Đầu nậu thao túng giá mía, dân điêu đứng
Giá mía tím đã giảm một nửa so với năm ngoái, nhiều ruộng mía đến kỳ thu hoạch không có người hỏi mua khiến người dân trồng loại cây này ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình như ngồi trên đống lửa.
Thuê “đầu gấu” ép giá mía
Cây mía tím đã được trồng ở Thanh Hóa, Hòa Bình từ hàng chục năm nay, được coi là cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả và thực tế đã có nhiều hộ giàu lên từ cây mía. Ngay vụ mía năm ngoái, người trồng mía ở Thanh Hóa cũng như Hòa Bình còn rất vui mừng vì mía được mùa, được giá. Nhưng năm nay, khi mùa mía đến, cũng là lúc giá mía rớt thê thảm, thậm chí nhiều ruộng mía đến kỳ thu hoạch nhưng không có ai mua.
Bà Bùi Thị H ở thôn Điền Thái, xã Điền Trung (Bá Thước, Thanh Hóa) kéo tôi ra ruộng mía rồi phàn nàn: “Anh thấy đấy, mía đều tăm tắp thế này, nếu năm ngoái bán rẻ cũng được 5.000–6.000 đồng/cây tại vườn. Năm nay, thương lái chỉ trả 2.500–3.000 đồng/cây, đã thế họ còn đòi chặt chọn, nhưng hơn tháng nay chẳng thấy ai đến hỏi nữa. Với giá này, tính ra 8 sào mía tôi lỗ gần 30 triệu đồng”.
Người dân xã Yên Nghiệp (Yên Thủy, Hòa Bình) phải chở mía ra đường Hồ Chí Minh để bán lẻ cho khách đi đường
Cũng theo bà H, khoảng 2 tháng nay, tại một số đoạn đường trên Quốc lộ 217, đoạn qua thôn Điền Thái, làng Xịa hay đầu cầu phà giáp ranh giữa làng Song (Lương Ngoại) và Điền Lý (Điền Lư) của huyện Bá Thước, thi thoảng lại có 4–5 thanh niên mặt mũi bặm trợn, xăm trổ đầy người đứng chặn xe. “Cứ mỗi khi có xe mía đi qua chúng ghi lại biển số xe và khi xuất hiện lần thứ 2 sẽ thu 1,2 – 2 triệu đồng/xe, nếu không chúng gây sự, cấm đường không cho chủ xe ấy mua mía trên địa bàn nữa” - bà H kể.
Từ thông tin trên, tôi nhờ một người quen dẫn đường về các điểm làng Song, Điền Lý. Quả như lời nói của bà H, tại khu gần bến phà bắc qua sông Mã, có 3 thanh niên đội mũ lưỡi trai túc trực, ánh mắt lúc nào cũng như “cú vọ” dò xét người lạ. Còn tại thôn Xịa, chúng tôi quan sát cũng thấy 2 thanh niên kiểu như vậy. Tôi bảo anh bạn dẫn đường đi chậm để chụp ảnh, nhưng anh giằng lại: “Anh muốn bỏ mạng à, bọn này táo tợn, manh động lắm. Chúng có đủ các loại vũ khí và cả “hàng nóng”, hễ kẻ nào “lệch pha” chúng sẵn sàng xử ngay”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, để độc quyền và ép giá người dân, một số đầu nậu, thương lái người địa phương đã thuê đầu gấu… xử những thương lái từ nơi khác đến. Trao đổi với NTNN, ông Nguyễn Văn Quy – Chủ tịch UBND huyện Bá Thước sửng sốt trước thông tin mà phóng viên cung cấp. Ông Quy nói: “Năm nay, giá mía giảm thảm hại, khoảng 50% so với năm ngoái và đặc biệt là lượng mía tồn trên ruộng còn rất nhiều (khoảng 60%, năm ngoái thời điểm này chỉ còn 10 - 15%). Chúng tôi đã cho đoàn đi kiểm tra, nhưng chỉ nghĩ do kinh tế suy thoái lượng mua giảm, chứ không nghĩ lại có chuyện đầu nậu nhúng tay thuê đầu gấu ép giá thế này”.
Bán đổ, bán tháo lấy ruộng cấy
Tương tự như ở Bá Thước (Thanh Hóa), người dân trồng mía ở huyện Yên Thủy, Lạc Thủy, Cao Phong… (Hòa Bình) cũng đang đứng ngồi không yên. Hồi đầu vụ, giá mía 4.000 – 5.000 đồng/cây, nhưng giờ đây chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/cây (mía chọn). Thông thường, dịp giáp tết giá mía sẽ tăng, nhưng năm nay càng giáp tết mía càng giảm, trong khí đó mùa vụ sắp đến nên nhiều nhà đành bán đổ bán tháo, giải phóng lấy đất cấy. Nhiều hộ vì tiếc mồ hôi công sức cả năm trời, không đành lòng bán mía quá rẻ mạt, đã chặt cây kéo xe ra dọc Quốc lộ 12B, Quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh bán lẻ cho khách đi đường.
Ông Nguyễn Văn Quy- Chủ tịch UBND huyện Bá Thước khẳng định: “Chúng tôi sẽ cho lực lượng công an đi điều tra, xác minh rõ các đối tượng đầu gấu, cũng như các đầu nậu nhúng tay vào việc làm trái pháp luật này, đồng thời sẽ xử nghiêm những đối tượng vi phạm. Những năm gần đây, cây mía đã giúp cho nhiều hộ thoát nghèo. Kẻ ức hiếp, ăn chặn bát cơm của dân sẽ phải bị xử lý thích đáng”. |
Anh Bùi Văn Hoàng ở xóm Đam, xã Yên Nghiệp (Yên Thủy) vừa nâng bó mía dựng lên vệ đường Hồ Chí Minh vừa than: “Nhà tôi có gần mẫu mía, như năm ngoái giá 5.000 đồng/cây, trừ chi phí lãi 50 triệu đồng, nhưng năm nay mía chỉ 2.000 – 3.000 đồng/cây thì may ra hòa vốn, đã thế còn mất công đi bán lẻ, nhưng không bán thì không có đất để cấy”.
Chạng vạng tối, trời lạnh buốt, nhưng chị Bùi Thị Hoa (xóm Sống) vẫn ngồi chờ khách qua đường mua mía. “Tôi làm mía gần chục năm nay, nhưng chưa năm nào khổ như năm nay. Giá giảm, lại không có người mua, để lấy đất cấy chúng tôi phải cố ngồi đây bán cho hết mía, chứ bán với giá này thì lỗ quá” – chị Hoa buồn rầu nói.
Theo chị Hoa, nguyên nhân mía giảm là do năm nay thương lái các nơi không đến mua. Chị Hoa tỏ ra rất bức xúc, khi biết thông tin có đầu nậu nhúng tay “làm giá”, dẫn đến giá mía, lượng mua giảm: “Theo tôi cần phải điều tra, bắt và xử lý nặng những đối tượng trục lợi bất chính này” - chị Hoa bức xúc.
Còn ông Bùi Văn Chung – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Nghiệp tỏ ra ái ngại và lo lắng trước giá mía giảm và lượng mía tồn đọng nhiều trong dân. Ông Chung cho biết: “Xã có hơn 140ha mía tím, đến nay mới thu hoạch được gần 50%. Chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là người dân phải làm đất cấy. Cứ đà này, người dân rất khó giải phóng đất cấy...”.