Đẩy nhanh phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Sáng 15/10, tại TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, Ban chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp Trường Đại học Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) tổ chức tọa đàm “Chiến lược phát triển vùng Tây Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Theo đánh giá chung, những năm gần đây, kinh tế nông nghiệp - ngành kinh tế chủ đạo của vùng, đã phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành những vùng chuyên canh, tạo ra khối lượng hàng hóa có giá trị xuất khẩu cao.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, Tây Nguyên hiện nay vẫn là vùng kinh tế chậm phát triển, chưa tạo được bước đột phá về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu chưa vững chắc…
Để các tỉnh Tây Nguyên phát triển bền vững bằng tầm nhìn đến năm 2020, các tham luận đều xoay quanh việc đánh giá, dự báo về những biến động dân cư, xã hội, tài nguyên, môi trường và tác động của những biến động đó đến sự phát triển bền vững Tây Nguyên. Trong đó có những vấn đề đáng chú ý như: Phát triển nguồn nhân lực trình độ cao; Phát triển nguồn năng lượng sạch… Đặc biệt là vấn đề phát triển thủy điện trên địa bàn.
Sản xuất rau công nghệ cao ở Đơn Dương, Lâm Đồng.
Theo đánh giá, trữ lượng thủy điện toàn vùng Tây Nguyên khoảng 15 tỷ KWh/năm, chiếm 22% lượng điện của cả nước. Tuy nhiên, với việc xây dựng ồ ạt các thủy điện vừa và nhỏ, môi trường các tỉnh Tây Nguyên đang đứng trước những tác động tiêu cực, nhất là sản xuất nông nghiệp: thiếu nước trong mùa khô, gia tăng lũ lụt trong mùa mưa. Thủy điện cũng gián tiếp góp phần vào phá rừng. Đến nay mới chỉ có 757,3ha rừng được trồng thay thế (yêu cầu là hơn 22.700ha).
Các ý kiến đều cho rằng các tỉnh Tây Nguyên cần nhanh chóng chuyển sang phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao. Về lâu dài cần hoạch định chiến lược phát triển kinh tế của toàn vùng với các chính sách và giải pháp mang tính đặc thù; đẩy mạnh việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách ưu tiên đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.