Đề nghị xem lại chính sách tạm trữ lúa

Đề xuất trên được đưa ra tại Hội nghị Sơ kết sản xuất lúa vụ đông xuân 2012 - 2013, triển khai kế hoạch sản xuất lúa vụ hè thu, thu đông và mùa 2013 ở Nam Bộ do Bộ NNPTNT tổ chức tại Cần Thơ ngày 19.3.

Đạt trên 82% chỉ tiêu thu mua

Báo cáo kết quả tại hội nghị sơ kết cho thấy, kết quả thu mua tạm trữ lúa gạo đến hết ngày 13.3 đạt 827.222 tấn quy gạo, đạt 82,72% chỉ tiêu thu mua. Theo nhiều đại biểu, mặc dù giá lúa gạo thời gian gần đây có nhích lên so với đầu vụ, nhưng vẫn có nhiều bất cập trong chính sách tạm trữ. Tại hội nghị vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu cùng nhau phân tích, mổ xẻ về tính bất hợp lý giữa giá lúa chất lượng thấp với giá lúa chất lượng cao chênh lệch chẳng bao nhiêu.

Đề nghị xem lại chính sách tạm trữ lúa - 1

Thu hoạch lúa đông xuân trên cánh đồng mẫu lớn ở TP.Cần Thơ.

Ông Trần Quang Củi – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang cho rằng: “Một thực tế hiện nay, người nông dân trồng lúa chất lượng cao rất phàn nàn về việc Nhà nước khuyến khích họ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng lúa chất lượng cao nhưng đầu ra lại gặp rất nhiều khó khăn, giá cả thì bấp bênh”.

Ông Đoàn Ngọc Phả - Phó Giám đốc Sở NNPTNT An Giang cũng cho biết: “Giá lúa chất lượng cao hiện nay chỉ dao động khoảng 6.100 – 6.200 đồng/kg (so với cùng thời điểm năm rồi sụt giảm từ 700 – 900 đồng/kg). Trong khi Bộ NNPTNT khuyến cáo chọn giống lúa jasmine để gieo sạ, vấn đề đầu ra lại không được sự hưởng ứng nhiều của doanh nghiệp. Kiến nghị trong đề án xây dựng sản phẩm quốc gia, các loại gạo đặc sản cần phải có sự liên kết với doanh nghiệp”. Ngoài tác động của thị trường, khó khăn nhất hiện nay là cung cách làm ăn manh mún, nhỏ lẻ của các doanh nghiệp. Chưa chú trọng vào việc xây dựng thương hiệu hạt gạo, xây dựng các vùng nguyên liệu, kế hoạch xuất khẩu lâu dài, dẫn đến khó tìm được đầu ra ổn định.

Một vụ mùa đầy khó khăn

TS Hồ Văn Chiến – Cục Bảo vệ thực vật dự báo: “Vụ lúa hè thu 2013 sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đến thời điểm tháng 3 đã có hàng ngàn ha lúa xuân hè 2013 ở các tỉnh Tiền Giang, Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu bị ảnh hưởng bởi khô hạn, thiếu nước hoặc do nước mặn xâm nhập”. Tại hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị rằng: Thời gian tới, đề nghị Chính phủ xem xét chính sách tạm trữ trong dân theo cánh đồng mẫu lớn. Giữa doanh nghiệp và nông dân liên kết tạm trữ với nhau mới giữ vững được giá. Cố gắng mở khả năng tạm trữ trong dân theo cánh đồng mẫu lớn, hợp tác xã… để điều hòa cung- cầu, giữ ổn định giá. Bên cạnh đó, Bộ NNPTNT nên có chính sách hỗ trợ cánh đồng mẫu lớn để mở rộng phát triển.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám: “Thời gian tới, các tỉnh ĐBSCL cần tiếp tục phát triển các mô hình liên kết, các biện pháp liên kết giữa sản xuất lúa nguyên liệu và chế biến lúa tiêu thụ. Tập trung kiểm tra chất lượng vật tư đầu vào, đặc biệt là chất lượng giống, phân bón. Xác định các giống lúa phải rõ ràng, quy hoạch vùng sản xuất tập trung để từ đó có hướng sản xuất tốt...”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Khánh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN