Đến cuối năm 2018, giá xăng dầu sẽ như thế nào?
Mặt hàng xăng dầu có thể tăng 15-20% so với đầu năm tùy vào tình hình thực tế và biến động của giá cả xăng dầu thế giới.
Việc giảm sản lượng của Venezuela và lo ngại Mỹ sẽ áp đặt lệnh trừng phạt với Iran xung quanh vấn đề hạt nhân của nước này khiến giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng mạnh trong phiên đầu tuần này. Theo đó, giá dầu đã lên mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, bất chấp đồng USD lên mức cao mới trong năm 2018. Giá dầu thô Mỹ vượt qua ngưỡng 70 USD/thùng và giá dầu thô Brent vượt ngưỡng 76 USD/thùng.
Kết thúc phiên 7/5/2018, giá dầu thô Mỹ tăng 1,01 USD (+1,43%), lên 70,73 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,3 USD (+1,71%), lên 76,17 USD/thùng.
Ngoài ra, triển vọng OPEC có thể kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng hết năm 2019 tiếp tục hỗ trợ giá dầu tăng cao.
OPEC có thể kéo dài thỏa thuận cắt giảm sản lượng hết năm 2019 (Nguồn: CNBC)
Ngày 12/5 tới sẽ là thời hạn cuối cùng để Tổng thống Donald Trump đưa ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận hạt nhân Iran. Trước đó, phía Mỹ đã cảnh báo có thể rút khỏi thỏa thuận này.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận, giá dầu thế giới sẽ tăng vọt. Ngược lại, giá dầu sẽ ở mức bình ổn.
Theo chuyên gia Tài chính Nguyễn Trí Hiếu “Nhiều khả năng Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận Iran. Giá dầu thế giới sẽ tăng lên mức khoảng 90USD/thùng vào cuối năm nay”.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cũng cho rằng, giá dầu thế giới sẽ tiếp tục tăng. “Sản xuất thế giới đang tăng trưởng mạnh mẽ. Như vậy, các nguyên nhiên vật liệu, phụ tùng, vật tư phục vụ cho sản xuất cũng sẽ tăng giá. Giá dầu sẽ tăng cao”, ông Thịnh khẳng định.
Phía Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam VINPA cũng dự báo những xung đột ở khu vực Trung Đông, cùng lo ngại việc Mỹ có khả năng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với xuất khẩu dầu mỏ của nước này sẽ tiếp tục là những nhân tố có khả năng khiến giá dầu thô thế giới trong tháng 5 tiếp tục leo thang. Giá dầu thế giới trong tháng 5 được dự báo sẽ giao động trong khoảng từ 67-69 USD/thùng đối với dầu WTI và từ 71-74 USD/thùng đối với dầu Brent.
Biến động trên thị trường xăng dầu thế giới chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc điều hành giá xăng dầu tại Việt Nam.
Trên thị trường trong nước, chiều 8/5, giá các mặt hàng xăng dầu trên thị trường Việt Nam được điều chỉnh tăng đồng loạt. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, trải qua 9 đợt điều hành, xăng E5 RON 92 có 5 lần giữ nguyên giá, 3 lần tăng giá và 1 lần giảm giá; dầu diesel 0,05S có 3 lần giữ nguyên giá, 5 lần tăng giá và 1 lần giảm giá; dầu hỏa có 4 lần giữ nguyên giá và 5 lần tăng giá; dầu mazut 3,5S có 3 lần giữ nguyên giá, 5 lần tăng giá và 1 lần giảm giá.
Tính đến thời điểm hiện tại, giá bán xăng E5 RON92 hiện ở mức 19.440 đồng/lít; Xăng RON95-III là 20.911 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S 17.107 đồng/lít; Dầu hỏa 15.917 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S là 13.759 đồng/kg.
PGS, TS. Đinh Trọng Thịnh dự báo: “Tính đến cuối năm nay, giá các mặt hàng xăng dầu có thể tăng 15-20% so với cuối năm 2017.”
Tuy nhiên, một số chuyên gia Tài chính khác lạc quan hơn cho rằng với quan điểm điều hành giá xăng theo hướng ổn định, gắn với cơ chế thị trường thì rất có thể giá xăng dầu trong nước sẽ tăng nhưng ở mức độ vừa phải.