Đau đầu chuyện vay nợ ngành cá tra
Ngày 22/12/2012, Ngân hàng Nhà nước chính thức lên tiếng về chuyện cho vay đối với ngành cá tra trong 9 tháng đầu năm 2012, sau khi thông tin báo chí đưa tin về vấn đề này với nhiều ý kiến khác nhau.
Cách đây vài tuần, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có văn bản kiến nghị Chính phủ kiểm tra lại những con số mà Ngân hàng Nhà nước báo cáo cho vay đối với ngành cá tra: 38.218 tỷ đồng doanh số cho vay trong 3 quý đầu năm 2012, dư nợ tính đến ngày 30/9/2012 là 20.784 tỷ đồng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, những con số này hết sức phi lý, vì tổng giá trị sản xuất và tiêu thụ của toàn ngành cá tra cả năm chỉ khoảng 28.000 tỷ đồng, tức là tổng vốn đầu tư sản xuất sẽ thấp hơn nữa.
Ngân hàng khẳng định phù hợp với thực tiễn
Ngân hàng Nhà nước cho biết, các số liệu do cơ quan này công bố được tổng hợp trên cơ sở báo cáo của các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Cụ thể: doanh số cho vay trong 9 tháng đầu năm 2012 đối với lĩnh vực nuôi, trồng, thu mua chế biến cá tra tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đạt 38.218 tỉ đồng, doanh số thu nợ đạt 35.907 tỉ đồng; dư nợ cho vay đến ngày 30/9/2012 đạt 20.784 tỉ đồng, tăng 14,03% so với dư nợ cho vay cuối năm 2011. Số lượt khách hàng còn dư nợ tính đến thời điểm này là 5.962 hộ dân và 282 doanh nghiệp.
Về số liệu về doanh số cho vay và dư nợ tín dụng đối với ngành cá tra, Ngân hàng Nhà nước khẳng định là phù hợp với diễn biến thực tế.
Tổng giá trị sản xuất và tiêu thụ của toàn ngành cá tra cả năm chỉ khoảng 28.000 tỷ đồng.
Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), riêng xuất khẩu cá tra 11 tháng rưỡi năm 2012 là 1.525.081.812 USD, chiếm khoảng 1,5% GDP (chỉ giảm 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, ước cả năm đạt khoảng 1,7-1,8 tỉ USD), trong khi dư nợ của ngành cá tra hiện nay chỉ chiếm khoảng 0,8% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế.
Doanh số cho vay 38.218 tỉ đồng đối với lĩnh vực cá tra trong 9 tháng đầu năm cũng phù hợp với diễn biến kết quả xuất khẩu cá tra tương đương 32.000 tỉ đồng (chưa kể tiêu thụ trong nước). Để thu được 1 đồng xuất khẩu cá tra thì ngành Ngân hàng có thể phải cho vay tới 2 đồng vì: 1 đồng để người dân chi phí nuôi cá và 1 đồng để các doanh nghiệp chế biến thu mua cá của dân.
Theo phản ánh, VASEP cũng cho rằng từ khi triển khai cho vay hỗ trợ cá tra theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 1149/TTg-KTN ngày 8/8/2012, đã có khoảng 10.000 tỉ đồng được các ngân hàng bơm ra cho ngành cá tra. Số liệu này là phù hợp với thống kê của Ngân hàng Nhà nước trong giai đoạn này cũng như doanh số cho vay cá tra 9 tháng đầu năm 2012 (38.000 tỉ đồng).
Nếu xét số tuyệt đối thì dư nợ tín dụng tại thời điểm 30/9/2012 so với cuối năm 2011 chỉ tăng 2.000 tỉ đồng. Lý do tăng tín dụng nêu trên (trong khi sản lượng và giá trị xuất khẩu cá tra giảm) là chi phí nuôi của người dân tăng lên. Theo báo cáo của VASEP thì từ quý 1 đến quý 3/2012 giá thức ăn của cá tra đã tăng lên từ 15% - 20% trong khi chi phí thức ăn trong nuôi cá tra chiếm tới 80%.
Thống kê của ngành ngân hàng là số lượt khách hàng (hộ, cá nhân, doanh nghiệp) còn dư nợ tại các tổ chức tín dụng, không phải là số khách hàng. Vì có thể có khách hàng được vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng và được thống kê thành nhiều lượt khách hàng còn dư nợ.
VASEP: khó tin ngân hàng “hào phóng”
Trước tình thế người nuôi cá tra lao đao, vào tháng 7/2012 với kiến nghị khẩn thiết của VASEP, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho một gói tín dụng cấp bách để giải cứu ngành cá tra.
Theo đề xuất, gói tín dụng này lên tới 9.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ người nuôi, doanh nghiệp chế biến tiêu thụ khoảng 800.000 tấn cá tra nguyên liệu đến hết năm 2012. Khi ấy cả VASEP và Bộ Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn vừa kiến nghị vừa “run” vì số tiền đề xuất lớn quá. Không thể ngờ rằng ngành ngân hàng vô cùng “hào phóng”, khi đã cho ngành cá tra vay với số tiền cao gấp hơn 4 lần so với đề xuất.
Theo VASEP, tổng số doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá tra cả nước chỉ khoảng 160 doanh nghiệp, trong đó khoảng 30% gần như “chết rồi”, thì lấy đâu ra hơn 250 doanh nghiệp chế biến cá tra vay vốn ngân hàng. Cả nước đúng là có 6.000 hộ dân nuôi cá tra, nhưng nhiều hộ có tiền tự đầu tư không cần vay vốn, và hàng nghìn hộ nuôi nhỏ lẻ không vay được vốn, nên không thể tất cả 6.000 hộ nuôi cá tra đã cùng vay vốn.
Thống kê từ Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, tổng sản lượng cá tra thu hoạch từ đầu năm đến nay gần 1,1 triệu tấn, năng suất bình quân chỉ 279 tấn/ha, trong khi năm ngoái là 305 tấn/ha. Nếu tính theo giá bán bình quân 22.000 đồng/kg, thì tổng giá trị của cá tra nguyên liệu là 24.000 tỉ đồng, cộng thêm chi phí để chế biến ra thành phẩm thì tổng giá trị sản xuất của ngành cá tra không thể quá 28 nghìn tỷ đồng, con số này phù hợp với mức kim ngạch 1,7 tỷ USD xuất khẩu.
“Nếu khối ngân hàng đã đổ ra hơn 38 nghìn tỷ đồng chỉ cho riêng ngành cá tra vay, thì các doanh nghiệp không phải bán tháo cá, khiến giá giảm như hiện nay” – ông Dương Ngọc Minh, Phó chủ tịch Vasep phân tích.
Nếu quả thật toàn ngành cá tra đã vay 38 nghìn tỷ đồng chỉ để thu lại kim ngạch 1,7 tỷ USD thì phải xem lại hiệu quả kinh tế của ngành này. VASEP đặt nghi vấn: có thể các chi nhánh cấp dưới của các ngân hàng cho vay sai mục đích, bây giờ lại hướng dẫn người vay làm đề án nuôi cá tra, vì đây là lĩnh vực đang được ưu tiên, để biến nợ xấu đó thành nợ con cá tra. Cũng có thể, nhiều doanh nghiệp cá tra vay vốn nhưng không đầu tư vào nuôi và chế biến cá tra, mà dùng tiền đó đầu tư vào những lĩnh vực khác, nếu vậy thì phải xử lý các Doanh nghiệp này.