Dễ “hớ” vì mua hàng trả góp

Mua hàng trả góp khi không hiểu rõ hợp đồng, người tiêu dùng (NTD) sẽ phải chịu thiệt thòi không nhỏ.

Không phủ nhận hình thức thanh toán này rất hợp lý với những người thu nhập thấp, trung bình, không có khả năng thanh toán ngay một số tiền lớn. Tuy nhiên, nếu không tỉnh táo, xem kỹ những điều khoản trong hợp đồng thì người mua có nguy cơ “hớ” nặng.

Thủ tục mua hàng trả góp cũng rất đơn giản nên NTD cũng dễ bị “hạ gục”: chỉ cần CMND, hộ khẩu, hóa đơn thanh toán tiền điện hoặc điện thoại nhà riêng là có thể thông qua tổ chức tín dụng liên kết vay được vài chục triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng. Hiện trên thị trường có hai phương thức trả nợ phổ biến là tính theo dư nợ ban đầu và tính theo dư nợ giảm dần. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của NTD, một số tổ chức tài chính đã liên kết cùng cửa hàng, đại lý áp dụng cho mua hàng trả góp lợi dụng ghi cả hai loại lãi suất trong cùng một hợp đồng. Nếu chỉ trả gốc và lãi hàng tháng sẽ không có vấn đề gì nhưng với khách hàng kết thúc sớm hợp đồng sẽ chịu thiệt hại không nhỏ.

Dễ “hớ” vì mua hàng trả góp - 1

Nếu chưa cần thiết, NTD không nên mua hàng theo hình thức trả góp.

Tại các đại lý bán xe máy cho mua trả góp, lãi suất thanh toán hàng tháng được đưa ra rất thấp, nhưng khi cộng lại sẽ ra một con số không nhỏ. Ví dụ: khi mua xe có giá 37,5 triệu đồng với thời gian trả 9 tháng, ngoài số tiền phải trả ban đầu là 15 triệu đồng, số tiền phải trả hàng tháng là: 3.303.000đ x 9 tháng = 29.727.000đ. Như vậy, tổng số tiền khách phải trả là: 44.727.000đ. Nghĩa là, khách chỉ vay thêm 22,5 triệu đồng mà phải trả lãi 7,227 triệu đồng trong 9 tháng tương đương 3,57%/tháng. Còn nếu tính lũy kế, mỗi tháng khách hàng phải trả cả gốc lẫn lãi, thì lãi suất lên tới gần 7%/tháng.

Anh Nguyễn Văn Tiến ở cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội) đang có nhu cầu mua một xe máy có giá 90 triệu đồng. Tìm đến một cửa hàng bán xe trả góp, anh được nhân viên giới thiệu trong hợp đồng lãi suất 1,68%/tháng là tính theo dư nợ ban đầu, còn 2,93%/tháng là tính theo dư nợ giảm dần. Cả hai mức này đều có tổng phí tín dụng tương tự nhau (30.243.780 triệu đồng). Theo thỏa thuận trên, nếu tính mỗi tháng trả gốc và lãi 6.012.189 đồng, có nghĩa là tính theo lãi suất dư nợ ban đầu thì sau bốn lần trả, số tiền chưa thanh toán sẽ là 72 triệu đồng. Tuy nhiên, khi xem bảng kê chi tiết, con số sau bốn lần lại là 75.906.049 triệu đồng, cao hơn nhiều so với cách tính con số thực phải trả.

Theo đại diện của Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, trước khi mua hàng trả góp, NTD cần tính toán thật kỹ số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp hoặc khi làm hợp đồng phải yêu cầu nơi bán ghi rõ mức lãi suất, cơ sở tính, không nên ký hợp đồng nếu chưa hiểu rõ. Khi quyết định mua hàng trả góp, nên thăm dò, so sánh giá tiền và lãi suất mà cửa hàng áp dụng vì cùng một chủng loại sản phẩm, đôi khi mỗi cửa hàng sẽ có mức báo giá khác nhau. Chỉ nên chọn mua những sản phẩm thật sự cần thiết cho công việc hay cuộc sống. Những sản phẩm nào chưa thật cần thiết thì không nên mua theo hình thức này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN