Đến lượt bưởi da xanh rớt giá, xuống vỉa hè bán
Bưởi da xanh đang có đợt rớt giá kéo dài do xuất khẩu gặp khó khăn và đụng mùa nhiều loại trái cây khác như: cam, quýt, thanh long,…
Sau nhiều năm bưởi da xanh đứng giá ở mức cao, nông dân mở rộng diện tích trồng, đến nay thị trường bưởi đang có dấu hiệu cung vượt cầu. Tại TP HCM bắt đầu xuất hiện một số điểm bán bưởi da xanh vỉa hè với giá chỉ từ 20.000 đồng – 30.000 đồng/kg.
Bưởi da xanh đang rớt giá
Bà Trương Thị Ngọc, nhân viên kinh doanh một công ty xuất nhập khẩu nông sản có trụ sở tại quận 3, TP HCM, cho biết bưởi đang xuống giá nhưng công ty lại không có hàng đủ chuẩn để xuất khẩu.
"Mấy tháng trước thời tiết bất lợi, cây bưởi bị bệnh nên ảnh hưởng nhiều đến chất lượng và mẫu mã. Vừa rồi công ty đàm phán được đơn hàng xuất sang Singapore nhưng khách cần bưởi có hình thức đẹp. Tuy nhiên, muốn bưởi đẹp như khách yêu cầu trước tình hình dịch bệnh như hiện nay phải phun xịt thuốc rất nhiều. Nhưng nếu làm vậy sẽ rất dễ tổn dư thuốc bảo vệ thực vật nên tốt nhất là tạm ngưng đơn hàng" – bà Ngọc giải thích.
Bưởi da xanh loại 1 đang có giá bằng 50% lúc hút hàng
Theo ông Nguyễn Chí Thiện, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bưởi da xanh Mỹ Thạnh An (TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre), hiện bưởi da xanh loại 1 (mã đẹp, trọng lượng từ 1,4-1,8 kg/quả) có giá 32.000 đồng/kg, chỉ bằng khoảng 50% so với những lúc hút hàng. Tuy vậy, bưởi loại này hiện cũng không có nhiều do ảnh hưởng thời tiết, phần lớn bưởi da xanh đang bị rớt xuống loại 2, 3, 4 với giá thấp hơn nhiều.
Về thị trường, hiện tại Trung Quốc cũng có bưởi nên hạn chế mua hàng của Việt Nam. Trong khi đó, thị trường Hà Nội tiêu thụ bưởi từ các tỉnh phía Bắc đang thu hoạch nên không lấy thêm nguồn từ miền Nam dẫn đến thừa cục bộ. Ngoài ra, bưởi da xanh còn bị cạnh tranh với một số loài quả có múi khác như cam, quýt hiện cũng đang ở mức giá thấp" – ông Thiện nói.
Ông Thiện cho rằng giá bưởi sẽ tăng lại do cuối năm do sức mua tăng. "Bưởi phục vụ cho mùa Tết không có nhiều vì ảnh hưởng sâu bệnh, tỉ lệ đậu trái thấp" – ông Thiện cho dự báo.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, diện tích cây ăn quả tăng tập trung ở nhóm cây có múi (cam, quýt, bưởi). Tính đến tháng 9-2018, diện tích cây có múi trên cả nước đạt 192.700 ha, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo tìm hiểu của phóng viên, phần lớn quả có múi chỉ được tiêu thụ nội địa, xuất khẩu không đáng kể. Riêng quả bưởi thời gian qua có xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng qua đường tiểu ngạch vì chưa có trong danh sách các loại quả được Trung Quốc chấp nhận nhập khẩu chính ngạch từ Việt Nam. Do đó, nếu tiếp tục phát triển diện tích cây có múi thì tình trạng cung vượt cầu, rớt giá là điều không tránh khỏi.