Đấu giá cá tra trên sàn quốc tế

Cá tra sẽ được xuất khẩu qua một đầu mối trung tâm xuất khẩu và được đấu giá trên sàn giao dịch Zeebrugge tại Bỉ.

Bán cá tra qua sàn đấu giá quốc tế Zeebrugge (Bỉ) là cách bán kiểu mới mà VASEP và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đang bàn thảo - Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết. Theo ông Dũng, đây là bước giải bài toán cá tra bị xuống giá, nhằm cứu doanh nghiệp (DN) và nông dân.

Đấu giá cá tra trên sàn quốc tế - 1
Khách tham quan tìm đối tác tại Hội chợ Triển lãm Quốc tế Thủy sản Việt Nam (Vietfish 2013) đang diễn ra tại TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

Lợi giá, quản được chất lượng

Bên lề Hội chợ Triển lãm Quốc tế Thủy sản Việt Nam (Vietfish 2013) đang diễn ra tại TP.HCM, ông Dũng cho biết Bộ NN&PTNT sẽ giao cho VASEP thành lập một trung tâm xuất khẩu thủy sản sang châu Âu tham gia vào sàn giao dịch Zeebrugge tại Bỉ. Sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ được đấu giá trên sàn giao dịch này. Cá tra được chọn là sản phẩm tham gia đấu giá trước tiên.

“Chúng tôi chọn sàn giao dịch đấu giá tại châu Âu vì đây là một trong ba thị trường chính của cá tra Việt Nam. Trong khi tại Nhật, Mỹ, ta đang gặp khó vì rào cản thương mại và thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp thì EU vẫn thông thoáng hơn, kinh tế vẫn trì trệ nhưng sức tiêu thụ cá tra ở EU đã khởi sắc trở lại. Ta chọn sàn giao dịch Zeegrugge vì đây là một trong những sàn giao dịch nông sản xuất khẩu lớn tại châu Âu, có cảng Zeebrugge là trung tâm trung chuyển hàng hóa. Tham gia Zeebrugge, thủy sản có thể xuất bằng những tàu trọng tải lớn. Tàu cập cảng Zeebrugge thì chỉ trong 24 giờ hàng thủy sản Việt Nam sẽ có mặt tại hơn 86% các siêu thị ở châu Âu. Ưu điểm của cảng Zeebrugge đã khiến sàn giao dịch này thu hút hầu như tất cả nhà nhập khẩu ở châu Âu vì họ giảm được chi phí lớn trong việc bảo quản và phân phối hàng hóa” - ông Dũng phân tích.

Mặt khác, theo ông Dũng, qua việc đấu giá, giá cá tra sẽ được nâng lên mức cao - từ đó tác động tới mặt bằng giá cá tra xuất khẩu trong nước. Ngành cá tra cũng sẽ khắc phục được tình trạng chất lượng cá bị giảm do DN tranh mua, tranh bán nên tìm cách hạ chất lượng để hạ giá bán. Cá tra tham gia sàn giao dịch phải đạt các tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu, mức độ uy tín về chất lượng sẽ tăng lên. Cách làm này học theo cách của các DN xuất khẩu trái Kiwi ở New Zealand.

Ông Dũng cho hay: Trước đây, VASEP có quản lý xuất khẩu cá tra bằng giá sàn để hạn chế tình trạng DN tranh mua, tranh bán hạ giá cá nhưng không hiệu quả. Nếu qua sàn giao dịch quốc tế, tất cả DN thủy sản sẽ chỉ xuất khẩu qua một đầu mối là trung tâm xuất khẩu thủy sản do VASEP điều hành. Trung tâm này sẽ đưa cá tra lên sàn, giá cá cao hay thấp sẽ theo từng loại. Nếu ký được hợp đồng, trung tâm này sẽ phân bổ lại hợp đồng tương ứng với năng lực của từng DN.

Băn khoăn số lượng xuất khẩu giảm

Được biết VASEP đã có chuyến tham quan khảo sát và làm việc với sàn giao dịch này, cá tra Việt Nam đủ khả năng tham gia có nhiều cái lợi nhất là về việc nâng giá bán. Tuy nhiên, “có hai băn khoăn lớn lúc này là về việc cộng đồng DN xuất khẩu cá tra có chấp nhận cách làm này hay không và nếu tham gia thì sản lượng bao nhiêu, 40% - 50% hay 80% sản lượng cá tra xuất khẩu sang châu Âu là hiệu quả nhất?” - ông Dũng nói.

Đa số DN đã nghe về thông tin này nhưng họ cho biết cần qua việc lấy ý kiến cộng đồng DN mới quyết định tham gia hay không. Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Gò Đàng thậm chí đã sang tham quan cảng Zeebrugge, chia sẻ: “Cách làm này nhằm mục đích cứu ngành cá tra đang gặp khó, động cơ tốt, cần ủng hộ tham gia góp ý kiến, thảo luận. Bán bằng đấu giá thì chắc chắn giá sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, do bán đấu giá thì chắc chắn sản lượng cá tra xuất khẩu kiểu này sẽ ít hơn so với kiểu xuất khẩu thông thường. Số nhà nhập khẩu tham gia đấu giá mua sẽ không nhiều, hơn nữa thắng thầu chỉ có một người.”

Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cho rằng bán cá tra qua đấu giá cũng phải tùy vào từng thời điểm giá xuất khẩu, tình hình xuất khẩu. Hiện nay giá bán cá tra Việt Nam gần như “chạm đáy” - chỉ ở mức khoảng 2,5 USD/kg, DN xuất khẩu lỗ nặng vì bán đúng giá vốn đã là 2,7 USD/kg. Việc đem đấu giá cá tra thời điểm này chắc chắn sẽ đưa giá cá tra xuất khẩu về đúng mức hợp lý, tuy nhiên “chúng tôi sẽ cân nhắc phương án của VASEP, thấy thuyết phục thì tham gia”.

Ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết vào tháng 10, VASEP và Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức hội thảo lấy ý kiến DN tại TP.HCM và họp với các cơ quan chức năng tại Hà Nội về cách bán cá tra qua sàn giao dịch quốc tế.

Thống nhất giảm xuất khẩu cá tra vào Mỹ

Chín DN xuất khẩu cá tra vào Mỹ sẽ ngồi lại thống nhất giảm sản lượng cá tra xuất khẩu sang quốc gia này để tránh những vụ kiện vô lý về chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Đồng thời chín DN này sẽ cùng nâng mức giá bán cá tra vào thị trường Mỹ. Về việc kiểm soát, chín DN này sẽ ký kết hợp tác với cơ quan hải quan về việc kiểm tra lượng cá tra xuất khẩu. Cơ quan hải quan sẽ kiểm soát lô hàng, nếu phát hiện DN nào xuất khẩu vượt quá sản lượng cho phép sẽ báo với ban điều hành của chín DN này để ngăn chặn. Đây là thống nhất của riêng chín DN cá tra xuất khẩu vào Mỹ nên VASEP không can dự.

Ông NGUYỄN HỮU DŨNG, Phó Chủ tịch VASEP

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy (Pháp luật TPHCM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN