'Đất sống' của hàng giả, hàng nhái
Tại TPHCM nhiều nơi bày bán công khai hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, “thiên đường mua sắm” hiện nay không chỉ ở chợ, trung tâm thương mại mà còn đổ bộ lên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội…
Hàng hiệu, giá rẻ bèo
Trưa 13/10, trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1, TPHCM) khá đông khách đến tham quan, mua sắm. Nơi đây được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” của tín đồ thời trang trong nước và quốc tế khi đến TPHCM.
Tại một quầy bán mắt kính trong Saigon Square, chúng tôi được ông T chào mời đủ các loại kính hiệu như Gucci, Chanel… với giá chưa tới 100.000 đồng/cái. Khi chúng tôi yêu cầu xem hàng tốt hơn, người này vào trong lấy ra chiếc kính hiệu Rayban và quảng cáo là hàng xịn. “Phần tròng kiếng làm bằng kính lọc tia UV có thể sử dụng cả ngày lẫn đêm, trong khi các loại khác đều làm bằng nhựa, mica. Giá hiện là 450.000 đồng, bán cho em làm quen nên anh lấy 400.000 đồng thôi” - ông T tỏ ra xởi lởi.
Truy bắt hàng giả bán qua TikTok, Facebook Đầu tháng 10/2024, Cục QLTT TPHCM đã liên tiếp truy bắt nhiều cơ sở kinh doanh hàng hóa giả, nhái nhãn hiệu thông qua các kênh mạng xã hội như TikTok, Facebook. Cụ thể, Đội QLTT số 18 phát hiện hộ kinh doanh thời trang H. T. H (Nguyễn Ảnh Thủ, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) đang giới thiệu, chào bán hàng hóa trên TikTok nên đã phối hợp với UBND xã Bà Điểm kiểm tra, tạm giữ 41 sản phẩm thời trang hiệu Louis Vuitton có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ độc quyền tại Việt Nam, tổng trị giá hàng hóa hơn 23,2 triệu đồng. Cũng trên TikTok, Đội QLTT số 18 kiểm tra cửa hàng thời trang N-H (Phan Văn Hớn, huyện Hóc Môn) do ông N.N.P làm chủ đang chào bán hàng hóa thời trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu. |
Tuy nhiên, khi chúng tôi lấy lý do muốn dẫn người nhà đến thử kính, thì ông T quyết bán hàng cho bằng được khi tiếp tục giảm giá còn 380.000 đồng. Đồng thời “dụ” tôi nên mua ngay, đem về nếu không thích thì có thể mang đổi cái khác. Trong khi đó, khảo sát giá kính Rayban tại một cửa hàng phân phối chính hãng, nơi này rao giá từ 5 - 13 triệu đồng/cái.
Tại quầy hàng túi xách toàn những thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, một chiếc túi xách tay hiệu “Christian Dior”, được báo giá 1,1 triệu đồng. Trong khi đó chiếc túi tương tự tại showroom Dior có giá 100 triệu đồng. Nhân viên tiếp tục giới thiệu thêm loạt túi xách “xịn” nhưng giá mềm hơn, chỉ từ 450.000 - 500.000 đồng/cái. “Bên em bán rẻ nhất ở đây rồi, chị xem thích cái nào cứ chọn, em sẽ bớt thêm” - người này đon đả.
Hàng giả, hàng nhái thương hiệu giá rẻ bèo bán công khai tại Saigon Square. Ảnh: U.P
Khu vực kinh doanh quần áo, giày dép ở chợ Bến Thành (quận 1), khách nước ngoài đến cũng được tiểu thương giới thiệu các loại áo thun thương hiệu Polo, Louis Vuitton, Adidas… giá 500.000 đồng/cái.
Từ 16 giờ, phố thời trang trên đường Nguyễn Trãi (quận 5), tiểu thương đổ hàng đống đồ hiệu từ túi xách, giày dép, quần áo… ngay trên vỉa hè với giá chỉ vài chục ngàn đồng/món.
Tiêu dùng dễ dãi
Cuối tháng 9 vừa qua, Saigon Square bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4 thuộc Cục QLTT kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng trăm sản phẩm quần áo, túi xách, ví, trang sức xi mạ… không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nước ngoài đang được bảo hộ tại Việt Nam. Điều đáng nói, Saigon Square thường xuyên bị kiểm tra nhưng lần nào cũng bị phát hiện kinh doanh hàng giả, hàng nhái.
Theo luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM, hàng lậu, hàng giả làm trì trệ sự phát triển kinh tế, gây bất ổn xã hội, làm thiệt hại cho giới DN, ảnh hưởng nặng nề đến người tiêu dùng về nhiều mặt. Lý do hàng giả, hàng nhái dù bị truy quét quyết liệt nhưng vẫn còn “đất sống”, theo bà Thu là chế tài xử phạt còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả. Ngoài ra còn phải kể đến sự góp phần không nhỏ của người tiêu dùng khi còn nhiều người chấp nhận hàng giả do chuộng giá rẻ, hoặc do không biết và nhất là thường bỏ qua khi phát hiện hàng giả.
Ngày 13/10, trả lời PV Tiền Phong nguyên nhân tiểu thương kinh doanh hàng giả, hàng nhái liên tục bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm, ông Nguyễn Quang Huy, Cục phó Cục QLTT TPHCM cho rằng, do mặt trái của nền kinh tế thị trường, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái mang lại lợi nhuận lớn đánh đúng vào thị hiếu của người tiêu dùng với sự đa dạng mẫu mã cùng giá thành thấp nên các tiểu thương vẫn tiếp tục kinh doanh mặt hàng này.
“Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT TPHCM đã kiểm tra, xử lý 30 vụ vi phạm tại Trung tâm thương mại Saigon Square, tạm giữ 968 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 213,5 triệu đồng, đã xử phạt với số tiền hơn 223,5 triệu đồng” - Ông Huy thông tin.
Cũng theo ông Huy, hiện nay, các doanh nghiệp (DN), hộ kinh doanh cũng đã chuyển dần từ bán hàng trực tiếp sang bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội hay các sàn giao dịch thương mại điện tử, nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Với tính chất ẩn danh và khả năng tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng thông qua các nền tảng như Facebook, Zalo, Shopee, Lazada, người bán lập nhiều tài khoản với danh tính giả, dùng tên miền quốc tế hoặc đổi tên liên tục khi bị phát hiện, gây khó khăn trong truy xuất nguồn gốc hàng hóa và xử lý vi phạm.
Nguồn: [Link nguồn]
Những chiếc túi, giày dép, quần áo, kính mắt, đồng hồ… gắn mác Chanel, Louis Vuitton, Gucci, Dior… bán đầy chợ truyền thống đến "chợ mạng". Lực lượng chức năng nhiều lần vào cuộc xử lý nhưng rồi đâu lại vào đó.