Đến lượt trứng, thịt gà… được "soi" bằng smartphone
Các doanh nghiệp bắt tay nhau xây dựng chuỗi “Thung lũng thực phẩm an toàn”.
Nhiều ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, chuỗi liên kết truy xuất nguồn gốc thực phẩm hiệu quả… đã được công bố tại hội nghị “Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam” diễn ra tại TP.HCM ngày 18-12.
Người tiêu dùng hưởng lợi
Một trong những sự kiện đáng chú ý tại hội nghị là việc ký kết hợp tác giữa Công ty TNHH Thương mại Xuất khẩu Tổng hợp và Dịch vụ Hùng Nhơn (Bình Phước) và Công ty TNHH De Heus thuộc Tập đoàn De Heus Hà Lan. Theo đó hai bên sẽ hợp tác đầu tư hơn 50 triệu USD, tương đương 1.200 tỉ đồng xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín an toàn, có truy xuất nguồn gốc.
Cụ thể với dự án trên, Hùng Nhơn và De Heus cùng các đối tác ngành nông nghiệp sẽ mang đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm nông sản được xây dựng trong chuỗi “Thung lũng thực phẩm an toàn” ở tỉnh Bình Phước và Đồng Nai. Đó là thịt heo, thịt gà, trứng gà, rau củ quả, một số loại trái cây và phân bón.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc khu vực châu Á Tập đoàn De Heus, cho biết khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm của chuỗi sản phẩm này rất chặt chẽ. Đó là có khả năng truy xuất từ con giống, thức ăn chăn nuôi, cơ sở giết mổ đến từng sản phẩm trên thị trường.
“Bên cạnh đó, từng sản phẩm khi đưa ra thị trường đều được đóng gói có mã vạch truy xuất nguồn gốc, tem niêm phong đảm bảo. Do đó không có chuyện sản phẩm không rõ nguồn gốc trà trộn vào chuỗi liên kết” - ông Gabor Fluit nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Vũ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Hùng Nhơn, cho biết việc đầu tư truy xuất nguồn gốc cho nông sản là xu thế tất yếu và là yêu cầu của thị trường.
Doanh nghiệp Hùng Nhơn và De Heus ký kết hợp tác xây dựng chuỗi chăn nuôi khép kín an toàn. Ảnh: QH
“Quy trình chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalG.A.P. không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm, tăng năng suất mà còn giúp giảm chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm. Cộng thêm truy xuất tốt nguồn gốc, các sản phẩm của chuỗi sẽ có khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo lợi nhuận cho các bên và quan trọng là người tiêu dùng được hưởng lợi” - ông Hùng nói.
Ngoài các sản phẩm thịt, trứng, rau quả… thì ngay trong năm 2017 Công ty Hùng Nhơn còn áp dụng công nghệ barcode (quét mã vạch) phân bón nhằm giúp nông dân phân biệt sản phẩm thật, sản phẩm giả. Cụ thể, sẽ có khoảng 40.000 tấn phân bón hữu cơ của Hùng Nhơn cung cấp ra thị trường được kiểm soát thông qua việc quét mã vạch bằng điện thoại thông minh (smartphone).
Hướng tới xuất khẩu
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Công ty TNHH De Heus, cho biết chuỗi chăn nuôi an toàn truy xuất nguồn gốc của dự án “Thung lũng thực phẩm an toàn” không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước mà còn đặt mục tiêu xuất khẩu trong 1-2 năm tới. Trước hết là xuất khẩu mặt hàng thịt ức gà, sau đó là xuất các sản phẩm nông sản khác.
Ông Gabor Fluit phân tích thị trường gà trắng (gà công nghiệp) tại Việt Nam hiện phải cạnh tranh rất khốc liệt với các sản phẩm nhập khẩu, bởi giá các sản phẩm gà công nghiệp nhập khẩu tại Việt Nam đang ở mức rất thấp.
Do đó, nếu không thay đổi được hệ thống chăn nuôi cũng như hệ thống luật pháp về xuất nhập khẩu sản phẩm gia cầm thì trong thời gian tới Việt Nam có thể mất trắng thị trường gà trắng vào tay các doanh nghiệp nước ngoài.
“Ức gà lại không được người Việt Nam ưa chuộng như đùi, cánh. Trong khi đó, ức gà lại là lựa chọn hàng đầu của người châu Âu, Nhật Bản. Đây sẽ là thị trường tiềm năng cho ngành chăn nuôi gà Việt Nam. Về thủ tục xuất khẩu, chúng tôi đã làm việc với Bộ NN&PTNT, qua đó được biết sắp tới Bộ sẽ cùng cơ quan thú y đàm phán với Nhật Bản, Nga cũng như các nước EU. Qua đó để có thể đi tới thỏa thuận về thú y giữa các bên nhằm mở đường xuất khẩu sản phẩm trên” - ông Gabor Fluit tiết lộ.
Giám đốc Công ty Hùng Nhơn, ông Vũ Mạnh Hùng, cho biết thêm song song với quá trình đàm phán, giải quyết các vấn đề về rào cản kỹ thuật giữa các nước, doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng đạt chất lượng quốc tế. Mục tiêu là ngay khi có giấy phép xuất khẩu thì có thể xuất hàng đi được ngay.
Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia đồng hành của các công ty chuyên tư vấn quản lý thực phẩm sạch và chuyên cung cấp con giống có chất lượng như Công ty TNHH Bel Gà của Vương quốc Bỉ.
Sẽ xây dựng khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao Hội nghị “Xây dựng nền nông nghiệp công nghiệp Việt Nam” do Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA Việt Nam) tổ chức. Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nông nghiệp vẫn là thế mạnh của Việt Nam và việc xây dựng nền nông nghiệp sạch, hữu cơ là hết sức cần thiết cho người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó bất cứ cá nhân, công ty, tổ chức nào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao đều được hỗ trợ, áp dụng cho toàn quốc chứ không giới hạn như trước đây. Thủ tướng cũng đánh giá cao và đồng ý đề xuất của DAA Việt Nam về mô hình phát triển các khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao. Thủ tướng giao các cơ quan chức năng, UBND các tỉnh, TP… trong năm 2017 xây dựng khu tổ hợp nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên. Cung cấp hàng triệu sản phẩm Dự án “Thung lũng thực phẩm an toàn” mỗi năm có khả năng cung cấp ra thị trường ba triệu con gà thịt, một triệu con gà đẻ; 1.600 con heo nái và 15.000 con heo thịt. Đồng thời sản xuất và cung cấp rau, củ, quả với sản lượng 900 tấn/năm |