời các chợ sỉ ra khỏi khu vực nội thành. Do các tiểu thương khu vực này hoạt động dưới hình thức HTX, cũng trùng với thời điểm thành phố khuyến khích mô hình kinh tế tập thể, nên lúc đó TP đã thống nhất không di dời chợ. Hiện bình quân mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường khoảng 15 tấn hoa tươi, vừa bán sỉ vừa bán lẻ. “Chợ hoa Đầm Sen hoạt động xung quanh tuyến đường Nguyễn Văn Phú - Tống Văn Trân là nơi có mật độ giao thông không cao. Hơn nữa, giờ xe vận chuyển hoa ra vào chợ là 1-2 giờ sáng, gần như không ảnh hưởng đến giao thông.UBND quận cho rằng duy trì hoạt động của chợ thế này cũng là điều hay” - ông Trương Quốc Cương nói.
Một góc chợ hoa Bình Điền Ảnh. Ngọc Hân
Di dời để bảo đảm công bằng!
Đây không phải lần đầu vấn đề giữ hay chấm dứt hoạt động 2 chợ sỉ hoa ở nội thành. Lý do phải di dời chợ sỉ hoa tươi về chợ đầu mối, theo bà Trần Thúy Liên, Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Bình Điền, là để bảo đảm công bằng cho các thương nhân đang hoạt động tại chợ đầu mối. Việc để tồn tại chợ sỉ, và các chợ tự phát hoạt động gây ảnh hưởng đến thương nhân chợ đầu mối vì các chợ sỉ ở nội thành buôn bán thuận lợi hơn. Hơn nữa, thực hiện chủ trương của nhà nước, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn - Satra cũng đầu tư cơ sở vật chất, hệ thống logistics, mặt bằng tốt nhất cho tiểu thương khi họ về kinh doanh tại chợ Bình Điền.
Một lý do khác khiến ban quản lý chợ đầu mối muốn đưa các thương nhân bán hoa tươi ở TP HCM về chợ đầu mối là vì Satra đang thực hiện các thủ tục để mở trung tâm giao dịch hoa ở chợ đầu mối Bình Điền. Trung tâm này xây dựng trên nền diện tích 14 ha với kinh phí hơn 700 tỉ đồng, theo mô hình bán buôn, sẽ cung ứng cho thuê quầy hàng kinh doanh, cung cấp dịch vụ chính như thanh toán, vay vốn ngân hàng, dịch vụ phân loại, đóng gói, vận chuyển lạnh, kho trữ mát, hỗ trợ kỹ thuật trồng, xử lý sau thu hoạch, xúc tiến xuất khẩu và dịch vụ logistics... Trong năm 2017, Satra sẽ triển khai xây dựng giai đoạn 1 và từ năm 2018 sẽ mở rộng, đầu tư hoàn chỉnh dự án. Trung tâm tại TP HCM sẽ kết hợp trung tâm ở Đà Lạt hình thành chuỗi cung ứng hoa mới, gồm thu hoạch - xử lý sau thu hoạch - đóng gói - làm mát - trữ mát - vận chuyển bằng xe lạnh - và giao dịch hoa tươi, giảm áp lực lên giao thông và an ninh trật tự của TP.
Trước kiến nghị của các bên, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết quan điểm của TP HCM là phải chấm dứt các hoạt động gây ách tắc, cản trở giao thông trong nội thành. Vì vậy, không cần phải tranh luận là chợ bán sỉ hay bán lẻ mà phải xét trên phương diện chợ đó có gây ảnh hưởng đến giao thông trong khu vực hay không. Bên cạnh đó, nếu để những điểm kinh doanh lấn chiếm lòng lề đường là không công bằng với những tiểu thương đang kinh doanh tại chợ đầu mối (những người đã phải chấp nhận chủ trương di dời ra ngoại thành trước đây - PV) và ảnh hưởng đến người tham gia giao thông. Ông Tuyến yêu cầu các quận, huyện rà soát lại quy hoạch chợ truyền thống, lộ trình giải tỏa chợ tự phát. Trường hợp những nơi nào cần giữ lại, tiếp tục duy trì, cần phải có ý kiến của ban thường vụ quận, huyện và phải bảo đảm trật tự vỉa hè, trật tự giao thông ở đây. Nếu không bảo đảm được thì quy hoạch khu vực này không cho bán nữa. Chủ tịch UBND quận, huyện phải chịu trách nhiệm với TP HCM nếu để tái diễn tình trạng kinh doanh ảnh hưởng đến giao thông.
Quyết tâm xóa chợ tạm, tự phát Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, từ năm 2016, Sở Công Thương đã có văn bản hướng dẫn các quận, huyện thực hiện việc giải tỏa các chợ tạm trên địa bàn. Đã có 21 quận, huyện báo cáo kế hoạch giải tỏa chợ tự phát thuộc địa bàn mình. Trong thời gian tới, sở sẽ đẩy mạnh đôn đốc triển khai kế hoạch này. |