Đau đầu nạn hàng nhái ở Trung Quốc: Túi giả có chip, túi thật thì không
Là thương hiệu thời trang nổi tiếng, chẳng có gì lạ khi Louis Vuitton có những sản phẩm thời trang bị nhái rất nhiều ở Trung Quốc, nhất là mặt hàng túi xách.
Tình trạng hàng giả, hàng nhái được bán tràn lan là câu chuyện đã tồn tại nhiều năm ở đất nước tỷ dân. Theo thời gian, những người sản xuất hàng nhái ở quốc gia này không chỉ tìm cách hoàn thiện quy trình sản xuất mà còn muốn “vượt qua cả thương hiệu gốc về mặt công nghệ”.
Mới đây, một vụ buôn bán túi da giả nhãn hiệu Louis Vuitton (LV) thông qua nền tảng WeChat đã bị phanh phui. Hơn 30 người có liên quan đã bị khởi tố ở Thượng Hải.
Túi xách LV bị làm giả ngày càng tinh vi. Ảnh: qq.com
Sự việc xảy ra vào tháng 12/2019, khi lực lượng chức năng phát hiện có người bán số lượng lớn túi thương hiệu LV bị nghi giả mạo thông qua nền tảng Wechat. Đứng sau đó là một mạng lưới sản xuất và bán hàng giả khổng lồ. Nhóm chủ mưu là 4 anh chị em trong một nhà, đều là những người cung cấp da và phần cứng để làm túi LV giả. Họ thuê một quầy hàng tại một khu phố chuyên bán đồ da và đồ kim khí ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, để vận hành đường dây kinh doanh. Có những chiếc túi thậm chí đến tay người tiêu dùng ở tận Trung Đông.
Nhóm đối tượng đã mua chuộc được một nhân viên bán hàng của hãng LV để có được các thông tin nội bộ chi tiết của các sản phẩm chưa được bán. Ảnh: qq.com
Tinh vi ở chỗ những người này đã mua những chiếc túi thật về tháo rời ra để tìm hiểu về nguyên vật liệu cho chính xác. Họ còn mua chuộc được một nhân viên bán hàng của hãng LV để có được các thông tin nội bộ chi tiết của các sản phẩm chưa được bán. Từ đó, nhóm này thậm chí có thể tung hàng nhái ra thị trường sớm hơn hàng chính hãng.
Các sản phẩm nhái thường được bán buôn và phân phối với giá chỉ từ 15 tới 30 USD, sau đó được bán ra với mức giá từ 70 đến 100 USD trong khi giá thị trường của những chiếc túi thật lên tới 1,7 triệu USD.
Bất ngờ nhất là nhóm tội phạm tự phát triển để đưa ra cái gọi là thẻ chống hàng giả dựa trên công nghệ NFC. Mỗi chiếc túi LV giả có gắn chip NFC để khi người dùng quét bằng điện thoại di động, đường dẫn sẽ đưa tới trang web chính thức của hãng LV. Chiêu trò này đã khiến nhiều người mua tin chắc rằng đây là sản phẩm chính hãng.
Trong khi đó theo đại diện hãng LV, túi chính hãng không có chip cảm biến như vậy. Tất cả các túi có chức năng cảm biến NFC đều là hàng nhái. Mặc dù từ lâu hãng đã áp dụng nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn vấn nạn này nhưng thực tế, bạn có thể mua các thiết kế nhái của LV ở bất kể đâu, kể cả việc bày bán công khai trên đường phố Trung Quốc.
Không chỉ túi xách, giày dép cũng là mặt hàng bị làm nhái nhiều nhất. Những chiếc giày đế đỏ kinh điển của Christian Louboutin trở thành cách để nhiều người kiếm tiền bất chính bằng việc kinh doanh hàng nhái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu.
Ngoài ra bạn có thể dễ dàng tìm thấy những đôi giày hay quần áo gắn mác Nike và adidas trong các khu chợ hay bày bán tràn lan trên vỉa hè. Người đứng đầu của những nhãn hàng này đã thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ thương hiệu, nhưng tất cả đều không mang lại kết quả như mong muốn. Khi thị trường sneakers tăng trưởng mạnh mẽ thì trình độ sản xuất hàng nhái cũng ngày càng trở nên tinh vi, giống bản gốc đến 90%.
Với công nghệ sao chép “thượng thừa” cùng tốc độ cập nhật thông tin sản phẩm nhanh chóng, người tiêu dùng ngày càng “đau đầu” để phân biệt giữa hàng nhái và hàng thật.
Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng nhái là nhiệm vụ không riêng một tổ chức hay cá nhân nào mà phải đến từ sự đồng lòng của một tập thể, để giảm nhu cầu mua sắm hàng hiệu giá rẻ. Làm được như vậy được mới từng bước đẩy lùi vấn nạn hàng nhái tràn lan như hiện nay.
Nguồn: [Link nguồn]
Khi thấy lực lượng quản lý thị trường xuất hiện truy quét hàng nhái, nhiều tiểu thương chợ Ninh Hiệp (Hà Nội) đã thu...