Đề nghị xử lý người đàm phán bán gạo giá "bèo"

Với việc ký giá bèo 800.000 tấn gạo cho Philippines, VFA (mà trực tiếp là Vinafood I và Vinafood II) đã làm mất đi khoản tiền khổng lồ, ước lên tới 23,2 triệu USD.

Việc một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu từ chối không tham gia thực hiện hợp đồng tập trung 800.000 tấn gạo sang Philippines có thể là điều chưa từng có từ năm 2008 trở lại đây.

Vinafood ký hợp đồng bán gạo “giá rẻ như cho”

Trước hết, nếu chỉ tính từ năm 2007 trở lại đây thì tổng khối lượng gạo mà ba thị trường châu Á truyền thống thường nhập khẩu gạo Việt Nam gồm Philippines, Indonesia và Malaysia chiếm tỉ trọng kỷ lục 66% “rổ gạo xuất khẩu” của nước ta ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, năm 2013 vừa qua đã “rơi tự do” xuống còn hơn 1,1 triệu tấn và chỉ chiếm 17%. Không những vậy, trong chuỗi những năm dài xuất khẩu cho “ba ông lớn”, duy nhất năm 2007 là giá xuất khẩu chỉ đạt 320 USD/tấn, thấp hơn đáng kể 6% so với giá xuất khẩu sang các thị trường còn lại.

Các DN đã làm “con buôn” dở thì phải tự gánh chịu khoản lỗ của mình gây nên.Trong ảnh: Bốc xếp gạo xuất khẩu ở chợ Bà Đắc, Cái Bè, Tiền Giang. Ảnh: QH

Trong khi đó, kể từ năm sốt nóng giá gạo thế giới 2008 trở lại đây, giá xuất khẩu sang các thị trường tập trung này đều cao hơn các thị trường thương mại khác. Trong đó kỷ lục là giá năm 2008 đạt 661 USD/tấn, cao hơn 17% so với giá xuất khẩu sang các thị trường còn lại, hoặc năm 2010 tuy chỉ đạt 574 USD/tấn nhưng cao kỷ lục 40% so với các thị trường còn lại. Còn trong năm 2013 vừa qua, tuy khối lượng giảm mạnh như nói trên nhưng mức giá xuất khẩu sang ba thị trường này cũng đạt 486 USD/tấn, cao hơn rất đáng kể gần 12% so với giá xuất khẩu sang các thị trường còn lại. Thực trạng đó có nghĩa là những DN càng chiếm thị phần lớn ở ba thị trường này đã được hưởng lợi càng lớn.

Thế nhưng hiện tại năm 2014, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood II) và miền Bắc (Vinafood I) thắng trọn vẹn gói thầu 800.000 tấn gạo của Philippines với giá chỉ khoảng 370 USD/tấn (thấp hơn nhiều so với các thị trường khác). Do vậy dẫn tới tình trạng các DN thực hiện hợp đồng càng nhiều thì bị thua thiệt càng lớn do giá thị trường đã tăng đáng kể. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến một số DN từ chối chỉ tiêu được phân bổ thực hiện hợp đồng này.

Điều bất thường chưa hề có tiền lệ nữa là theo phụ lục hợp đồng ủy thác xuất khẩu sang Philippines mà Vinafood II gửi đến các DN, nếu DN giao gạo không đúng tiêu chuẩn mà nước này đưa ra thì sẽ bị phạt nặng. Cụ thể, nếu nhiều hơn 1% tấm thì bị phạt 3 USD/tấn; nếu hạt gạo xát dối (hạt còn sọc đỏ, sọc đen…) cũng sẽ bị phạt nặng từ 7,7 đến 15,4 USD/tấn; hạt nguyên ít, độ ẩm nhiều hơn cũng bị phạt.

Có lỗ thì Vinafood phải tự chịu

Rõ ràng nếu giá gạo xuất khẩu trong những tháng tới tiếp tục nhích lên, khoản lỗ so với các hợp đồng đương nhiên sẽ tiếp tục tăng một cách tương ứng. Có lẽ không ai có thể bảo đảm rằng số DN bỏ cuộc sẽ không tăng. Và do vậy Vinafood II và Vinafood I sẽ phải “đơn thương độc mã” gánh các hợp đồng mà mình đại diện cho quốc gia đã đặt bút ký này, thậm chí cũng không thể loại trừ khả năng bị thua lỗ.

Trên thực tế, các hợp đồng tập trung với giá béo bở trong nhiều năm qua vẫn chỉ là của riêng những DN được “đặc ân” chỉ định. Không những vậy, trong vụ đông xuân vừa qua Chính phủ cũng đã phải bấm bụng chi một khoản tiền không nhỏ để hỗ trợ toàn bộ lãi suất cho các DN mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo. Mà theo như khẳng định của quan chức Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá thị trường ở thời điểm thắng gói thầu vẫn bảo đảm cho các DN thực hiện hợp đồng này có lãi.

Vì vậy lần này nếu có lỗ thì hai “ông anh” Vinafood và những DN được hưởng đặc ân phân bổ hợp đồng tập trung nhiều năm qua cũng phải chịu lỗ để thực hiện hợp đồng. Còn không có chuyện khi lãi thì anh chia nhau, lỗ thì ép DN khác cũng phải chịu lỗ theo. Do vậy dựa trên cơ sở pháp lý và thực tế, rất cần các nhà quản lý vào cuộc, đem lại sự công bằng cho các DN và để bảo vệ uy tín của quốc gia.

Phải xử lý đại diện đàm phán gói thầu gạo Philippines

Với việc ký giá bèo 800.000 tấn gạo cho Philippines, VFA (mà trực tiếp là Vinafood I và Vinafood II) đã làm mất đi khoản tiền khổng lồ, ước lên tới 23,2 triệu USD. Việt Nam hoàn toàn có thể bán được với giá cao vì không có đối thủ cạnh tranh. Xét về cự ly giao hàng thì Ấn Độ và Pakistan xa hơn và giá bán của họ cũng cao hơn. Philippines đưa ra tiêu chuẩn chỉ chấp nhận nhập gạo không quá bốn tháng kể từ khi được thu hoạch. Trong khi đó gạo của Thái Lan chủ yếu là tồn kho của năm 2013 và 2012 khó đáp ứng điều kiện. Chính sự yếu kém về quản lý lẫn kiến thức thị trường đã khiến Vinafood đàm phán giá thấp. Vì vậy cơ quan quản lý cần có biện pháp xử lý đối với những vị đại diện này, lỗ cũng phải thực hiện đúng hợp đồng. Như vậy mới đảm bảo được mối quan hệ với Philippines và tiêu thụ lúa thu hoạch cho nông dân.

GS VÕ TÒNG XUÂN

VFA “đe dọa” DN xin trả chỉ tiêu xuất khẩu

Đại diện VFA cho biết hiệp hội và đại diện Vinafood II, Vinafood I sẽ sang đàm phán lại với Cơ quan Lương thực Philippines về các điều kiện của hợp đồng. Còn về việc một số DN xin trả lại chỉ tiêu xuất khẩu, VFA đã có văn bản cảnh báo các DN đã được phân chia chỉ tiêu phải tiếp tục tham gia xuất khẩu gạo lần này.VFA cho rằng các DN được giao chỉ tiêu xuất khẩu gạo đều nằm trong diệnđãđược hỗ trợ từ chương trình tạm trữ lúa gạo vừa qua, tức là được vay thu mua lúa gạo với lãi suất thấp.Đồng thời, lúc triển khai chương trình tạm trữ thì giá gạo mua vào cũng thấp, nếu so với giá xuất khẩu theo hợp đồngđã ký với Philippines thì cácDN vẫn được lợi. Nếu các DN không thực hiện chỉ tiêu được phân bổ, Hiệp hội sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu mua tạm trữ và thực hiện các hợp đồng tập trung trong thời gian tới.

QUANG HUY

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đình Bích (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN