Dầu thô lao dốc, giá xăng Việt Nam vẫn vậy!

Cú sốc giá dầu thế giới đã tác động nhiều mặt đến kinh tế Việt Nam.

Giá dầu thô thế giới liên tục lao dốc mạnh trong thời gian qua, hiện về mức 35 USD/thùng, giảm khoảng 33% tính từ đầu năm. Đây cũng là mức thấp nhất trong hơn 10 năm nay và đang có xu hướng tiếp tục giảm do nguồn cung dư thừa.

Điều đáng nói là dù giá dầu giảm mạnh nhưng giá xăng dầu thành phẩm nhập về Việt Nam vẫn ở mức cao khiến giá bán lẻ trong nước giảm chưa tương xứng, người tiêu dùng chịu thiệt.

Xăng dầu trong nước quyết không giảm

Theo báo cáo cập nhật giá dầu thô thế giới của Bloomberg, tính đến ngày hôm qua (15-12), một số nhà sản xuất trên thị trường dầu mỏ đã chấp nhận giá dầu ở mức thấp hơn nhiều so với ngưỡng 35 USD.

Theo đó, nhiều loại dầu thô của Mexico hiện đang có giá dưới 28 USD/thùng. Iraq cũng đang chào bán loại dầu nặng nhất cho các khách hàng châu Á với mức giá khoảng 25 USD/thùng. Thậm chí ở miền Tây Canada, một số nhà sản xuất bán dầu với giá dưới 22 USD/thùng.

Nhiều chuyên gia phân tích giá dầu thô thế giới giảm sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế Việt Nam. Bởi giá dầu giảm sẽ giúp giá xăng dầu trong nước phải giảm theo. Điều này sẽ giúp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm cho các doanh nghiệp. Ngân sách nhà nước cũng giảm đáng kể khoản chi cho nhập khẩu xăng dầu.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn xăng dầu thành phẩm nhập về Việt Nam chủ yếu từ Singapore và các nhà điều hành dựa vào giá của thị trường này để tính giá cơ sở trong nước.

Theo cập nhật từ Bộ Công Thương, trong vòng một tháng qua, giá xăng dầu thành phẩm dao động ở mức 55-57 USD/thùng. Như vậy, giá xăng dầu thành phẩm nhập về Việt Nam vẫn cao hơn giá dầu thô bình quân thế giới. Bên cạnh đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn chịu gánh một loạt loại thuế, phí dẫn đến giá xăng dầu tại Việt Nam luôn ở mức cao.

Dầu thô lao dốc, giá xăng Việt Nam vẫn vậy! - 1

Giá dầu thế giới đang xuống thấp nhưng giá xăng vẫn còn giữ nguyên. (Ảnh chụp ngày 15-12) Ảnh: HTD

Cao vì gánh nặng thuế, phí

TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cho rằng các nhà điều hành xăng dầu luôn xem thuế xăng dầu là nguồn thu “khủng”. Do đó, Bộ Tài chính vẫn cố gắng tận dụng giữ các loại thuế phí cao làm cho giá xăng dầu Việt Nam không giảm tương xứng với giá thế giới. Đó là nghịch lý.

“Thực tế cho thấy nếu giá thế giới giảm 50%-60% thì giá Việt Nam chỉ giảm 30% vì thuế, phí chiếm hơn 40%” - ông Long phân tích.

Cụ thể, hiện nay mỗi lít xăng phải gánh đến bốn loại thuế. Đó là thuế nhập khẩu 1.400 đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt 800 đồng, thuế môi trường 3.000 đồng, thuế giá trị gia tăng 1.400 đồng. Ngoài ra mỗi lít xăng còn phải gánh thêm chi phí định mức 1.050 đồng, lợi nhuận định mức 300 đồng, trích quỹ bình ổn 300 đồng.

Như vậy, tính ra khi mua một lít xăng RON 92, người tiêu dùng phải đóng góp cho ngân sách nhà nước và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thông qua thuế và phí khoảng 8.300 đồng.

Nếu tính theo giá thế giới 35 USD/thùng thì đáng lẽ giá xăng ở Việt Nam chỉ khoảng 12.000 đồng/lít. Nhưng trên thực tế giá bán lẻ xăng RON 92 hiện 16.790 đồng/lít, cao hơn thế giới khoảng 4.600 đồng/lít.

Để giảm giá xăng dầu trong nước, ông Long đề xuất cơ quan điều hành nên hướng các doanh nghiệp tìm các nguồn xăng dầu thành phẩm ở thị trường có giá rẻ hơn, không nên chỉ tập trung vào một đầu mối. Đặc biệt, tổ điều hành giá xăng dầu cần lấy giá ở các thị trường có giá thấp để tính toán giá cơ sở.

Tác động nhiều chiều

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết giá dầu thế giới về ngưỡng 35 USD/thùng không tác động đến ngân sách nhà nước năm 2015, bởi đây là mức giá cho kỳ năm 2016. Thu ngân sách nhà nước từ dầu thô trong năm 2015 đã đạt và vượt khi đem về khoảng 65.000-66.000 tỉ đồng.

“Hiện nay thu ngân sách từ dầu thô chỉ chiếm 6% trong tổng thu ngân sách nhà nước. Thu dầu thô đã không còn là nguồn có tỉ trọng quyết định như 5-10 năm trước” - ông Tuấn nói.

Hơn nữa giá xăng dầu giảm sẽ kéo theo giá nguyên liệu sản xuất đầu vào cũng giảm theo, tình hình kinh doanh của người dân và doanh nghiệp sẽ thuận lợi hơn. Khi đó, khoản thu thuế từ nội bộ nền kinh tế sẽ tăng lên, ngân sách càng được hưởng lợi.

Tuy nhiên, theo báo cáo mới đây của Tập đoàn Dầu khí Việt nam (PVN), giá dầu thô thế giới sụt giảm mạnh khiến nhiều chỉ tiêu của tập đoàn không đạt như kế hoạch đề ra. Chẳng hạn, nộp ngân sách theo đăng ký là 159.000 tỉ đồng nhưng thực hiện chỉ đạt 115.000 tỉ đồng, hụt 44.000 tỉ đồng.

Với mục tiêu ổn định tăng trưởng, PVN cho hay sẽ gia tăng trữ lượng dầu và đẩy mạnh tìm kiếm khai thác các mỏ dầu, dự án mới trong nước và quốc tế.

Nhìn nhận về vấn đề trên, TS Ngô Trí Long cho rằng cách lý giải của Bộ Tài chính là chưa thuyết phục và mang tính “an dân”. Trên thực tế giá dầu thô giảm sẽ tác động lớn đến cán cân thu-chi ngân sách nhà nước.

“Lý giải của Bộ Tài chính chỉ thuyết phục khi tình hình ngân sách nhà nước đang tốt lên nhưng hiện tại đang thâm thủng; tốc độ chi tăng nhanh hơn tăng thu và luôn ở trạng thái bội chi thì mức giảm thu của dầu thô cũng sẽ làm cho ngân sách càng thêm khó khăn” - ông Long bình luận.

TS Long cũng khuyến cáo PVN với giá dầu hiện nay nếu cố khai thác là lãng phí tài nguyên. Do vậy nên có kế hoạch khai thác cầm chừng, đặc biệt những mỏ nào có chi phí quá cao thì phải dừng hoặc giảm sản lượng khai thác. Nếu bất chấp khai thác sẽ gây tổn hại đến tài sản quốc gia.

Một số ý kiến khác phân tích việc giá dầu thế giới giảm có tác động nhiều chiều tới kinh tế Việt Nam. Trước hết, nguồn thu từ dầu mỏ giảm do Việt Nam là nước xuất khẩu dầu thô. Ngược lại, do cũng nhập khẩu dầu thành phẩm để phục vụ sản xuất và tiêu thụ trong nước nên giá dầu giảm cũng giúp Việt Nam giảm chi phí nhập khẩu dầu, đồng thời chi phí đầu vào đối với sản xuất trong nước giảm giúp thúc đẩy hoạt động sản xuất.

Kịch bản đối phó cú sốc giá dầu

Bộ Tài chính cho hay đã xây dựng các kịch bản rất cụ thể trong trường hợp giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh, kể cả trường hợp giá dầu ở mức 30-40 USD/thùng.

Một số chuyên gia cũng khuyến nghị các cơ quan liên quan cần theo dõi sát sao diễn biến giá dầu và chính sách của các nước đối tác kinh tế lớn để điều chỉnh tỉ giá hợp lý. Chẳng hạn như nới lỏng tiền tệ để kích thích tăng trưởng, giảm giá xăng dầu để thúc đẩy ngành sản xuất tăng trưởng, cải cách hệ thống thuế để đảm bảo nguồn thu hoặc bù đắp phần suy giảm do tác động của giá dầu thế giới giảm.Dự kiến năm 2016, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 12,5-13 triệu tấn xăng dầu. Nếu mức giá dầu thô vẫn giữ nguyên 36 USD/thùng như hiện nay, Việt Nam sẽ tiết kiệm được 2-2,1 tỉ USD.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà Phương (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN