Đến cái tăm, bông tai… cũng bị Trung Quốc làm giả

“Điều đáng buồn là hàng tiêu dùng ở Việt Nam từ tăm tre, bông tai, quần áo, điện thoại iPhone,… đều bị làm giả. Và hàng hóa chủ yếu được tuồn từ biên giới Trung Quốc vào Việt Nam”.

Đó là nhận xét của ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (389), tại cuộc họp báo chuyên đề về tình hình chống buôn lậu diễn ra ngày 28-8.

Theo ông Cẩn, các đối tượng làm giả rất tinh vi, nhái các thương hiệu lớn của Việt Nam với bao bì, mẫu mã, thời gian bảo hành không khác gì hàng chính hiệu. Thậm chí các huân chương, kỷ niệm chương cũng được các đối tượng buôn lậu mang từ bên kia biên giới về Việt Nam.

Ông Cẩn cũng cho rằng hàng giả tràn lan trên thị trường nhưng phần lớn doanh nghiệp (DN) trong nước vẫn chưa quan tâm đến việc phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý. Nhiều DN thờ ơ, sợ ảnh hưởng đến doanh thu, sức cạnh tranh khi lên án, tố giác hàng giả. Mặt khác cũng có những DN, đại lý đặt hàng giả từ Trung Quốc để trà trộn vào hàng thật với mục đích ăn chênh lệch giá, nghĩa là bản thân DN cũng đã tiếp tay cho buôn lậu và hàng giả.

“Quan điểm của 389 là bắt được vụ buôn lậu, gian lận thương mại thì kịp thời công khai, trừ các vụ việc theo yêu cầu nghiệp vụ chưa công khai được. Khi đã công khai phải điều tra, xử lý nghiêm, không có vùng cấm trong chống buôn lậu” - ông Cẩn nói.

Ban 389 cho hay trong bảy tháng đầu năm 2015 đã phát hiện và xử lý gần 130.000 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, thu nộp ngân sách nhà nước gần 4.000 tỉ đồng, tổng số vụ khởi tố gần 1.000 vụ. Tuy nhiên, thực tế tình hình buôn lậu và gian lận thương mại vẫn còn phức tạp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN