Đề án cứu DN bị đánh giá là lạc hậu

Được xây dựng nhằm hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp khỏi những khó khăn nhưng Đề án “Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp” của Bộ Công Thương vừa đưa ra đã bị chính các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá là lạc hậu.

“Chiến dịch” giải cứu

“Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 26-7, tại Hà Nội (sau khi lấy ý kiến tại TPHCM).

Theo dự thảo, đề án sẽ tập trung cho công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, ưu tiên triển khai các chương trình trong khuôn khổ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như tổ chức các hội chợ, triển lãm, đưa hàng hóa về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, các khu công nghiệp… nhằm kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, giải phóng hàng tồn kho.

Ngoài ra, sẽ tổ chức hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, nhất là tới thị trường nông thôn, sang các nước có chung biên giới trên đất liền nhằm tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam ở nông thôn.

Bộ Công Thương cũng sẽ triển khai các biện pháp đẩy mạnh hoạt động quản lý thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, tạo cơ hội tăng thị phần hàng hóa Việt Nam trên thị trường nội địa…

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, những nội dung trên không mới. Nhiều nội dung còn quá chung chung, hình thức. Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), bà Phạm Thị Thu Hằng lưu ý, hai chỉ tiêu quan trọng nhất phản ánh sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay là con số thất nghiệp và chỉ số sức mua.

Theo công bố của ngân hàng HSBC, tốc độ mua hàng của người dân đang có xu hướng giảm. Điều này cho thấy, trong 3 tháng đầu năm doanh nghiệp chủ yếu là bán hàng tồn kho và sản xuất không tăng là một điều đáng lo ngại.

“Việc tháo gỡ cho doanh nghiệp cần tập trung vào giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đáng tiếc là vốn ưu đãi vẫn rơi vào các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn nằm ngoài hệ thống”- bà Hằng nói.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (Vafie), ông Nguyễn Mại cho rằng, nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp hiện nay là vốn. Bộ Công Thương không cần đề nghị nhiều với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mà chỉ cần làm sao để đưa ra một “chiến dịch giải cứu” để doanh nghiệp tiếp cập được vốn, vì cứu doanh nghiệp chính là cứu ngân hàng.

“Nếu doanh nghiệp tiếp cận được vốn trong tháng 8-9, mới kịp để đến quý 4 doanh nghiệp có lực thực hiện kế hoạch sản xuất cho năm sau. Thấy doanh nghiệp nguy hiểm nhưng chúng ta vẫn chậm đưa ra giải pháp. Cần đổi tên đề án thành “giải cứu doanh nghiệp” mới đúng”- ông Nguyễn Mại nói.

Theo ông Mại, con số 55.000 doanh nghiệp đã “đắp chiếu” mà Bộ KH&ĐT công bố chưa chắc đã chính xác vì đã có thông tin trên 100.000 doanh nghiệp đang trong cảnh hết sức khó khăn. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp của Hà Nội và TPHCM mấy tháng qua, chỉ ở mức 4%- 5% giảm sút ghê gớm so với con số tăng trưởng 17%-18% của năm ngoái.

Đề án cứu DN bị đánh giá là lạc hậu - 1

Sức mua giảm là nguyên nhân chính khiến việc giải bài toán “hàng tồn kho” ngày càng khó khăn

Chưa ban hành đã lạc hậu?

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng, NHNN cho biết, đề án có nhiều điểm chưa được những người soạn thảo cập nhật. Điển hình, trong đề án nói đến Thông tư 14 về lãi suất của NHNN thì đến nay đã ra đến Thông tư 20.

Tất cả những đề xuất nêu trong đề án đối với ngành ngân hàng thì ngân hàng đã và đang làm hết sức tích cực rồi.

Câu chuyện hàng tồn kho của doanh nghiệp là một trong những vấn đề được Chính phủ, người dân hết sức quan tâm. Nếu không giải quyết sớm thì kế hoạch trong năm 2012 khó có thể hoàn thành và sẽ còn khó khăn hơn khi bước vào năm 2013 và các năm sau.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng

“Có thể những thông tin viết trong đề án như hạ lãi suất, huy động lãi suất 11% thì đến nay đã hạ xuống còn 9%, đề nghị các đồng chí cập nhật cho. Đặt vấn đề như đề án thì ngành ngân hàng đã làm rồi, thậm chí đề xuất kể cả hỗ trợ 100% cho cơ khí nông nghiệp, nông thôn chúng tôi đã áp dụng hỗ trợ 100% trong 2 năm đầu tiên rồi”- ông Mạnh nói.

Theo đại diện NHNN, Bộ Công Thương quản lý rất nhiều ngành nghề và đây là đề án được Chính phủ giao viết (sau này trình Chính phủ ký), để thực hiện cho các ngành nghề khác nữa, nên cần huy động trí tuệ của cả hệ thống chính trị của Bộ Công Thương tham gia.

Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng thừa nhận, nhiều đại biểu đã chỉ ra những hạn chế của đề án như việc nhận định về tình hình của doanh nghiệp vẫn còn thiếu, chưa đầy đủ. Một số thông tin, nhận xét vẫn chưa hoàn toàn chính xác, nhất quán với các văn bản đã ban hành. “Có nhiều biện pháp theo tôi cần thực hiện ngay chứ không cần phải chờ đến khi đề án chính thức được phê duyệt. Cần có sự điều hành kết hợp hài hòa giữa kiểm soát lạm phát và hạ lãi suất”- ông Hoàng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phạm Tuyên ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN