Đề xuất "khai tử" xăng khoáng RON95: Người dân lo hết đường lựa chọn?

Sự kiện: Giá xăng

Thông tin doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đồng loạt bày tỏ đề xuất khai tử xăng khoáng RON95 để bán xăng sinh học khiến nhiều người tỏ ra hoang mang. Có người gay gắt đã đặt ra câu hỏi: Nếu đề xuất thành hiện thực, sự lựa chọn của người dân là gì?

Người dân chưa mặn mà

Anh Hà Minh Hùng, quê Phú Thọ, hiện đang làm việc tại một công ty chuyên về công nghệ bảo mật trên phố Láng Hạ, Hà Nội thừa nhận, từ đầu năm nay, gia đình anh đã chấp nhận rút ví nhiều hơn bình thường cho 2 chiếc xe máy. Lý do theo anh là anh chưa tin tưởng vào xăng E5.

“Hồi đầu năm, khi có quyết định bán xăng E5 đại trà, tôi đã thử chuyển từ RON92 sang loại xăng sinh học nhưng thấy có vấn đề. Tôi cảm giác xăng E5 đi tốn nhiên liệu hơn trước đó,” anh Hùng nói.

Theo anh, khoảng cách từ nhà anh tới nơi làm việc khoảng 5km. Trước đây, một lần đổ đầy bình xăng, anh đi được hơn 1 tuần, bao gồm cả việc thỉnh thoảng ra ngoài đi ăn uống, cafe với bạn bè. Tuy nhiên, từ khi đổ xăng sinh học, anh bảo, cảm giác của bản thân mình là chỉ một tuần, bình xăng đã báo đỏ.

Tất nhiên, anh thừa nhận, không thể đo lường chính xác vì nhu cầu đi lại mỗi tuần mỗi khác nhưng anh tỏ ra tin tưởng vào giải thích, xăng E5 có cồn nên nhanh bay hơi.

Đề xuất "khai tử" xăng khoáng RON95: Người dân lo hết đường lựa chọn? - 1

Không ít người dân đã chọn rút ví nhiều hơn trước đây để sử dụng xăng RON95

Với đề xuất bỏ xăng RON 95 vừa được nêu lên, anh cho rằng, điều này đồng nghĩa, dù muốn hay không, anh cũng sẽ phải quay trở lại dùng xăng sinh học. Điều này về lý thuyết có thể giúp anh tiết kiệm được một khoản nhỏ vì hiện giá xăng E5 đang thấp hơn xăng khoáng. Thế nhưng, anh bày tỏ lo lắng, nếu xăng E5 bay hơi nhanh thì số tiền chênh lệch có thể không đủ bù đắp.

Còn với chị Thủy Phương, nhân viên một ngân hàng lớn trên đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội, thể hiện sự lo lắng khác: đó là chất lượng xăng sinh học.

“Tôi thấy một số đồng nghiệp phàn nàn về việc đổ xăng E5 xong máy thường khó khởi động, thậm chí đang đi có tình trạng chết máy giữa chừng, rất nguy hiểm,” chị Phương kể lại.

Bởi vậy, ngay sau khi ngừng sử dụng RON92, chị cũng chuyển sang dùng RON95, dù giá cả không hề rẻ.

“Chất lượng xăng sinh học liệu đã đủ tin tưởng để khai tử tất cả các loại xăng khoáng?” chị đặt ra câu hỏi.

Những lo lắng trên là có thật và đã được chính các doanh nghiệp nêu lên trong buổi họp với lãnh đạo Bộ Công Thương cách đây ít ngày. Trong buổi họp báo Chính phủ tối 3/5, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng đưa ra thống kê, hiện lượng xăng RON95 ra chiếm khoảng 58% tổng lượng tiêu thụ. Trước đây, khi còn xăng RON92, lượng tiêu thụ RON95 chỉ chiếm khoảng 30%.

Cần chứng minh thực tiễn

Ở góc độ chuyên gia, trả lời báo chí, Phó giáo sư, tiến sỹ Phạm Hữu Tuyến, Trưởng phòng thí nghiệm Động cơ đốt trong, Trường đại học Bách Khoa Hà Nội thể hiện cái nhìn khoa học hơn.

Ông khẳng định, thực hành thí nghiệm của các nhà khoa học trên tất cả các động cơ xe máy từ cũ tới mới cho thấy, xăng E5 hoàn toàn không gặp hiện tượng xe chết máy.

Vị này giải thích, xăng E5 thực chất vẫn là xăng khoáng (95%) trộn thêm 5% cồn ethanol. Tỷ lệ cồn như trên thực tế chỉ tương đương với tỷ lệ phụ gia trong xăng khoáng trước đây. 5% cồn trong xăng chỉ có vai trò như chất phụ gia, giúp cho xăng cháy triệt để và sạch hơn.

“Hiện tượng xe máy bị chết máy xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Hệ thống vận hành của xe chỉ cần trục trặc ở một vị trí nào đó cũng có thế khiến động cơ ngừng hoạt động,” ông nói.

Còn Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Xuân Trường, Học viện Tài chính thì cho rằng, cần có sự điều tra lý do người dùng không lựa chọn xăng E5. Nếu việc này chỉ xuất phát từ giá cả thì có thể tính tới việc giảm thuế, giảm giá với loại xăng này để khuyến khích người dân.

Tuy nhiên, nếu không phải vì giá mà vì lo sự an toàn của động cơ, theo ông, cơ quan chức năng cần chức minh bằng thực tiễn.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Mạnh  Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, về chất lượng E5, xem xét, cơ quan chức năng phải tuyên truyền, chứng minh công trình cụ thể để người dùng yên tâm. “Chúng ta phải nói cái gì mang tính khoa học chứ không phải áp đặt”, ông nói.

Ông cũng nói thêm, việc sử dụng xăng sinh học là xu thế của thế giới. Đây là loại năng lượng tái tạo được trong khi các loại xăng khoáng sẽ cạn kiệt dần.

“Thế giới các nước còn pha ethanol với tỷ lệ nhiều hơn rất nhiều,” ông Hùng lên tiếng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Giá xăng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN